Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Những người “vác phim” xuyên bản

Thứ Tư 16/06/2021 | 11:11 GMT+7

VHO- Các đội chiếu phim lưu động (CPLĐ) của tỉnh Cao Bằng với những con người nhiệt tình, trách nhiệm được ví như những “sứ giả” đưa ánh sáng văn hóa tới người dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào miền núi, vùng cao.

 Đội chiếu phim lưu động tại huyện Bảo Lạc vận chuyển thiết bị lên xã Hồng Trị

 Với họ, những cái ôm, bắt tay thắm thiết của người dân sau mỗi buổi chiếu bóng là phần thưởng, nguồn động viên lớn nhất để anh em trong Đội CPLĐ tiếp tục gắn bó hơn với công việc bằng tình yêu, nhiệt huyết và tiếp tục âm thầm cống hiến.

Đưa ánh sáng văn hóa đến vùng cao

Chuẩn bị một buổi chiếu phim, các đội phải lên kế hoạch trước đó cả tuần, trong đó khó khăn nhất là công tác vận chuyển máy móc, thiết bị. Nhiều xóm chưa có đường, anh em phải chia nhau mang vác máy móc băng rừng, lội suối vào xóm. Ðiểm chiếu phim nào gần thì mất vài giờ đi bộ, còn bản nào xa thì mất cả buổi, thậm chí đi từ sáng sớm đến tối mịt mới đến nơi. Khó khăn về giao thông, thời tiết hay xe hỏng là những vấn đề mà đội CPLĐ thường xuyên gặp phải. Đường xa trơn trượt, nhiều đèo dốc, lại thường xuyên về lúc đêm khuya nên tai nạn cũng luôn rình rập.

Anh Hoàng Văn Tuyên, Đội CPLĐ huyện Hà Quảng chia sẻ, việc va quệt, đổ xe thì hầu như trong đội ai cũng đã trải qua. Cách đây vài năm, bản thân tôi bị ngã xe trong một lần đi từ điểm chiếu về nhà, phải vào viện điều trị mất hơn một tháng. Để lưu động và di chuyển được trên mọi địa hình vùng cao thì chiếc xe máy là phương tiện hữu ích đối với người làm nghề CPLĐ. Trên mỗi chiếc xe ấy, anh em phải đèo thêm chiếc hòm tôn nặng trên 60 kg, bên trong chứa máy chiếu, loa, đài, dây điện, mic, máy phát điện, xăng. Ngoài ra còn lỉnh kỉnh tư trang cá nhân, thức ăn dự trữ là những gói lương khô, lạc rang, mì tôm, cá khô… đủ dùng trong đợt công tác.

Gian nan, vất vả mới đến được địa điểm chiếu phim, sau dăm ba câu chuyện với trưởng xóm, bà con, các đội viên Đội CPLĐ phải bắt tay ngay vào việc. Người thì căng phông, buộc dây, người thì lắp đặt, chỉnh máy… Bao công sức chuẩn bị nhưng cũng có những buổi chiếu do thời tiết mưa to coi như công sức chuẩn bị cả ngày “bỏ sông, bỏ biển” vì phải hoãn chiếu phim để bảo quản thiết bị. Còn nếu may mắn buổi chiếu phim diễn ra suôn sẻ thì kết thúc thu dọn xong đồ nghề cũng đã nửa đêm. Nơi nghỉ ngơi có khi là nhà dân nhưng cũng có khi tại nhà văn hóa.

Ông Lý Văn Lưu, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc tâm sự: “Bây giờ đời sống được cải thiện, nhiều nhà có tivi nhưng mọi người vẫn thích được xem chiếu bóng màn ảnh rộng, nhất là những bộ phim tài liệu, phim về cách mạng, về Bác Hồ. Khi có đội CPLĐ về dân bản vui lắm, rủ nhau ra xem vừa ủng hộ vừa cảm ơn Đội CPLĐ đã không quản ngại khó khăn đến tận xóm chiếu phim cho mọi người xem”.

 Một buổi chiếu phim cho đồng bào của Đội chiếu phim lưu động huyện Hà Quảng

Nỗi niềm trăn trở

Trong rất nhiều vất vả của các thành viên đội CPLĐ của tỉnh không thể không kể đến sự hy sinh thầm lặng của các anh khi gạt đi những niềm vui riêng tư để đảm bảo “bữa ăn tinh thần” kịp thời cho bà con. Anh Nông Ngọc Thăng, Đội CPLĐ huyện Hòa An có thâm niên 30 năm công tác cho biết: “Do đặc thù công việc nên vợ tôi vất vả một mình tự chăm lo, nuôi dạy con cái. Gia đình, vợ con đều hiểu và cảm thông, trở thành hậu phương vững chắc và là chỗ dựa tinh thần để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Bên cạnh những hy sinh thầm lặng, các Đội CPLĐ hiện còn gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả. So với trước đây, hiện bà con có cơ hội tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng dễ dàng hơn nên loại hình CPLĐ không còn thịnh hành. Để có một buổi chiếu phim thành công không chỉ vất vả vận chuyển thiết bị, chuẩn bị trình chiếu mà luôn phải cân nhắc lựa chọn những bộ phim hài hòa giữa yếu tố chính trị và thẩm mỹ, giải trí, phù hợp với truyền thống, phong tục, tập quán của người dân từng vùng, miền. Vì vậy, các đội CPLĐ phải có nhiều đổi mới và đầu tư thời gian, công sức để nghiên cứu, lựa chọn nội dung trước khi chiếu.

Đóng góp quan trọng và có ý nghĩa lớn với đời sống tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa nhưng khi hỏi về mức thu nhập, các thành viên của Đội CPLĐ không khỏi ngậm ngùi, trăn trở. Trưởng phòng Chiếu phim, Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch tỉnh Cao Bằng Hoàng Thế Vũ cho biết: “Đầu năm 2020, do chủ trương sáp nhập, Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch tỉnh quản lý 6 đội CPLĐ vùng cao với 19 cán bộ, viên chức phụ trách hoạt động CPLĐ tại 9 huyện. Hằng năm, đơn vị được giao thực hiện chiếu trên 1.000 buổi (bình quân hơn 100 buổi/huyện). Do vậy thời gian hoạt động của các đội gần như cả năm, chỉ tạm ngắt quãng vào mùa mưa, mỗi đợt đi CPLĐ kéo dài 10 - 15 ngày. Sau đó các đội sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, chép phim trong 2 - 3 ngày rồi tiếp tục lên kế hoạch khảo sát hành trình để đưa phim đến các bản vùng cao khác trong tỉnh. Công việc vất vả nhưng thu nhập hằng tháng không đảm bảo đời sống. Những người có thâm niên công tác 20 - 30 năm lương cũng chỉ từ 5 - 7,5 triệu đồng/tháng. Những cán bộ trẻ mới vào nghề chỉ có 3 - 3,8 triệu đồng/tháng.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tìm ra hướng đi phù hợp cho hoạt động CPLĐ, có cơ chế ưu đãi, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho hoạt động CPLĐ, tăng cường, mở rộng hơn nữa hoạt động cho các Đội CPLĐ. 

 TUẤN NAM

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top