Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Xét tặng giải thưởng, danh hiệu lớn của nhà nước: Quy đổi gặp khó vì tên gọi bất nhất

Thứ Tư 14/07/2021 | 10:30 GMT+7

VHO- Liên hoan này gọi tên giải thưởng cao nhất là Huy chương vàng, Bông sen vàng; Hội diễn kia lại được trao giải Nhất, giải A; cuộc vinh danh nọ với cúp Vàng, cúp Đặc biệt... Với hàng loạt tên gọi giải thưởng khác nhau như vậy đã khiến cho các kỳ xét tặng danh hiệu phải tốn khá nhiều thời gian, công sức trong việc quy đổi để làm cơ sở định mức.

 Tùy thuộc cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức mà những cuộc thi, liên hoan, hội diễn... đặt ra quy ước thứ tự các giải thưởng

 Thực tế trên cho thấy sự cần thiết phải định chuẩn lại tên gọi các giải thưởng theo một cách đồng nhất, và quan trọng hơn là tính chính xác, khách quan trong quá trình xét tặng các giải thưởng, danh hiệu cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước hay phong tặng NSND, NSƯT...

Hàng trăm “hoa Vàng, hoa Bạc” đua nhau nở

Lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, múa... hiện đang sở hữu một hệ thống tên gọi các giải thưởng khá phong phú. Chỉ riêng trong lĩnh vực sân khấu, một số hội diễn, liên hoan do Bộ VHTTDL tổ chức, hay những liên hoan chuyên ngành như Liên hoan sân khấu Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân..., lâu nay vẫn vinh danh tác phẩm xuất sắc với Huy chương vàng, Huy chương bạc; Liên hoan Sân khấu Thủ đô do Hà Nội tổ chức lại trao giải Vàng, giải Bạc. Chưa kể, nhiều “sân chơi” còn có một loạt các giải thưởng mang những tên gọi khác như Giải đạo diễn xuất sắc, Giải tác giả xuất sắc, Giải nhạc sĩ xuất sắc, Giải diễn viên xuất sắc...

Lĩnh vực điện ảnh lại vinh danh các tác giả, tác phẩm với Bông sen vàng, Bông sen Bạc (LHP Việt Nam do Bộ VHTTDL tổ chức); Cánh Diều vàng, Cánh Diều bạc (Giải thưởng Cánh Diều do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức); hay Huy chương Vàng, Huy chương Bạc được trao tại các Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc... Trong âm nhạc hiện cũng đang tồn tại một loạt tên gọi các giải thưởng như Giải Nhất, Giải A, Giải Xuất sắc, Cúp vàng..., được trao cho cá nhân, tập thể, tác phẩm tại các liên hoan, cuộc thi, hội diễn chuyên nghiệp trong nước hoặc quốc tế. Bình luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Đoàn Thanh Nô cho rằng, việc tồn tại nhiều tên gọi khác nhau của các Giải thưởng văn học, nghệ thuật suốt một thời gian dài là do yếu tố lịch sử. Tùy thuộc cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức mà những cuộc thi, liên hoan, hội diễn... đặt ra hệ thống giải thưởng vinh danh là Huy chương Vàng, Bạc, Đồng; hoặc giải Nhất, Nhì, Ba... Những cách gọi này đều nhằm quy ước thứ tự 1, 2, 3 của các giải thưởng. “Bên cạnh đó, còn có những giải Xuất sắc, giải Đặc biệt... là các giải thưởng đặc thù dành cho nghệ sĩ, diễn viên, vở diễn...”, ông Nô nhận định.

Cách gọi “trăm hoa đua nở” này trên thực tế đã gây nên không ít khó khăn khi quy đổi trong quy trình xét tặng các Giải thưởng, danh hiệu Nhà nước ở lĩnh vực VHNT. Nghị định 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lấy các giải Vàng quốc gia làm căn cứ xét tặng. Nghị định số 133/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT lại lấy cơ sở là các giải Vàng, giải A, giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức hoặc Giải thưởng cao nhất của Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT quốc tế có uy tín để xét Giải thưởng đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng sau năm 1993.

“Việc sử dụng huy chương, cúp, giải thưởng... làm thước đo xét tặng các Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh; danh hiệu NSND, NSƯT khẳng định sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những cá nhân có nhiều cống hiến, những tác phẩm có sức lan tỏa trong đời sống VHNT nước nhà. Dù vậy, khi tiến hành quy đổi các giải thưởng về một chuẩn thống nhất như quy định tại các Nghị định của Chính phủ lại gặp nhiều khó khăn, thậm chí là bất cập bởi tên gọi các giải thưởng này quá đa dạng. Muốn quy đổi chính xác lại phải có xác nhận từ cơ quan chuyên ngành”, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ VHTTDL) Phùng Huy Cẩn cho biết.

Đánh giá sức ảnh hưởng, giá trị của giải thưởng

Theo ông Phùng Huy Cẩn, những bất cập trên cần được khắc phục bằng việc thống nhất tên gọi giải thưởng. Một số trường hợp còn có tên gọi không rõ ràng, chẳng hạn giải Đặc biệt có thể hiểu là tác phẩm xuất sắc vượt trên giải thưởng cao nhất, hoặc cũng có thể là chất lượng tốt nhưng nằm ngoài chuẩn chấm, chọn nên không thể xếp hệ thống giải chính thức. Một số giải đặc thù không có trong quy định nên khi quy đổi cũng phải xem xét để đảm bảo cho các tác giả không bị thiệt thòi.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM cũng cho rằng, cần có những chuẩn mực thống nhất để thuận lợi, chính xác khi quy đổi. Ngoài những thống nhất mang tính định chuẩn về tên gọi thì điều quan trọng hơn là phải có đánh giá chính xác về sức ảnh hưởng, giá trị của các giải thưởng. Chẳng hạn, cùng là trong lĩnh vực sân khấu nhưng chất lượng của hội diễn này chênh lệch với hội diễn kia, huy chương vàng ở liên hoan này sẽ không có chất lượng như ở liên hoan khác. “Bản thân những người là thành viên các Hội đồng đôi khi cũng không biết chấm kiểu gì. Cùng là Vàng nhưng chỗ này là Vàng 18k, nơi kia lại là 24k. Việc chênh lệch chất lượng ngay giữa các Giải thưởng cùng tên gọi đôi khi là nguyên nhân dẫn đến sự quy đổi mang tính khập khiễng”, NSND Trần Ngọc Giàu nhìn nhận. Để khắc phục bất cập này, ông Giàu cho rằng, cần có sự thống nhất lại, dựa trên căn cứ chuẩn mực là Nghị định. Bên cạnh đó, cũng cần có sự định chuẩn chính xác, công tâm về giá trị của các giải thưởng và những tấm huy chương.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho rằng, điều quan trọng để khi quy đổi đảm bảo tính chính xác, khách quan là phải đánh giá sức ảnh hưởng, giá trị của các giải thưởng. “Trách nhiệm đó thuộc về các Hội đồng. Nên thống nhất về các giải thưởng ở từng cấp như cấp quốc gia; bộ, ngành; tỉnh, thành phố... Một Huy chương vàng ở cấp quốc gia sẽ có giá trị khác với Huy chương vàng ở hội diễn cấp khu vực, tỉnh, thành. Giữa các lĩnh vực cũng có nhiều khác biệt đặc thù, chẳng hạn như Bông sen vàng ở điện ảnh khác với các Huy chương vàng tại những hội diễn nghệ thuật...”, ông Thành nói. Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Phùng Huy Cẩn cũng nhận định, để tránh những lấn cấn, thậm chí là thiếu rõ ràng khi quy đổi giải thưởng thì cần có sự thống nhất về tên gọi cũng như định chuẩn giá trị giải thưởng ở các cấp. Việc thống nhất này có thể do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. “Khi đã có sự thống nhất thì sẽ rất thuận lợi. Các nghệ sĩ, tác giả dễ dàng kê khai, bộ phận quy đổi giải thưởng cũng không mất nhiều thời gian...”, ông Cẩn nhận định.

Ông Đoàn Thanh Nô lưu ý thêm việc cần đánh giá chuẩn xác về tầm giá trị của mỗi giải thưởng, mức độ tổ chức và sức ảnh hưởng của mỗi kỳ liên hoan, hội diễn, cuộc thi. “Cấp độ toàn quốc khác với từng khu vực, từng ngành nghề. Vì thế cần căn cứ giá trị giải thưởng, tầm ảnh hưởng để quy đổi cho chính xác. Bộ VHTTDL nên đứng ra chủ trì việc này, có thể ban hành Thông tư hướng dẫn. Phía Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam sẽ ủng hộ và sẵn sàng tham gia ở góc độ chuyên gia. Những quy chuẩn định danh, định lượng đều cần thiết để việc quy đổi được chính xác, thuyết phục hơn”, ông Nô nói và cho rằng cần có định nghĩa, nội hàm thế nào là giải thưởng đủ tiêu chuẩn để xét tặng các Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc các danh hiệu. Khi đã giải thích từ ngữ, khái niệm chuẩn xác thì quy đổi không cần xác nhận như hiện nay nữa. 

 Việc sử dụng huy chương, cúp, giải thưởng... làm thước đo xét tặng các Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh; danh hiệu NSND, NSƯT khẳng định sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những cá nhân có nhiều cống hiến, những tác phẩm có sức lan tỏa trong đời sống VHNT nước nhà. Dù vậy, khi tiến hành quy đổi các giải thưởng về một chuẩn thống nhất như quy định trong các Nghị định của Chính phủ lại gặp nhiều khó khăn, thậm chí là bất cập bởi tên gọi các giải thưởng này quá đa dạng. Muốn quy đổi chính xác lại phải có xác nhận từ cơ quan chuyên ngành.

(Ông PHÙNG HUY CẨN, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VHTTDL)

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top