Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Người trong cuộc nói gì?

VHO- Cuối tuần qua, Văn Hóa tiếp tục ghi nhận ý kiến của nhiều nghệ sĩ, những đối tượng sẽ thực thi Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sau khi Quy tắc chính thức ban hành.

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Người trong cuộc nói gì? - Anh 1

 Theo giới chuyên môn, bộ ba ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương và Việt Hoàn luôn có sự ứng xử đúng mực trên sân khấu lẫn ngoài đời Ảnh: KIÊN TRINH

 Đồng thuận với việc cần thiết ban hành Quy tắc này, nhiều nghệ sĩ còn đề nghị nên chăng trong nội dung dự thảo cần quy định cụ thể, chi tiết hơn…

Văn hóa ứng xử là nghệ sĩ hướng công chúng đến cái đẹp

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Người trong cuộc nói gì? - Anh 2

Một nghệ sĩ khi được đứng trên sân khấu phải luôn tự ý thức mình là người đại diện cho những giá trị đẹp, mang đến cái đẹp cho mọi người. Bằng sự ứng xử đúng mực của mình, nghệ sĩ hướng công chúng đến cái đẹp cũng như phê phán những điều phản cảm, tiêu cực. Với thời gian hoạt động nghệ thuật trong gần 20 năm, Lê Anh Dũng luôn ý thức được rằng khi đứng trên sân khấu cũng như trong đời sống cần luôn gìn giữ hình ảnh, chuẩn mực trong phát ngôn, trang phục và hành động đúng đắn. Vừa là một nghệ sĩ, vừa là thầy giáo, đối với Lê Anh Dũng, những quy tắc ứng xử chuẩn mực sẽ như tấm gương để học sinh và các nghệ sĩ trẻ noi theo. Nhờ vậy Dũng đã có những khán giả theo dõi bước đường nghệ thuật gần 20 năm qua, được trân trọng với hình ảnh một nghệ sĩ hoạt động âm nhạc nghiêm túc, chỉn chu.

Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật nói chung, đặc biệt là các quy tắc đề cao trách nhiệm nghệ sĩ với cộng đồng là rất cần thiết. Trong đó, dư luận hiện đang quan tâm nhiều đến việc nghệ sĩ làm từ thiện. Nghệ sĩ là người có ảnh hưởng trong xã hội, thuận lợi để kêu gọi mọi tấm lòng hảo tâm. Nhưng hoạt động này cần được thực hiện minh bạch, tổ chức công khai, rõ ràng nhằm tránh sự khuất tất dẫn đến hoài nghi không đáng có. Bản thân tôi cũng đã tham gia hoạt động từ thiện cùng với một số nghệ sĩ. Chúng tôi quán triệt nguyên tắc là công khai, minh bạch ngay từ đầu. Có như thế nghệ sĩ mới giữ gìn trọn vẹn hình ảnh của mình. Nếu lấy danh nghĩa cá nhân kêu gọi nhưng tổ chức không rõ ràng sẽ dễ dẫn đến những hiểu nhầm, hệ quả là những lùm xùm như trong thời gian qua.

Việc phát ngôn của nghệ sĩ trên mạng xã hội cũng là một vấn đề, bởi những lời ăn tiếng nói đó đều nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng, nhất là những nghệ sĩ có đông đảo lượng fan theo dõi. Vì vậy đòi hỏi khi nói cần phải “uốn lưỡi” để phát ngôn của mình có tính chuẩn mực. Hoặc ngay cả việc nhận quảng cáo sản phẩm, nghệ sĩ cũng nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ càng. Bởi với vai trò là nghệ sĩ, khi quảng cáo một sản phẩm liên quan đến những lĩnh vực hoàn toàn xa lạ, nếu chưa được kiểm nghiệm, không rõ ràng nguồn gốc thì vô hình trung, nghệ sĩ đã lừa dối công chúng, định hướng họ tìm đến những sản phẩm không tốt.

Việc triển khai quy tắc ứng xử còn tùy thuộc vào từng nghệ sĩ. Đối với các nghệ sĩ hoạt động chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, có quá trình và thời gian cống hiến thì bao giờ cũng có sự trau chuốt mỗi khi đứng trên sân khấu, phát ngôn trước khán giả. Tuy nhiên, hiện nay chưa có định danh rõ thế nào là nghệ sĩ; người làm nghệ thuật đến từ nhiều con đường khác nhau, có cách tiếp cận khán giả khác nhau. Vì thế, cần có quy định rõ thêm danh xưng nghệ sĩ là như thế nào. Điều đó sẽ giúp cho việc định hướng ứng xử của những đối tượng này hiệu quả hơn.

