Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tri ân “báu vật nhân văn sống”

Thứ Sáu 05/03/2021 | 11:14 GMT+7

VHO- Đưa ra nhận diện trọn vẹn về khái niệm “Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể”, TS Phạm Cao Quý (Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL) với ấn phẩm vừa ra mắt cùng tên chia sẻ, sách này không bán mà để dành tặng các nghệ nhân và những ai cần nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT).

 Cuốn sách đã đề cập nhiều vấn đề về chính sách đối với nghệ nhân

 Mong muốn đem đến một cái nhìn toàn diện hơn, góp phần tôn vinh và tri ân những “báu vật nhân văn sống”, TS Phạm Cao Quý vừa ra mắt cuốn sách “Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể”. Với gần 300 trang, sách được chia làm 4 phần lớn, với một số nghiên cứu về chính sách thực hành DSVHPVT, nhận diện nghệ nhân; chính sách đối với nghệ nhân và gợi ý chính sách dành cho nghệ nhân.

Cuốn sách không đơn thuần là… một cuốn sách, vì đó là cách nhìn, một sự tri ân đối với những nghệ nhân thực hành DSVHPVT “báu vật nhân văn sống”. Theo TS Quý, trong một thời gian dài có sự “đánh đồng” giữa nghệ nhân và nghệ sĩ, chỉ những người làm nghề thủ công mới được nhận diện là nghệ nhân. “Tuy nhiên, nghệ nhân là người nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật về DSVHPVT. Nghệ nhân thực hành DSVHPVT là người được kế thừa, nắm giữ di sản của cha ông truyền lại cho thế hệ mai sau. Nghệ nhân thực hành được ví như những “báu vật nhân văn sống”, “bảo tàng sống”, “kho tàng di sản văn hóa sống” mà không thể có hình thức vật chất nào thay thế...”, TS Phạm Cao Quý nhận định.

Trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT, người nắm giữ, thực hành di sản được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất. DSVHPVT không nằm ngoài con người mà được chính bản thân con người dưới góc độ cá nhân, nhóm, cộng đồng nắm giữ và thực hành. Họ là những người đóng góp vai trò chủ chốt trong quá trình tiếp nhận, sáng tạo và chuyển giao cho thế hệ kế tiếp, là những người kiến tạo xã hội mang màu sắc truyền thống. Như vậy có nghĩa di sản phi vật thể luôn sống cùng đời sống con người, chịu tác động đe dọa và có nguy cơ mai một, thất truyền, “đóng băng ở quá khứ”.

Chia sẻ về động lực viết về những nghệ nhân thực hành DSVHPVT, TS Phạm Cao Quý cho biết, trước giờ không nhiều người nghiên cứu về nghệ nhân với vai trò là người nắm giữ, thực hành, sáng tạo và truyền dạy DSVHPVT. Bởi vậy, cuốn sách nhỏ này một phần nghiên cứu, nhận diện về họ; mặt khác để tri ân những nghệ nhân, bởi không có họ thì không có di sản. “Nghệ nhân thực chất là những người thầy của mình, những kiến thức tôi viết ra đây đều là từ họ. Tôi muốn dành cho họ một sự tôn trọng xứng đáng”, TS Phạm Cao Quý bộc bạch. Đưa ra khái niệm về nghệ nhân thực hành DSVHPVT và có tính lý luận cơ bản về DSVHPVT, đây là ấn phẩm giúp ích những nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa để nhận diện rõ ràng được đối tượng của mình, cũng như có chính sách phù hợp để những DSVHPVT được bảo vệ và phát huy.

“Từ trước tới nay chúng ta đang áp dụng chính sách đối với các loại hình DSVHPVT một cách khô cứng, rập khuôn, chưa trúng và chưa đầy đủ...”, TS Phạm Cao Quý nhận định. Từ góc độ cơ sở lý luận trong cuốn sách cho thấy sự thiếu hụt, bất cập, chưa đúng hướng trong việc xây dựng chính sách đối với nghệ nhân thực hành DSVHPVT. TS Quý phân tích, sự chồng chéo, bất cập đang thể hiện ở nhiều phương diện, trong đó có việc phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Bộ Công thương phụ trách phong tặng trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và Bộ VHTTDL phong tặng ở mảng DSVHPVT, trong khi đó nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống là một trong các lĩnh vực thuộc DSVHPVT. Kết quả là có 2 Nghị định về xét tặng NNND, NNƯT, dẫn đến việc cùng danh hiệu nhưng có 2 hệ thống xét tặng. Đó là Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực DSVHPVT và Nghị định số 123/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

Tiêu chí để xét danh hiệu của hai Nghị định này có những điểm khác biệt trong khi cùng hướng đến một danh hiệu. Tiêu chí xét danh hiệu quy định trong Nghị định 62/2014/NĐ-CP định tính cao, trong khi tiêu chí trong Nghị định số 123/2014/NĐ-CP tập trung nhiều vào định lượng, sản phẩm, thành tích cụ thể. Thực tế, các nghệ nhân không phải ai cũng có các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của Nghị định 123/2014/NĐ-CP, thậm chí rất khó hoặc không có, trong khi họ vẫn mải miết gìn giữ văn hóa truyền thống của mình bằng việc sáng tạo, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc như trang phục, nhạc cụ truyền thống…, nhưng lại không có quy định cụ thể xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT đối với loại hình nghề thủ công truyền thống.

“Chính sách đối với nghệ nhân thực hành DSVHPVT không thể chỉ là chính sách an sinh xã hội. Đó cũng không thể chỉ là vinh danh thông qua các danh hiệu. Khi quá tập trung cho việc có được các danh hiệu có thể dẫn tới những tác động xa rời mục tiêu bảo vệ di sản. Các chính sách đối với nghệ nhân cần hướng tới là chính sách tổng thể nhằm thúc đẩy sự kế thừa, thực hành, trao truyền và tái sáng tạo di sản...”, TS. Phạm Cao Quý nêu. Trên cơ sở nghiên cứu, điền dã, tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản..., TS Phạm Cao Quý đưa ra một số gợi ý về thay đổi chính sách với nghệ nhân. “Mặc dù luôn cần chính sách liên quan tới đảm bảo an sinh cho nghệ nhân nhưng chính sách này không thể mãi thực hiện theo cách “bao cấp” mà cần theo hướng giúp nghệ nhân có thể thoát khỏi nó bằng việc tự tăng thu nhập, thông qua việc thực hành DSVHPVT mà họ đang nắm giữ…”, TS. Phạm Cao Quý cho biết. 

 MAI HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top