Đưa giáo dục di sản vào học đường

VHO- Từ năm học 2021-2022, bộ tài liệu Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An sẽ chính thức được đưa vào giảng dạy tại chương trình cấp tiểu học của thành phố.

Đưa giáo dục di sản vào học đường - Anh 1

 Các em học sinh tiểu học khám phá di tích Chùa Cầu tại tiết học “Giáo dục di sản học đường”

Bộ tài liệu do Trung tâm Quản lý bảo tồn DSVH Hội An chủ trì biên soạn, phối hợp với Phòng GD&ĐT triển khai có hai phần, phần 1 giới thiệu chung về bộ tài liệu; phần 2 giới thiệu chi tiết 10 chủ đề học tập, mỗi khối lớp sẽ được học 2 chủ đề. Những di sản được đưa vào nội dung của bộ tài liệu bao gồm di tích Chùa Cầu, các di tích đình, chùa, hội quán, nhà thờ tộc, lăng Ông, nhà cổ, làng nghề, nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Thiên cẩu... Đi kèm với bộ tài liệu còn có các clip giới thiệu về di sản theo từng chủ đề học tập và các công cụ phục vụ hoạt động trực quan để học sinh dễ dàng tìm hiểu.

Với phương pháp tương tác mở, giáo viên, cán bộ giáo dục di sản sẽ thuyết minh và cùng học sinh tìm hiểu ngay tại các điểm di tích, khám phá các hiện vật, tìm hiểu nghề nông, nghệ thuật hô hát Bài chòi; tham gia các nghề truyền thống, trò chơi dân gian theo chủ đề ngay tại các bảo tàng… Việc tìm hiểu di sản tại lớp học và trải nghiệm thực tế tạo sự thích thú, hứng phấn và chủ động, sáng tạo của cả người dạy lẫn người học. Tại hội nghị đánh giá rút kinh nghiệm sau quá trình dạy thử nghiệm, những thành viên trực tiếp tham gia đã đánh giá cao tính trực quan sinh động, sự hấp dẫn của hình thức trải nghiệm giúp nội dung của bộ tài liệu mới mẻ này đa dạng hơn.

Bà Lê Thị Tuấn, Trưởng phòng Bảo tàng, Trung tâm Quản lý bảo tồn DSVH Hội An cho biết, từ trước khi bộ tài liệu nói trên được đưa vào dạy thử nghiệm tại khối lớp 1, Trung tâm đã phối hợp với Phòng GD&ĐT triển khai, kết nối “giáo dục di sản trong trường học” thông qua hoạt động ngoại khóa “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng”. Chiều thứ 6 hằng tuần, các em học sinh sẽ được tham quan bảo tàng theo các chuyên đề như sinh hoạt dân gian, nghề truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian… Qua đó bồi dưỡng kiến thức về lịch sử - văn hóa, ươm mầm ý thức giữ gìn di sản bằng những hoạt động tương tác giữa bảo tàng với học sinh.

Tình yêu di sản sẽ được khơi gợi từ những hoạt động trải nghiệm thực tế ấy và trở thành ý thức tự thân của chính các em trong việc góp phần bảo vệ di sản. Đây cũng là cách hưởng ứng cụ thể, sinh động phong trào “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS HCM phát động. Thông qua những tiết học như thế, việc tiếp thu kiến thức về văn hóa, lịch sử, tuyên truyền về việc giữ gìn và bảo tồn giá trị di sản của địa phương vì thế cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Chọn những di sản ở ngay bên cạnh, trường học ở đâu thì sử dụng di sản ở cộng đồng đó, như vậy mỗi tiết học của “giáo dục di sản trong học đường” sẽ trở nên nhẹ nhàng với cả người dạy lẫn người học. 

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc