Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Người dân nhiều nước thêm áp lực chi tiêu

Thứ Sáu 14/05/2021 | 10:48 GMT+7

VHO- Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã có xu hướng tăng giá đáng kể tại các quốc gia đang đẩy mạnh phục hồi nền kinh tế.

 Giá cả tăng mạnh khiến nhiều người phải tính toán hơn trong chi tiêu Ảnh: REUTERS

Điều này khiến đời sống của người dân nhiều nước vốn đã khó khăn vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, lại thêm nhiều áp lực mới trong tiêu dùng.

Mức hai con số

Theo NielsenIQ, giá cả các loại hàng hóa tại Mỹ đang leo thang, do nhu cầu mua sắm người dân tăng mạnh khi lo ngại nguồn cung bị ảnh hưởng sau đại dịch. Các mặt hàng tiêu dùng từ thịt chế biến đến nước rửa chén đều có mức giá tăng hai con số so với một năm trước. Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, giá tiêu dùng tăng 2,6% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8.2018. Nhà đầu tư Warren Buffett, CEO Berkshire Hathaway cho biết trong cuộc họp thường niên của tập đoàn vừa qua rằng, nền kinh tế đang trải qua một đợt tăng giá đáng kể. “Nền kinh tế đang thực sự rất nóng và chúng tôi không mong đợi điều đó”, ông Buffett nhận định.

Thực tế, chi phí đang tăng lên ở từng khâu trong quá trình sản xuất nhiều loại hàng hóa. Giá dầu, cây trồng và các mặt hàng khác đã tăng vọt trong nhiều tháng qua. Đồng thời, các công ty vận tải hàng hóa đang phải trả lương cao hơn cho tài xế vì khó tuyển người. Do đó, các công ty buộc phải tính phí nhiều hơn đối với thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng. Hãng Kellogg, chủ của thương hiệu khoai tây chiên Pringles nổi tiếng cho biết, giá nguyên liệu, vận chuyển và nhân công tăng cao đã buộc hãng cũng như nhiều công ty khác tăng giá. CEO Steve Cahillane của hãng này thừa nhận: “Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến tình trạng lạm phát như thế này trong rất nhiều năm qua”.

Không riêng Mỹ, tại Nga, giá lương thực, thực phẩm thiết yếu tại nước này cũng không ngừng leo cao. Các số liệu cho thấy giá thực phẩm tại Nga tăng 7,7% so với năm ngoái, tốc độ nhanh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, thu nhập khả dụng của người dân tăng chưa đến 1,5% tính theo tiền mặt. Mặc dù từ cuối năm ngoái, chính phủ Nga đã đưa ra quy định giá đối với các mặt hàng chủ lực như đường và dầu ăn, tiếp theo đó là tăng thuế đối với ngũ cốc và các mặt hàng nông sản xuất khẩu khác, nhằm ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, do lạm phát, tình hình thời tiết không thuận lợi và chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến giá cả các mặt hàng tiêu dùng tiếp tục “tăng nhiệt”.

Chặt chẽ hơn trong chi tiêu

Trong bối cảnh thu nhập của phần lớn người lao động tại các quốc gia đều bị sụt giảm vì dịch bệnh Covid-19, việc giá cả tiêu dùng tăng cao khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng vì phải chi trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ. Theo Kaitlyn Vinson, một giám đốc chương trình ở Denver (Mỹ), hóa đơn mua dao cạo và bông tẩy trang của cô tại Costco Wholesale gần đây đã lên tới 275 USD, cao hơn nhiều so với giá mua trước đó. Kaitlyn Vinson cũng phải chuyển từ mua trái cây tươi sang đông lạnh để được mức giá rẻ hơn và có thể giữ được lâu hơn. Còn với Devon Dalton, một giám đốc tại Charlotte (Mỹ), gia đình anh đã phải trả cao hơn 20.000 USD so với dự kiến ban đầu để mua nhà. Devon Dalton đã đăng ký một chương trình tiết kiệm nhiên liệu, giúp anh nhận thưởng tiền mặt tại các trạm xăng. “Mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn và chúng tôi phải nghĩ đủ mọi cách để chi tiêu vừa đủ ngân sách”, Devon Dalton chia sẻ.

Đồng cảnh ngộ, nhiều người dân tại Nga cũng phải tính toán chặt chẽ hơn trong chi tiêu. Chia sẻ với Moscow Times, bà Lyubov cho biết, lương hưu của bà hiện tại gần như không tăng so với những năm trước đây, nhưng các mặt hàng thiết yếu lại tăng quá nhanh khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. “Tất cả thực phẩm đều tăng giá. Các sản phẩm thiết yếu như đường, bánh mỳ, trứng, thịt gà… đều trở nên quá đắt”, bà Lyubov chia sẻ. Chính vì thế, nhiều người tiêu dùng như bà Lyubov buộc phải xem xét, cân nhắc thật kỹ về những gì cần mua và “góp mặt” thường xuyên hơn trong chuỗi siêu thị giảm giá.

“Cơn bão” tăng giá hàng hóa, dịch vụ đang khiến nhiều người oằn mình chống đỡ. Người tiêu dùng tại nhiều quốc gia rất nóng lòng chờ đợi các chính sách phục hồi kinh tế, bình ổn giá cả từ các cơ quan chức năng để cuộc sống “dễ thở” hơn. 

HẢI MINH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top