(Ca sĩ LÊ ANH DŨNG)

Chưa có Quy tắc ứng xử thì nghệ sĩ đã phải tự điều chỉnh mình

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Người trong cuộc nói gì? - Anh 3

Những hành vi “lệch chuẩn” trong giới làm nghệ thuật mà báo chí nêu gần đây như hiện tượng quảng cáo sai sự thật; từ thiện thiếu minh bạch; phát ngôn không chuẩn mực… trên thực tế ít xảy ra đối với bộ phận nghệ sĩ làm nghề ở các đoàn nghệ thuật công lập. Nói như thế không có nghĩa là chưa có những nghệ sĩ như thế. Trong quá trình cống hiến, ngay cả khi chưa có dự thảo Quy tắc ứng xử và sắp tới được ban hành, mỗi nghệ sĩ là viên chức cũng đã luôn tự ý thức được mình cần thường xuyên trau dồi, rèn luyện từ lời ăn tiếng nói đến hành vi, thái độ ứng xử để làm sao cho đúng, cho thật sự “vừa lòng nhau”, vì lời nói “chẳng mất tiền mua” mà.

Những nội dung mà dự thảo Quy tắc ứng xử đề cập trên thực tế không chỉ người nghệ sĩ mà một công dân bình thường cũng cần phải thực hiện. Văn hóa ứng xử không chỉ có nghệ sĩ mà ở cơ quan nào, ngành nghề nào cũng cần được coi trọng và mỗi một ngành nghề cũng có những quy định riêng như văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở… Tuy nhiên có một thực tế là, nghệ sĩ đã có sức ảnh hưởng nhất định đến công chúng, những hành vi, ứng xử và cả phát ngôn của họ luôn được công chúng quan tâm. Vì thế việc ra đời Quy tắc này là cần thiết, nhằm điều chỉnh những hạn chế, tiêu cực trong hoạt động của giới nghệ sĩ. Những lùm xùm xảy ra trong giới làm nghệ thuật chủ yếu rơi vào những người nổi tiếng thuộc showbiz, họ chủ yếu là nghệ sĩ tự do, không chịu sự quản lý của một đơn vị hay cơ quan nào. Ở khía cạnh này, Quy tắc ứng xử cũng nên quan tâm.

(NSƯT QUANG KHẢI, Phó trưởng đoàn Cải lương Thể nghiệm Nhà hát Cải lương Việt Nam)

Quy tắc ứng xử rất cần thiết khi thị trường nghệ thuật “vàng thau lẫn lộn”

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Người trong cuộc nói gì? - Anh 4

Tôi không thuộc nhóm là những nghệ sĩ nổi tiếng, và bản thân cũng không muốn nổi tiếng từ những việc như làm từ thiện, phát ngôn trên mạng xã hội hay thích quảng bá hình ảnh của mình qua các game show, diễn đàn. Vừa là một nghệ sĩ biểu diễn, vừa là một giảng viên dạy nghệ thuật sân khấu, tôi chỉ muốn được làm tốt nghĩa vụ của một công dân. Thú thực, tôi không muốn mọi người biết đến hình ảnh cá nhân mà chỉ muốn công chúng biết đến tác phẩm mà tôi tham gia sáng tạo.

Tôi cũng như nhiều nghệ sĩ đang hoạt động nghệ thuật ở những bộ môn khác không giàu có gì để có thể ủng hộ thật nhiều tiền cho công tác từ thiện. Thế nhưng, tôi vẫn biết rằng có những nghệ sĩ không được biểu diễn trong thời gian dài vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn bằng nhiều cách để chia sẻ với cộng đồng, tham gia phòng, chống dịch. Nghệ sĩ cũng như mọi công dân khác khi làm từ thiện rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, không phải ai khi làm từ thiện cũng để nổi tiếng, họ âm thầm ủng hộ mà không cần một dòng thông tin trên báo chí, trên mạng xã hội. Khi Bộ VHTTDL soạn thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thì rõ ràng những người làm nghệ thuật cũng nên nhìn lại mình. Những nội dung trong Quy tắc nêu ra rất đúng và trúng. Đây cũng là một cách nhắc nhở để nghệ sĩ phải soi và tự hoàn thiện chính mình.

Theo tôi, việc ra đời của Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật rất cần thiết, nhất là khi thị trường nghệ thuật biểu diễn đang bát nháo, “vàng thau lẫn lộn”. Những nghệ sĩ được đông đảo công chúng mến mộ thì càng cần gìn giữ hơn hình ảnh của mình.

(NSND HOÀNG YẾN, PGĐ Nhà hát Thế giới Trẻ của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM)

Nghệ sĩ luôn cần bản lĩnh để tránh mọi cám dỗ

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Người trong cuộc nói gì? - Anh 5

Tôi cho rằng sự ra đời Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Các diễn viên, người hoạt động nghệ thuật có lẽ cũng mong muốn có những quy tắc để định hướng hành vi, giúp họ không vướng phải những scandal, vấn đề phản cảm. Chúng tôi cũng rất mong có quy chuẩn định danh nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu… Bởi trên thực tế, nhiều người chỉ vừa quay một clip, hoặc những cảnh quay rất nhỏ cũng tự cho mình là diễn viên, lạm dụng mác nghệ sĩ để làm việc sai trái. Điều đó khiến xã hội dần mất đi niềm tin với giới hoạt động nghệ thuật nói chung. Quy tắc ứng xử này ra đời hy vọng sẽ sàng lọc, để công chúng nhìn nhận đúng về những người hoạt động nghệ thuật.

Trong hoạt động của mình, Phương Oanh luôn cố gắng đứng ở cả vị trí của người hoạt động nghệ thuật và vị trí của công chúng. Khi đứng ở vị trí của người hoạt động nghệ thuật một cách nghiêm túc, tôi luôn tự răn đe, khắt khe với chính mình. Nói thật, người nghệ sĩ không hiếm phải đối diện với những tình huống mà nếu không đủ bản lĩnh để dung hòa giữa cảm xúc và lý trí thì rất dễ bị mất kiểm soát. Bản thân Phương Oanh cũng từng có những thời gian khủng hoảng tâm lý khi phải đối diện với sự công kích của antifan. Lúc đó, Oanh phải cố gắng để những phát ngôn, hành động của mình không bị vượt tầm kiểm soát. Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển, nghệ sĩ cũng phải đối diện với áp lực ngày càng lớn khi sở hữu lượng fan và antifan đông đảo. Nhiều khi chỉ vì những vai diễn hoặc tâm lý nhân vật chưa chiều lòng khán giả, nghệ sĩ cũng phải chịu đựng những chỉ trích không đáng có. Phương Oanh cũng đã nếm trải cảm xúc này và đã phải rất cố gắng nhắc nhở bản thân cần ứng xử chuẩn mực.

Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật vì vậy sẽ như tấm gương soi chiếu để chúng tôi luôn nhìn vào, luôn nghĩ đến những điều nên và không nên. Môi trường nào cũng vậy, luôn có những quy tắc dành cho các đối tượng hoạt động trong môi trường đó. Có người thực hiện tốt, có người chưa thực hiện tốt nhưng vô hình trung năng lượng tích cực sẽ nhiều hơn. Điều đó rất quan trọng để điều chỉnh hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật và càng thiết thực hơn với những cá nhân còn chấp chới việc hiểu thế nào là nghệ sĩ, làm nghệ thuật như thế nào cho đúng mực.

Phương Oanh cũng nhận thấy rằng việc các nghệ sĩ giữ gìn được tên tuổi, hình ảnh chuẩn mực là điều không đơn giản. Xung quanh họ luôn có không ít cám dỗ, chẳng hạn trong hoạt động quảng cáo, trước khi nhận lời quảng cáo cho một sản phẩm, Phương Oanh luôn tìm hiểu kỹ về nguồn gốc xuất xứ, trước tiên phải đảm bảo đó là sản phẩm an toàn. Trên thực tế, có những sản phẩm tự chế, trôi nổi, nguồn gốc không đảm bảo rồi mời các nghệ sĩ tham gia quảng cáo với giá trên trời. Nếu vì kinh tế, các nhãn hàng này sẵn sàng đáp ứng, thậm chí số tiền lên tới cả tỉ đồng để đổi lấy việc sử dụng hình ảnh nghệ sĩ. Nhưng chúng tôi không đánh đổi niềm tin của khán giả theo cách như vậy.

(Diễn viên PHƯƠNG OANH)

“Kim chỉ nam” cho người hoạt động nghệ thuật

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Người trong cuộc nói gì? - Anh 6

Tôi rất ủng hộ việc ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đây có thể gọi là “kim chỉ nam” của các nghệ sĩ trong việc rèn luyện bản thân trên con đường hoạt động nghệ thuật, nhằm đáp ứng hy vọng, mong đợi của khán giả. Những ngày vừa qua, dư luận rất bức xúc trước các tin đồn về việc minh bạch các khoản tiền kêu gọi thiện nguyện từ một số nghệ sĩ, điều này khiến chúng tôi rất buồn lòng. Nó không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến các cá nhân nghệ sĩ bị gọi tên mà còn ảnh hưởng chung tới hình ảnh nghệ sĩ nói chung, ít nhiều mất đi niềm tin nơi công chúng.

Trong khi nghệ sĩ luôn là những người tiên phong trong công tác cộng đồng. Bộ Quy tắc ứng xử này yêu cầu các nghệ sĩ phải minh bạch trong công tác thiện nguyện, hoạt động cộng đồng; đồng thời đã nêu khá chi tiết những điều nghệ sĩ cần và nên làm. Tuy nhiên, tôi nghĩ, khi đã có Quy tắc thì cũng nên có những quy định thưởng- phạt phân minh, qua đó Quy tắc mới có tác dụng “uốn nắn” những cái chưa được, cũng như nêu gương tốt.

(Ca sĩ BÍCH HỒNG)

 PHƯƠNG ANH - HIỀN LƯƠNG - THANH NGỌC (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc