Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Việc làm cho người lao động thời Covid-19:Có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng mong manh

Thứ Sáu 05/03/2021 | 11:19 GMT+7

VHO- Theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường lao động những tháng đầu năm 2021 đã bớt phần sôi động, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần khác vì số lao động “nhảy” việc đầu năm giảm.

 Người lao động đăng ký xét nghiệm Covid-19 tại Hải Dương sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021 Ảnh: TRUNG SƠN

 

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ LĐ,TB&XH), thường theo quy luật vào đầu năm các doanh nghiệp tuyển dụng rất nhiều lao động, một phần vì người lao động qua rằm tháng Giêng mới trở lại để làm việc, số lao động khác lại chờ cơ hội “nhảy” sang doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, năm nay có sự khác biệt hơn so với mọi năm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số địa phương bị cách ly, người lao động chưa trở lại làm việc. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp năm 2020 bị thiếu hụt việc làm, cho nhiều người lao động tạm nghỉ. Trước đó, trong năm 2020, thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong cả năm 2020, tổng số 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên trên cả nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành dịch vụ với hơn 70% người lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, nơi đại dịch đã để lại di chứng lên khoảng hai phần ba số lao động.

Đầu năm 2020, thị trường lao động Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tuy nhiên đã phục hồi hơn từ quý III, cả nước đã có thêm gần 400.000 việc làm trong ngành sản xuất và hơn 360.000 việc làm trong ngành dịch vụ. Điều này khiến lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2020 tăng lên mức 55,1 triệu người (có thêm khoảng 564.000 người Việt Nam tham gia vào các hoạt động kinh tế so với 3 tháng trước đó) nhưng vẫn thấp hơn (860.000 người) so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh gia của các chuyên gia, thế giới cũng chịu tác động bởi dịch Covi-19, ảnh hưởng tới doanh nghiệp Việt Nam, các hợp đồng bị cắt giảm khiến việc tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, làm giảm các cơ hội việc làm, trong bối cảnh dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam hiện vẫn tăng lên hằng năm. Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin vào thống kê nhận định: “Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm đồng thời khiến nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức. Tình trạng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng cao trong năm 2020 trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây”. Số liệu cho thấy, quý IV năm 2020 có 20,9 triệu lao động có việc làm phi chính thức (trong khu vực phi nông nghiệp) tương ứng tỷ lệ 56,2%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số bộ phận từ lao động chính thức chuyển sang lao động phi chính thức như bán hàng online, shipper… để có thu nhập, đảm bảo cuộc sống gia đình. Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, việc Chính phủ ưu tiên phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho người dân là điều cần thiết, tuy nhiên khi dịch bệnh còn kéo dài thì giải pháp việc làm và phòng chống dịch phải dịch chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để người lao động nhìn nhận lại cơ hội của mình, từ đó nâng cao trình độ, chuyển dần đến công việc năng suất hơn.

Theo báo cáo “Triển vọng Việc làm và Xã hội năm 2021: Vai trò của nền tảng lao động số trong công cuộc chuyển đổi thế giới việc làm” của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, các nền tảng lao động số đang tạo ra những cơ hội việc làm mới cho cả phụ nữ, người khuyết tật, thanh niên và những người yếu thế trong những thị trường lao động truyền thống. Các nền tảng cũng cho phép doanh nghiệp tiếp cận với một lực lượng lao động linh hoạt có kỹ năng khác nhau với quân số lớn, đồng thời mở rộng cơ sở khách hàng của họ. ILO cũng cho rằng, mặc dù vẫn còn nhiều bất ổn, nhưng số liệu dự báo năm 2021 mới nhất cho thấy hầu hết các nước sẽ phục hồi tương đối mạnh trong nửa cuối năm khi các chương trình tiêm phòng vắcxin bắt đầu được triển khai ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. “Những dấu hiệu phục hồi này là rất đáng mừng nhưng cũng mong manh và rất không chắc chắn. Chúng ta phải nhớ rằng không một nước nào hay một nhóm đơn lẻ nào có thể đơn phương hồi phục sau đại dịch”, ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ,TB&XH), năm 2020 do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thị trường lao động có nhiều biến động, lực lượng lao động có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây; tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương giảm. “Năm 2021, Cục Việc làm sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về: tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn; hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, việc làm người cao tuổi, việc làm đối với lao động phi chính thức; các giải pháp phát triển thị trường lao động và thực hiện tự do dịch chuyển lao động; nâng cao hiệu quả thị trường lao động, bảo đảm tính thống nhất và linh hoạt của thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp”, ông Bình cho hay. 

 NGUYỆT MINH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top