Chiếu Xẩm - xưa và nay

VHO- Hát Xẩm, nghệ thuật bình dân gắn liền với ký ức và văn hóa đường phố của người Hà Nội xưa, dù được quan tâm khôi phục trong những năm gần đây nhưng dường như vẫn thiếu người truyền nghề cũng như môi trường biểu diễn… Nỗi niềm của người yêu Xẩm vì thế chưa thể nguôi ngoai.

Chiếu Xẩm - xưa và nay - Anh 1

Nếu có thể mang Xẩm đến gần khán giả nhiều hơn thì chắc chắn các bạn trẻ sẽ có thêm một niềm đam mê mới

 Mới đây, thông qua chương trình giao lưu nghệ thuật online Chiếu Xẩm - Xưa và nay, hy vọng về sự hồi sinh và phát triển nghệ thuật hát Xẩm lại một lần nữa được “gieo” lên.

Xẩm dần hồi sinh len lỏi vào “hơi thở” đời sống

Thời kỳ “hoàng kim” của Xẩm nói chung và Xẩm Hà thành nói riêng là giai đoạn trước 1945. Lúc này, Xẩm không chỉ đơn thuần là loại hình giải trí lúc nông nhàn mà đã phát triển thành một nghề kiếm sống của người nghèo nơi thành thị và được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đến những thập niên cuối của thế kỷ XX, nghệ thuật hát Xẩm dường như bị rơi vào quên lãng, khi các nghệ nhân Xẩm lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ đã từng lưu giữ và thực hành.

Xẩm Hà thành mới “sống” lại trong không gian Phố cổ vài năm trở lại đây ở cả khía cạnh Xẩm xưa lẫn Xẩm nay, nhưng vẫn chưa đủ để khiến người yêu Xẩm thỏa mãn. Chính vì thế, bằng tình yêu và niềm tự hào về Xẩm, Life Team - nhóm các bạn trẻ yêu Xẩm tại Hà Nội - đã quyết định tổ chức talkshow văn hóa nghệ thuật online Chiếu Xẩm - Xưa và nay, với sự góp mặt của những cái tên quen thuộc trong làng Xẩm như: Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long; nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và ca sĩ Hà Myo.

Là một trong số ít người trẻ được nghệ nhân Hà Thị Cầu dìu dắt, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cho biết, trước kia giới trẻ ít quan tâm đến âm nhạc dân tộc, ngay các phương tiện thông tin đại chúng cũng ít có “đất” cho nghệ thuật truyền thống nói chung và hát Xẩm nói riêng. “Thế nhưng, những năm trở lại đây, nhiều chương trình truyền hình đã đưa Xẩm lên sân khấu để khán giả trải nghiệm, làm quen với Xẩm, điều này đã hấp dẫn công chúng trẻ. Ngày càng nhiều các nhóm Xẩm, CLB Xẩm lớn nhỏ ra đời và lan rộng ra nhiều tỉnh thành, cho thấy âm nhạc dân tộc Việt Nam vẫn có sức sống bền bỉ riêng”, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa bày tỏ sự lạc quan.

Nói về dự án, đại diện nhóm Life Team cho biết: “Từ khi không gian Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đi vào hoạt động, người dân Thủ đô và du khách rất hào hứng với chiếu Xẩm tại đình Nam Hương - Tượng đài Vua Lê của nhóm Xẩm Hà Thành vào mỗi tối cuối tuần. Không chỉ khán giả trong nước mà nhiều du khách nước ngoài cũng say sưa với những làn điệu Xẩm lúc sâu lắng, da diết, lúc lại rộn ràng, vui tươi. Có thể thấy, Xẩm đã dần “sống” lại và bắt đầu len lỏi vào “hơi thở” của đời sống đương đại.

Hòa nhập mà không hòa tan

Dành 20 năm để phục hồi và “làm mới” Xẩm với nhiều công trình nghiên cứu, sáng tác… nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long luôn ủng hộ cách làm mới của nhiều nghệ sĩ trẻ. Nghệ thuật, âm nhạc truyền thống phải luôn được tiếp biến, cũng như cần được nối dài sự sáng tạo. “Khi sáng tác, tôi luôn nghĩ đến việc phải tạo ra cái gì mới trên nền tảng gốc. Ví dụ như bài Xẩm Tiêu diệt Corona, tôi viết trên điệu Xẩm sai, nhưng lồng ghép thêm những câu “trend”... Trước đấy, trong bài Tiễu trừ cướp biển, tôi cho thêm những câu đồng dao, để một giọng nam hát chính và có một giọng nữ chen vào giống như đọc rap để tiếp cận giới trẻ. Tôi cho rằng, bên cạnh yếu tố hồn cốt cổ truyền cũng phải duy trì sự sáng tạo để định hình được trong giai đoạn này loại hình âm nhạc ấy có gì”, Nguyễn Quang Long chia sẻ.

Trước sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, việc thu hút người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống là một “bài toán” không dễ. Thế nhưng, MV Xẩm Hà Nội hay Xẩm xuân xanh của ca sĩ Hà Myo lại khiến khán giả trẻ mê mẩn, bởi sự kết hợp độc đáo, mới lạ giữa hát Xẩm, Rap và EDM. Những MV này đã gần cán mốc triệu “view”, đây không phải là con số quá lớn, nhưng đối với Xẩm thì lại là “hiện tượng” đáng ngưỡng mộ và mở ra những cơ hội mới cho nghệ thuật hát Xẩm. Tại talkshow Chiếu Xẩm - Xưa và nay, ca sĩ Hà Myo cho biết: “Ban đầu Hà cũng giống như rất nhiều bạn trẻ chưa có sự hiểu biết nhiều về nghệ thuật Xẩm cho đến khi bắt đầu học hát những câu đầu tiên và Hà thực sự “say” nó vô cùng. Với mục tiêu lan tỏa nghệ thuật Xẩm nói riêng và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam nói chung đến được với đông đảo khán giả, đặc biệt là người trẻ, Hà nhìn thấy sự khao khát được truyền đạt kiến thức, truyền đạt tình yêu với nghệ thuật Xẩm của những nghệ nhân, những thầy cô và đặc biệt là anh Nguyễn Quang Long. Hà nghĩ rằng, nếu có thể mang Xẩm đến gần với khán giả nhiều hơn thì các bạn sẽ có thêm một niềm đam mê mới, một tình yêu mới đối với cuộc đời của mình”.

Nghệ thuật luôn luôn cần sự sáng tạo và đây cũng là cách để thế hệ trẻ dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về loại hình nghệ thuật dân gian. Cũng như nhiều loại hình âm nhạc khác, Xẩm vẫn tồn tại qua hàng thế kỷ và nhiều thế hệ, với các hình thức thực hành, biểu diễn, sáng tạo đa dạng nhưng đến nay vẫn giữ nguyên được “chất” và “hồn cốt” của riêng mình. 

 HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc