Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Tạo thế “chân kiềng” ở miền Trung

Thứ Sáu 23/07/2021 | 10:53 GMT+7

VHO- Nếu kết nối tốt với các địa phương trong vùng đặc biệt là Thừa Thiên Huế và Quảng Bình sẽ tạo thế “chân kiềng” vững chắc ở miền Trung để phát triển du lịch. Trong đó, Huế với đặc trưng là di sản văn hoá thế giới, Quảng Bình với đặc trưng là di sản thiên nhiên thế giới sẽ tương hỗ cho Quảng Trị với đặc trưng là các di tích lịch sử, văn hóa.

 Cụm di tích lịch sử Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải Ảnh: TRẦN TIẾN

 Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Việc kết nối chặt chẽ giữa ba địa phương này sẽ góp phần định hướng, thu hút khách du lịch khi đã đến di sản này thì không thể không đến di sản, di tích kia và ngược lại. Đây chắc chắn là một sản phẩm du lịch vùng độc đáo và mang tính cạnh tranh cao”.

Chuẩn bị sẵn các điều kiện để phục hồi

Quảng Trị, giống như một điểm tựa tinh thần mỗi khi nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai. Người ta sẽ không thể quên Thành cổ Quảng Trị; Cụm di tích đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải - địa danh lịch sử nổi tiếng, “nhân chứng lịch sử” mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã; Địa đạo Vịnh Mốc - ngôi làng ba tầng nằm sâu trong lòng đất 22m; Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9- nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta… Trong nhiều năm qua, Quảng Trị đã xây dựng một thương hiệu du lịch kết hợp giữa văn hoá, lịch sử và tâm linh với vẻ đẹp nguyên sơ của những bãi biển như cửa Tùng, cửa Việt và đảo Cồn Cỏ. Tuy vậy, chúng ta cũng cần nhìn nhận một thực tế là các hoạt động du lịch của Quảng Trị vẫn còn theo đợt, theo mùa vụ, hiệu quả kinh tế chưa thực sự cao.

Trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay ngành Du lịch Quảng Trị đã tập trung cùng cả nước ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời chủ động thích ứng với tình hình mới. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở VHTTDL Quảng Trị cho biết: “Ngoài việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Trị cũng thực hiện các giải pháp như đảm bảo an toàn cho du khách; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai các chương trình kích cầu; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới; đổi mới cách thức, nội dung tuyên truyền, quảng bá thu hút khách du lịch. Ngành du lịch Quảng Trị cũng tăng cường công tác quảng bá điểm đến Quảng Trị - an toàn, hấp dẫn cùng với các chương trình kích cầu du lịch phù hợp nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường khách sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt”.

Sở VHTTDL cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định “Một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút và triển khai các dự án du lịch, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế để giữ vai trò định hướng, tạo đột phá phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao để thu hút du khách và tăng thời gian lưu trú.

 Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Đột phá vào sản phẩm đặc trưng

Ngoài việc triển khai các chương trình kích cầu du lịch, trong đó xác định hướng đột phá vào sản phẩm có thế mạnh như: Du lịch lịch sử chiến tranh cách mạng, du lịch văn hóa - tâm linh và du lịch biển đảo, ngành Du lịch Quảng Trị cũng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng các chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách đảm bảo chất lượng, uy tín và thương hiệu. Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị cũng tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng để đưa nguồn khách đến. Phối hợp với hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế liên kết, tạo thế “chân kiềng” vững chắc để phát triển du lịch.

Để tạo sự hấp dẫn và chiều sâu văn hoá, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trong những chương trình du lịch, Quảng Trị định hướng tiếp tục xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch và phát triển thương hiệu điểm đến. Nổi bật là các chương trình du lịch Quảng Trị: “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”, “Cửa ngõ Hành lang Kinh tế Đông - Tây”, kết nối, liên kết du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”; xúc tiến thực hiện các công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị vào năm 2022. Vùng đất thép Quảng Trị cũng là địa phương đầu tiên và duy nhất trên cả nước khai thác du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 nên nếu phát huy, đây cũng sẽ là thế mạnh của du lịch tỉnh này. Tỉnh này cũng củng cố và nâng cao chất lượng tour du lịch Cồn Cỏ, tuyến phố lễ hội ở thị xã Quảng Trị, Chợ đêm Phường 2 Đông Hà, Khu du lịch sinh thái Klu (Đakrông), xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với Hệ thống giếng cổ Gio An.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch đề xuất tỉnh Quảng Trị dựa vào thế mạnh của mình và các xu hướng có ảnh hưởng tới du lịch hậu đại dịch Covid-19, nên cân nhắc một số loại hình du lịch đặc trưng, có tính đột phá. Trong đó, du lịch xanh là từ khoá cho sản phẩm, du lịch nội địa và khu vực là quan trọng và chiến lược. Quảng Trị nên lưu ý và đẩy mạnh liên kết trong khu vực, liên kết với các trung tâm du lịch trên cả nước. 

 Ngành du lịch Quảng Trị cũng tăng cường công tác quảng bá điểm đến Quảng Trị - an toàn, hấp dẫn cùng với các chương trình kích cầu du lịch phù hợp nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường khách sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.

(Ông NGUYỄN VĂN CHIẾN, Phó giám đốc Sở VHTTDL Quảng Trị)

 

 NGUYỄN ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top