Từ những vụ chó tấn công người gây tử vong: Phớt lờ những cảnh báo nguy hiểm

VHO- Vụ việc chó Pitbull cắn chết nam thanh niên ở Long An mới xảy ra khiến dư luận đặc biệt quan tâm vì hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù đã có những cảnh báo nhưng dường như tình trạng này vẫn tiếp diễn, chó thả rông, ra đường không rọ mõm gây tai họa cho nhiều người. Cái được gọi là yêu chiều thú cưng có phải đang bị biến tướng?

Từ những vụ chó tấn công người gây tử vong: Phớt lờ những cảnh báo nguy hiểm - Anh 1

 Nhiều chủ chó khi ra đường không thực hiện biện pháp bảo vệ an toàn cho cộng đồng Ảnh: FB

 Vụ việc xảy ra ngày 20.5, anh Hồ Thanh Hải (37 tuổi), ngụ ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, Long An dắt theo con chó Pitbull nặng khoảng 60 kg đến một quán cà phê gần nhà. Một người bạn của anh Hải đến ngồi chung bàn. Trong lúc nói chuyện, anh này có những động tác quơ tay, quơ chân. Bất ngờ chó Pitbull đứng cạnh đó nhào tới tấn công người thanh niên, quật ngã nạn nhân xuống nền gạch và cắn xé nhiều nơi trên cơ thể. Anh Hải thấy vậy vội lao vào ngăn cản, kéo con chó này ra nhưng cũng bị tấn công với nhiều vết cắn. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương nặng, mất nhiều máu, nên người bạn của anh Hải đã tử vong sau đó.

Ngay sau vụ việc, con chó trên đã bị lực lượng chức năng bắn hạ. Việc này cũng làm những người nuôi chó gây ra một cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng chó không có lỗi, mà lỗi thuộc về chủ nuôi; có ý kiến thì cho rằng nhiều người nuôi chó mà không có ý thức chấp hành luật pháp… Nên nhớ đây không phải lần đầu những vụ việc như thế xảy ra. Tháng 8.2018, anh trai chủ một con chó Pitbull ở phố Bùi Xương Trạch (Hà Nội) đã bị con chó nổi điên xông đến xô ngã ra đất rồi cắn thẳng vào cổ khi ông quát nó không đuổi cắn một con chó khác. Người dân xung quanh và cả chủ của con chó tìm cách giải cứu, nhưng con chó Pitbull hung hãn vẫn cắn chặt cổ không chịu nhả ra khiến ông này tử vong. Trước đó, một cháu bé 8 tháng tuổi bị chó Ngao Tây Tạng của một gia đình trên phố Đội Cấn (Hà Nội) cắn chết. Người mẹ phát hiện con chó đang cắn con liền lao vào cứu, kéo con ra khỏi con chó và cũng bị chó cắn vào tay. Một vụ việc đau lòng khác, khi cháu bé 7 tuổi ở Kim Động (Hưng Yên) tử vong vì bị đàn chó 10 con tấn công vào tháng 4.2019 cũng khiến dư luận hết sức bức xúc. Ngay sau đó, chủ của đàn chó đã bị khởi tố. Những vụ việc như trên gây ra nhiều bức xúc cho xã hội và khiến cho nhiều người lo ngại.

Theo thống kê năm 2019 của Bộ NN&PTNT, tổng đàn chó của cả nước hiện khoảng hơn 5,4 triệu con ở 3,5 triệu hộ nuôi nhưng chỉ có 2,1 triệu con (39%) được tiêm phòng. Do đó nhiều trường hợp bị chó dại cắn gây nên nỗi lo sợ cho người dân. Cùng với đó, nhiều người chọn những giống chó hung tợn nuôi nhưng không có các biện pháp an toàn cho cộng đồng khiến nhiều người bất an. Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã nhiều lần cảnh báo về trách nhiệm của chủ vật nuôi trong việc quản lý đàn chó cũng như trách nhiệm chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước, nhưng những cảnh báo đó vẫn chưa thể ngăn chặn, hạn chế tình trạng chó tấn công người. Hiện nay, bên cạnh những hộ nuôi chó, mèo như một tập quán ngàn đời nay thì việc nuôi thú cưng đang trở thành một trào lưu của nhiều người dân, trong đó giới trẻ chiếm tỉ lệ khá đông. Các cửa hàng Pet shop mọc lên như nấm phục vụ cho dân chơi. Họ sẵn sàng chi hàng triệu đồng để làm đẹp cho thú cưng của mình. Cùng với đó, nhiều người nuôi những loài hung dữ như chó Ngao Tây Tạng, Pitbull làm thú cưng của mình. Điều đáng nói là không ít người trong số đó sẵn sàng chi tiền triệu làm đẹp cho con vật của mình mà không thực hiện đúng yêu cầu của luật pháp. Hình ảnh chó không rọ mõm, chẳng có dây xích chạy loạn, nhởn nhơ trong công viên hay đường phố diễn ra nhan nhản. Chó ngồi trên xe máy hoặc chủ một tay lái xe máy một tay dắt theo chó không rọ mõm là hình ảnh không hiếm gặp trên đường.

Năm 2016, trước việc chó không rọ mõm ngập tràn phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm làm nhiều người lo ngại, TP Hà Nội đã ban hành quy định cấm chó không rọ mõm vào phố đi bộ và vùng phụ cận. Ngay sau đó, năm 2020, TP Hà Nội xây dựng Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận có quy định không dắt, thả vật nuôi, gia súc, gia cầm trong khu vực này. Quy chế trên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân cũng như du khách. Chị Nguyễn Hoàng Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trước khi có yêu cầu tạm dừng các hoạt động tập thể dục, thể thao, các sự kiện tập trung đông người tại khu vực công cộng, vườn hoa, công viên để phòng chống dịch Covid-19, chị hay vào công viên Thống Nhất. Tập thể dục tại đây, chị thấy nhiều người vừa tập thể dục, vừa dắt theo chó, trong đó có nhiều con trông rất to và hung dữ nhưng không đeo rọ mõm. Chị Lan cho biết, dường như nhiều người nuôi chó nhưng phớt lờ các quy định cũng như giữ an toàn cho cộng đồng. Nhiều bạn trẻ nuôi thú cưng, coi thú cưng như bạn bè, thậm chí còn “bênh” thú cưng, sẵn sàng xung đột, va chạm với người khác khi động đến thú cưng của mình. 

 PHẢI XỬ LÝ NGHIÊM CHỦ CHÓ

Vụ việc một con chó Pitbull nặng hơn 60 ký bất ngờ tấn công một người đàn ông trong quán cà phê (huyện Tân Trụ, Long An) dẫn đến tử vong tại chỗ khiến dư luận hết sức lo ngại. Sau khi cắn chết người, con chó Pitbull bỏ chạy vào một khu nhà trọ. Người dân đã điện báo lực lượng chức năng bắn hạ.

Sự việc thương tâm này cho thấy, công tác quản lý việc nuôi chó của chính quyền địa phương hiện nay còn lỏng lẻo; người dân còn chủ quan, chưa đảm bảo các biện pháp an toàn khi nuôi chó. Nếu người chủ rọ mõm cho chó khi dắt đi dạo hoặc buộc chó cẩn thận khi ngồi uống cà phê thì không thể xảy ra vụ việc đau lòng trên. Việc này không thể đổ lỗi cho nạn nhân hay chính con chó mà lỗi hoàn toàn thuộc về người chủ chó. Người chủ chó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, cụ thể: Theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Còn trong trường hợp súc vật gây ra những thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng cho người khác thì chủ sở hữu súc vật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tuỳ theo mức độ thiệt hại như: Nếu súc vật gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì áp dụng Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nếu súc vật làm chết người thì áp dụng Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vô ý làm chết người.

Mặc dù, pháp luật quy định đầy đủ, chi tiết về trách nhiệm dân sự lẫn hình sự nhưng việc yêu cầu bồi thường cũng như xử lý hình sự thời gian qua vẫn chưa nghiêm nên không có tính răn đe và giáo dục ý thức đối với chủ sở hữu vật nuôi. Người nuôi chó hiện nay chưa quan tâm đến việc đăng ký vật nuôi với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã và chưa ký cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình theo đúng quy định, vì vậy, việc quản lý còn lỏng lẻo, nhất là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dại trong cộng đồng. Mặt khác, người nuôi chó không đeo rọ mõm cho chó, khi đưa chó ra nơi công cộng nhưng không xích giữ, không có người dắt hoặc chưa tiêm phòng dại,… là những hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ). Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử phạt của lực lượng chức năng đối với hành vi vi phạm này còn rất hạn chế. Thiết nghĩ, đã đến lúc các ngành chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý việc nuôi chó của người dân hiện nay. Khi xảy ra vụ việc chó tấn công gây thương thường tích hoặc chết người thì phải truy đến cùng trách nhiệm dân sự, kể cả hình sự đối với chủ sở hữu vật nuôi.

ĐỖ VĂN NHÂN

 Q.XƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc