Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Cho ý kiến bước đầu Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật: Điều chỉnh những bất cập để phù hợp với thực tiễn

Thứ Tư 07/07/2021 | 11:25 GMT+7

VHO- Chiều qua 6.7, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, lãnh đạo Vụ Đào tạo, Vụ Pháp chế cùng nhiều đơn vị liên quan đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với đại diện các cơ sở đào tạo và nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghệ thuật.

  Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì cuộc họp Ảnh: TRẦN HUẤN

Cuộc gặp ghi nhận những ý kiến, chia sẻ thẳng thắn, tâm huyết về các vấn đề tồn tại, vướng mắc của công tác đào tạo nghệ thuật, cần được điều chỉnh để đưa vào Dự thảo Nghị định sao cho thật chặt chẽ và phù hợp với lĩnh vực đặc thù này.

Tháo gỡ vướng mắc trong tuyển sinh, đào tạo

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành như GS.TS.NGND Trần Thu Hà, GS.TS.NSND Ngô Văn Thành, PGS.TS Đỗ Xuân Tùng, PGS.TS Phạm Phương Hoa, PGS Vũ Chí Nguyện… cùng lãnh đạo một số cơ sở đào tạo như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP.HCM, Trường Trung cấp Múa TP.HCM... đã bày tỏ niềm vui khi Bộ VHTTDL tiến hành xây dựng Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật sau hàng loạt những khó khăn, bất cập.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn cho biết, Dự thảo Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật hiện có 5 chương và 19 điều, quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật đối với cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp liên quan đến hoạt động đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm cả khối an ninh, quốc phòng ở trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Chia sẻ niềm vui khi ngành nghệ thuật sẽ có một Nghị định đào tạo riêng, GS.TS.NGND Trần Thu Hà cho rằng, Ban soạn thảo đã rất công phu khi đưa ra một bản Dự thảo được xây dựng khá sát với thực tế. Bà đề nghị Ban soạn thảo cần chú trọng tới sự dung hòa với các văn bản luật giáo dục đào tạo khác đã được ban hành, đồng thời cũng cần làm kỹ lưỡng về những nguyên tắc trong công tác đào tạo chuyên sâu. GS.TS.NSND Ngô Văn Thành cũng rất kỳ vọng Nghị định được hoàn thiện và ban hành sẽ là “lối thoát” cho ngành nghệ thuật và mở ra một hướng phát triển toàn diện, chuyên nghiệp ngay từ khâu đào tạo. Ông Thành bày tỏ sự quan tâm đến quy định về chuẩn đầu ra trình độ trung cấp và khung chương trình đào tạo chuyên sâu. “Ở các ngành nghề khác, đào tạo trung cấp có thể ra để dạy sơ cấp nhưng với trung cấp nghệ thuật thì bắt buộc sẽ phải học lên từng cấp và phải mất rất nhiều năm học tiếp theo mới có thể hành nghề. Thế nên, tôi cho rằng việc đưa các cơ sở đào tạo nghệ thuật hệ trung cấp thuộc quản lý Tổng cục giáo dục dạy nghề là hoàn toàn không hợp lý. Hãy để mô hình đào tạo hệ trung cấp ở dạng cầu nối để lên các cấp học cao hơn, chứ không thể theo mô hình đào tạo thông thường như các ngành nghề khác. Đừng hiểu đây là lời trách móc mà xin hãy hiểu đây là “lối thoát” cho đào tạo nghệ thuật và đòi hỏi các Bộ, ban, ngành cùng chung tay với Bộ VHTTDL để tháo gỡ”, GS.TS.NSND Ngô Văn Thành tâm huyết.

 Học sinh ngành nghệ thuật phải học rất nhiều năm mới có thể hành nghề Ảnh: N.T

Xác định vai trò của ngành VHTTDL trong đào tạo đặc thù

Điều mà nhiều người quan tâm là những quy định mà Dự thảo Nghị định này đặt ra, bởi có những bất cập không phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục đào tạo nghệ thuật. Đại diện Trường Trung cấp Múa TP.HCM cho biết, Thông tư của Bộ LĐ,TB&XH quy định về điều kiện cho phép thành lập trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề phải có diện tích đất sử dụng tối thiểu là 20.000m2 đối với khu vực đô thị là vô cùng khó khăn, trong khi số lượng học sinh theo học các ngành nghệ thuật thường chỉ có vài trăm em, còn học sinh của các cơ sở đào tạo trung cấp nghề gấp tới hàng chục lần, có khi lên tới 15.000 - 20.000 em. Cũng không nên đánh đồng giữa đào tạo trung cấp chuyên nghiệp nghệ thuật hệ 4 năm, 7 năm với trung cấp 18 tháng ở các ngành nghề khác; đồng thời cũng cần có những quy định riêng về số lượng giờ học đối với hệ trung cấp nghệ thuật.

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ sở đào tạo cũng như các chuyên gia đã bày tỏ trăn trở về những quy định như yêu cầu chứng chỉ hành nghề giáo viên, chứng chỉ ngoại ngữ... có phần không phù hợp đối với đào tạo nghệ thuật. Hiện nay, có những vị giáo sư đầu ngành là NSND, NGND nhưng không có chứng chỉ hành nghề hay trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn của ngành giáo dục, điều này đồng nghĩa là họ không thể tiếp tục công tác giảng dạy.

Thành viên Ban soạn thảo, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Nghị định khi ban hành sẽ có sự thống nhất với các văn bản liên quan, cụ thể như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Phí và lệ phí, Luật Quy hoạch và 15 Nghị định, Thông tư liên quan đến giáo dục nghề nghiệp. Trước những ý kiến tâm huyết, Ban soạn thảo đang phải đối diện với ba nhóm nội dung cần giải quyết: Thứ nhất là nhóm các quy định về đào tạo đã định hình và phù hợp với ngành nghệ thuật; thứ hai là nhóm những quy định chưa phù hợp với thực tiễn của công tác đào tạo; thứ ba là sự chồng chéo giữa các quy định liên quan đang làm khó cho quy định đào tạo nghệ thuật.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao những ý kiến đóng góp và đề nghị các chuyên gia, đại diện cơ sở đào tạo nghệ thuật tiếp tục nghiên cứu Dự thảo Nghị định để đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Ban soạn thảo sẽ có những tổng hợp trao đổi theo từng nhóm vấn đề nổi cộm, như tuyển sinh, chấm thi, đào tạo chuyên sâu, chứng chỉ hành nghề sư phạm... Thứ trưởng nhấn mạnh, quy định mới cần có sự tháo gỡ dần dần những khó khăn, bất cập và đề nghị các chuyên gia đầu ngành, các giảng viên và cơ quan báo chí cùng đồng hành trong việc đóng góp ý kiến, trao đổi cùng với Bộ VHTTDL và Ban soạn thảo Dự thảo để đưa ra những quy định phù hợp. Từ đó, ngành VHTTDL sẽ xác định được phạm vi, quyền hạn công tác đào tạo nghệ thuật thật chặt chẽ và thực tiễn. 

THÚY HIỀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top