Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Sẵn sàng các phương án mở lại thị trường quốc tế

Thứ Sáu 05/03/2021 | 11:16 GMT+7

VHO- “Với tình hình chống dịch tốt của Việt Nam như hiện nay, các Hiệp hội Du lịch (HHDL) địa phương, HHDL chuyên ngành và doanh nghiệp thành viên cần lên ngay các phương án, sẵn sàng cho việc mở lại thị trường du lịch quốc tế nửa cuối năm 2021 đồng thời với việc khai thác thị trường nội địa”.

 Trong khi chờ du lịch quốc tế mở cửa trở lại, cần tập trung khai thác thị trường nội địa Ảnh: MINH CHUYỂN

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch HHDL Việt Nam tại Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai kế hoạch công tác năm 2021 của HHDL Việt Nam.

Nếu chậm sẽ mất thị trường

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, doanh nghiệp du lịch cần có những giải pháp mới, chủ động hơn để thoát khỏi cơn khủng hoảng trầm trọng hiện nay của thị trường du lịch. Đã hơn 1 năm nay, thị trường du lịch rơi vào tình trạng “đóng băng” do ảnh hưởng dịch Covid-19. Hàng nghìn khách sạn, thậm chí cả các khách sạn 4-5 sao phải đóng cửa hoàn toàn vì không có khách, không đủ tiền đóng tiền điện nếu sáng đèn. Hàng triệu lao động ngành Du lịch không có việc làm, phải chuyển đổi nghề. Khoảng gần 600 doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành, 95% doanh nghiệp lữ hành ngừng hoạt động. Vì thế, thời gian tới, để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa khôi phục kinh tế, ngành Du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh thị trường nội địa với những sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới, đồng thời, nghiên cứu thị trường, chuẩn bị mở lại du lịch quốc tế.

Năm qua, dù dịch bệnh hoành hành khắp thế giới nhưng một số nơi, một số quốc gia du lịch vẫn duy trì hoạt động qua việc tổ chức các sự kiện trực tuyến, du lịch ảo, hội thảo, hội nghị trực tuyến… Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch cung cấp “hộ chiếu vắcxin”, “giấy thông hành xanh” giúp người dân tự do đi lại, tìm lối thoát cho ngành Du lịch và Hàng không đang gặp khó khăn, dù ý tưởng này đang còn nhiều tranh cãi. Trong khu vực ASEAN, Thái Lan cũng đã thông báo mở lại thị trường du lịch quốc tế từ tháng 7.2021. Singapore đón khách quốc tế có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS- CoV- 2 và Indonesia cũng đã công bố sẽ mở cửa Bali với “Hành lang không Covid”, Chính phủ Indonesia đồng thời sẽ triển khai gói vay ưu đãi với tổng trị giá 670 triệu USD nhằm thúc đẩy phục hồi du lịch Bali…

“Nếu không làm tốt, làm ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ bị động và mất thị trường. Các doanh nghiệp du lịch và Hiệp hội thành viên cần phải chủ động hơn, làm hết sức mình, khắc phục khó khăn để HHDL Việt Nam báo cáo, đề xuất Chính phủ cho thí điểm đón khách quốc tế trở lại từ quý 3 hoặc quý 4 năm 2021”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam nêu ý kiến.

Xu hướng du lịch đã có nhiều thay đổi Ảnh: BÙI HẰNG

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó chủ tịch HHDL TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH JTB- TNT đồng ý với nhận định tình hình của lãnh đạo HHDL Việt Nam và cho rằng: “Dư luận thế giới đánh giá rất cao việc phòng, chống dịch của Việt Nam, cộng với việc có vắcxin, nếu biết cách làm, Việt Nam có thể sẽ là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thu hút nhiều khách quốc tế khi thị trường mở lại. Việt Nam cần trao đổi với các nước để đưa ra các tiêu chí để đón khách quốc tế ngay. Đồng thời, nghiên cứu thị trường xem tập trung vào thị trường nào, ưu tiên thị trường nào, sản phẩm nào để phục vụ khách, nhu cầu của khách thay đổi ra sao, khách mong muốn gì? Thậm chí, cần tính toán kỹ việc đón đoàn đầu tiên thế nào, tiêu chí đón ra sao, quy trình đón và nếu có rủi ro thì xử lý thế nào…”.

Sẽ tổ chức Diễn đàn toàn quốc về du lịch nội địa

Ông Vũ Thế Bình cho biết: “Trong thời gian chờ du lịch quốc tế mở cửa trở lại, ngành Du lịch vẫn tập trung toàn lực vào du lịch nội địa trên tinh thần liên kết, hợp tác, kết hợp dịch vụ, cùng chia sẻ lợi ích và khó khăn. Với hoàn cảnh hết sức khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không mong có lãi mà gắng gượng hoạt động chỉ để biết rằng mình đang tồn tại. Để khôi phục mạnh mẽ hơn hoạt động du lịch, đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, dự kiến trong tháng 4.2021, HHDL Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn toàn quốc về du lịch nội địa với chủ đề “Thách thức, cơ hội và giải pháp”.

Cho rằng cần phải tự cứu mình trước, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch HHDL TP.HCM chia sẻ, các doanh nghiệp du lịch TP.HCM đã hợp tác với Đà Nẵng, ĐBSCL và các địa phương khác kết nối dịch vụ phục vụ khách nội địa và chuẩn bị cho mùa du lịch hè. Khách TP.HCM đi Đà Nẵng, Phú Quốc đang tăng đáng kể. Bên cạnh đó, TP.HCM đẩy mạnh truyền thông tích cực về điểm đến, về tình hình dịch bệnh và giới thiệu những sản phẩm du lịch chất lượng, những doanh nghiệp có chính sách tốt để khách du lịch an tâm, lựa chọn.

Theo phản ánh của các HHDL Ninh Bình, ĐBSCL, Sơn La, Phú Thọ, Điện Biên, Bắc Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu… hiện nay, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa tới được tay doanh nghiệp, người lao động ngành Du lịch. Chính sách thì có nhưng để thực hiện chính sách ấy thì vô cùng mệt mỏi, thủ tục nhiêu khê và nhiều thứ bất khả thi. Đại diện của HHDL Sơn La chia sẻ: “Ảnh hưởng của dịch tới hoạt động du lịch rất nặng nề. Khách không có, doanh nghiệp du lịch Sơn La chìm nổi suốt 1 năm trời. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ cứ ở tận đâu đâu ấy. Doanh nghiệp được giãn thời gian đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng nếu các doanh nghiệp không cẩn thận sẽ mất cân đối tài chính. Việc giãn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế phát sinh cũng không có ý nghĩa gì vì không có khách, không có việc làm, không có doanh thu thì lấy gì mà đóng thuế. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú được giảm tiền điện 2 đợt, mỗi đợt 3 tháng nhưng đều vào những tháng có dịch. Khách sạn đóng cửa, điện có sử dụng đâu mà giảm”.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch hồi phục và tiếp tục khôi phục hoạt động, HHDL Việt Nam sẽ đề xuất Chính phủ kéo dài các chính sách hỗ trợ đến hết năm 2021 với các quyết định cụ thể và có tính khả thi cao. Tiếp tục triển khai việc chuyển đổi số trong phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo tại địa phương; đẩy mạnh truyền thông tích cực về các điểm đến an toàn; xây dựng, làm mới sản phẩm để Liên minh kích cầu du lịch toàn quốc triển khai trong đợt kích cầu mới; chuẩn bị cho việc tổ chức VITM 2021 vào tháng 5; đẩy mạnh du lịch trực tuyến và hội chợ du lịch trực tuyến… “Chiến dịch kích cầu du lịch sẽ được tổ chức theo từng vùng nhằm mở rộng điểm đến, đưa khách tới các vùng miền, các điểm đến an toàn, đồng thời với việc đẩy mạnh du lịch cộng đồng. Chúng tôi hi vọng du lịch sẽ là ngành phục hồi nhanh nhất của nền kinh tế Việt Nam ngay sau dịch”, ông Vũ Thế Bình nói. 

THÚY HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top