Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Hoạt động từ thiện và văn hóa ứng xử của nghệ sĩ (Bài cuối): Người làm nghệ thuật nhìn vào Quy tắc để soi chiếu, điều chỉnh hành vi của mình

Thứ Sáu 24/09/2021 | 10:29 GMT+7

VHO- Nhấn mạnh việc chưa từng có một văn bản nào đề cập sâu và toàn diện những khía cạnh liên quan đến phạm trù đạo đức, văn hóa ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, PGS.TS. Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Bộ VHTTDL đang nỗ lực hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử hướng đến những đối tượng này.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, dường như phát ngôn cũng như hành vi của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đều được dư luận rất quan tâm, chú ý thì sự ra đời của Quy tắc ứng xử, với ý nghĩa như một tấm gương soi chiếu, nhắc nhở mỗi nghệ sĩ cần giữ gìn sự chuẩn mực là điều vô cùng cần thiết.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã dành cho Văn Hóa cuộc trao đổi về nội dung “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” do Bộ VHTTDL soạn thảo và chuẩn bị ban hành.

 P.V: Thưa Thứ trưởng, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận, xuất phát từ những hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực của một số cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Chỉ số niềm tin của cộng đồng đối với các nghệ sĩ này đang giảm sút nghiêm trọng. Đây có phải là lý do để Bộ VHTTDL quyết tâm sớm ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật?

- Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Đúng là trong thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh từ văn hóa ứng xử của người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật. Từ chuyện nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật; phát ngôn bừa bãi cho đến lùm xùm, thiếu minh bạch khi tham gia hoạt động xã hội, từ thiện… phản ánh trên các trang báo và mạng xã hội đã đặt ra những dấu hỏi lớn liên quan đến câu chuyện văn hóa ứng xử của người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật.

Thực tế là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh… đều đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào đề cập sâu và toàn diện những khía cạnh liên quan đến phạm trù đạo đức, văn hóa ứng xử của người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật. Dư luận và giới nghệ sĩ vẫn luôn nhắc đến những cụm từ như giữ gìn thuần phong mỹ tục, đạo đức, tác phong, hình ảnh…, nhưng những chuẩn mực đó cụ thể như thế nào thì chưa có một văn bản nào quy định cụ thể, chi tiết mang tính định hướng. Xuất phát từ thực tế này, Bộ VHTTDL đã soạn thảo “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật”. Quy tắc nhằm xác định các chuẩn mực hành vi ứng xử đạo đức; khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Những quy tắc ứng xử có thể xem như một tấm gương soi chiếu; khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 Th trưng T Quang Đông phát biu ch đo ti cuc hp Ban son tho Quy tc nh: TR.HUẤN

 Xin Thứ trưởng cho biết những nội dung chính của Quy tắc ứng xử này?

- Quy tắc ứng xử sẽ áp dụng với những hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật ở các khía cạnh: Quy tắc ứng xử chung; trong hoạt động nghề nghiệp; đối với đồng nghiệp; đối với công chúng, khán giả; ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội; ứng xử khi tham gia các hoạt động xã hội khác. Những hành vi được điều chỉnh là phát ngôn, tác phong, lối sống, sử dụng trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Ở từng khía cạnh, Quy tắc ứng xử đưa ra nền tảng cơ bản, mang tính chuẩn mực để mỗi nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật soi chiếu, tiết chế và điều chỉnh hành vi, lời nói của mình đối với xã hội, công chúng, khán giả và đồng nghiệp. Những quy tắc ứng xử chung mang tính bao quát nhấn mạnh những quy chuẩn mà người hoạt động nghệ thuật cần tuân thủ như đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; tinh thần thượng tôn pháp luật; giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự, hình ảnh, tác phong phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam…

Xin nhắc lại, lâu nay những vấn đề liên quan đến phạm trù đạo đức, văn hóa ứng xử của người hoạt động nghệ thuật chưa có những quy định cụ thể. Dư luận bức xúc, lên án những phát ngôn tùy tiện, hành vi coi thường công chúng… của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng nhưng lại lúng túng khi “chỉ mặt, gọi tên” những hành vi, phát ngôn đó dựa trên một hệ quy chiếu chuẩn mực, để từ đó thấy rằng sự lệch chuẩn ấy là việc nghệ sĩ không nên, không được làm. Bộ VHTTDL soạn thảo Quy tắc ứng xử này với mong muốn hình thành nền tảng cơ bản để người trong cuộc tự tham chiếu, tự soi mình qua “tấm gương” đó để thấy rõ những điều nên, những điều hết sức tránh…

Câu chuyện nghệ sĩ và “sao kê”, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, phát ngôn bừa bãi… là những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Đó cũng là những nội dung được cân nhắc kỹ trong Dự thảo Quy tắc ứng xử. Thứ trưởng có suy nghĩ gì về khía cạnh này?

- Hoạt động xã hội, từ thiện của nghệ sĩ, người nổi tiếng là những việc làm rất đáng trân trọng và cần được nhân rộng, lan tỏa. Tuy nhiên, điều khiến công chúng quan tâm và mong muốn được nhìn thấy ở đây là sự minh bạch, trung thực, xuất phát từ cái tâm trong sáng của nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật. Niềm tin thì không thể “sao kê” được. Đối với người hoạt động nghệ thuật, uy tín, danh dự, hình ảnh mới là điều có giá trị lớn lao nhất. Niềm tin mà công chúng đặt vào họ vì vậy cần phải được gìn giữ, bằng những quy tắc chuẩn mực.

Quy tắc ứng xử trong xã hội của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhấn mạnh một số tiêu chí như: Công khai, minh bạch, kịp thời trong công tác xã hội, giữ niềm tin, uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, hình ảnh để tư lợi cá nhân. Phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng. Đối với hoạt động quảng cáo, nghệ sĩ phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật về quảng cáo. Nghệ sĩ cần lường trước những hậu quả của việc quảng cáo sai sự thật.

Nghệ sĩ, người nổi tiếng thông qua mỗi hành vi, lời nói… đều có thể tạo nên những tác động, sức ảnh hưởng đối với công chúng. Bởi vậy, những quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội trong bộ quy tắc sẽ nhắc nhở các nghệ sĩ luôn giữ gìn danh hiệu, hình ảnh, uy tín, chuẩn mực trong phát ngôn và chia sẻ thông tin; có trách nhiệm, trung thực trong phát ngôn và đặc biệt, không đăng tải, chia sẻ nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật.

 Nhiều nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật khiến dư luận bức xúc Ảnh: T.L

Dư luận cũng rất quan tâm về việc Quy tắc ứng xử này sẽ được phát huy như thế nào sau khi được ban hành, thưa Thứ trưởng?

- Quy tắc ứng xử sau khi ban hành cần được tuyên truyền rộng rãi, dưới nhiều hình thức để mỗi cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật đều hiểu và tự nguyện làm theo. Thứ nữa, cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, từ các đoàn nghệ thuật, hội nghề nghiệp cho đến các Sở để triển khai hiệu quả Quy tắc ứng xử này.

Tuy nhiên, vì mang tính chất điều chỉnh đối với đối tượng rộng, gồm những cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật biểu diễn; trong các đơn vị chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và nghệ sĩ tự do… nên nội hàm của Quy tắc ứng xử này cũng khá lớn và phức tạp. Việc triển khai cần được tuyên truyền rộng rãi, tạo sự đồng thuận hơn là áp đặt cứng nhắc.

Bộ sẽ có kế hoạch triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Hiện Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đang được hoàn thiện những khâu cuối, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành. Sau khi ban hành, Bộ cũng sẽ có công văn gửi các Sở VHTTDL, VHTT, các Hội chuyên ngành và các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước yêu cầu quán triệt, phổ biến rộng rãi nội dung Quy tắc cũng như đề nghị ban hành, bổ sung vào các quy tắc, điều lệ của cơ quan, đơn vị trên nền của Quy tắc ứng xử này.

Mong rằng, Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sẽ khỏa lấp những khoảng trống, giải quyết những vấn đề bất cập trong văn hóa ứng xử của các nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật. Để mỗi khi soi chiếu, mỗi cá nhân sẽ tự điều chỉnh chính mình, ứng xử và cống hiến xứng với vị trí của những ngôi sao được công chúng gửi gắm niềm tin và sự yêu mến.

 Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! 

 

 Lâu nay những vấn đề liên quan đến phạm trù đạo đức, văn hóa ứng xử của người hoạt động nghệ thuật chưa có những quy định cụ thể. Dư luận bức xúc, lên án những phát ngôn tùy tiện, hành vi coi thường công chúng… của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng nhưng lại lúng túng khi “chỉ mặt, gọi tên” những hành vi, phát ngôn đó dựa trên một hệ quy chiếu chuẩn mực, để từ đó thấy rằng sự lệch chuẩn ấy là việc nghệ sĩ không nên, không được làm. Bộ VHTTDL soạn thảo Quy tắc ứng xử này với mong muốn hình thành nền tảng cơ bản để người trong cuộc tự tham chiếu, tự soi mình qua “tấm gương” đó để thấy rõ những điều nên, những điều hết sức tránh…

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

 

 Bên cạnh những quy tắc mang tính định hướng hành vi cụ thể, dự thảo không đưa ra những chế tài xử phạt. Liệu điều này có làm giảm đi “sức nặng” của Quy tắc không, thưa Thứ trưởng?

- Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là văn bản cá biệt, điều chỉnh một phạm trù tương đối trừu tượng là đạo đức. Dự thảo Quy tắc đưa ra khung cơ bản để các nghệ sĩ tham chiếu, tự tiết chế và điều chỉnh hành vi, ứng xử của mình. Quy tắc cũng không đặt ra mục đích xử phạt hay trừng trị đối với người hoạt động nghệ thuật khi họ mắc những sai lầm nhưng chắc chắn, rào chắn barie này sẽ luôn luôn nhắc nhở mỗi cá nhân phải nhớ những giá trị căn bản giúp bản thân họ giữ gìn được tên tuổi, hình ảnh, uy tín và niềm tin trong lòng công chúng.

Mặt khác, dù không đề cập đến chế tài xử phạt nhưng những quy tắc cơ bản này cũng sẽ là quy chuẩn mang tính nền tảng để từ đó, các Sở VHTTDL, Hội chuyên ngành Văn học Nghệ thuật, các đoàn nghệ thuật, các tổ chức… dẫn chiếu, ban hành các Quy tắc, Điều lệ riêng của mình. Ví dụ, VTV có thể cân nhắc có nên phát sóng hay không đối với nghệ sĩ phát ngôn phản cảm, quảng cáo thiếu trung thực. Hoặc nghệ sĩ khi tham gia hoạt động xã hội, từ thiện có dấu hiệu không minh bạch, trục lợi cá nhân… thì các Sở, Hội, đơn vị nghệ thuật có thể có chế tài xử lý. Sự lên án từ công chúng, dư luận xã hội cũng là những án phạt có tác dụng răn đe đối với các nghệ sĩ.

 

 

 PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top