Vấn nạn vi phạm giao thông ở lứa tuổi thanh, thiếu niên: Giải pháp nào để giảm thiểu?

VHO- Tại nhiều nơi trên cả nước, đặc biệt là các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, tình trạng học sinh phóng xe máy bạt mạng, đi xe đạp điện với tốc độ cao, đánh võng, bốc đầu, không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba, kẹp bốn chạy ngược chiều… khá phổ biến. “Làm thế nào để hạn chế vi phạm giao thông cũng như tai nạn giao thông ở lứa tuổi này?” dường như vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp hữu hiệu.

 

Vấn nạn vi phạm giao thông ở lứa tuổi thanh, thiếu niên: Giải pháp nào để giảm thiểu? - Anh 1

 Lực lượng chức năng trực tiếp giao lưu với học sinh về pháp luật ATGT

 Chỉ thị số 31 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đưa nội dung “Bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đối với học sinh” là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với cán bộ, nhân viên, giáo viên tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục; xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học...

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo rà soát lại các chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về trật tự ATGT cho học sinh trong các cấp học, các nhà trường để bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm tương xứng với tính chất quan trọng của việc xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước. Phối hợp với Bộ Công an xây dựng Bộ quy tắc văn hóa giao thông văn minh. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần yêu cầu 100% các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông cho lớp trẻ, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội.

Đồng thời, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp UBND các địa phương tổng rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông tại các tuyến quốc lộ có trường học trên toàn quốc; trường hợp có bất cập thì ưu tiên xử lý, khắc phục, trong đó làm rõ lộ trình thực hiện, hoàn thành. Tổng rà soát về điều kiện an toàn giao thông và tổ chức giao thông tại các đoạn tuyến quốc lộ qua cổng trường học trên toàn quốc, lập danh mục phân loại những vị trí đường qua trường học mất an toàn, lập kế hoạch khắc phục.

Vấn nạn vi phạm giao thông ở lứa tuổi thanh, thiếu niên: Giải pháp nào để giảm thiểu? - Anh 2

 Nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, dàn hàng hai, hàng ba nghênh ngang giữa đường

Bên cạnh đó, phải nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các nhà trường tổ chức phương tiện đưa đón học sinh an toàn; chỉ đạo cơ quan chuyên môn giao thông vận tải phối hợp, hướng dẫn các nhà trường tổ chức xe đưa đón học sinh phù hợp lứa tuổi, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; mỗi xe phải bố trí ít nhất một quản lý hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, bảo đảm an toàn trong suốt chuyến đi; lái xe, quản lý học sinh phải được tập huấn để nắm vững, thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh; bố trí điểm dừng đón, trả tại khu vực trường học và các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh bảo đảm an toàn giao thông.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18), làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội. Chính vì vậy, cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi này.

Có thể nói, văn hóa giao thông ở lớp trẻ nước ta hiện nay còn kém là do sự thiếu hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Tuy nhiên, bên cạnh việc giáo dục ý thức cho học sinh trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức, thì các các chế tài áp dụng đối với vi phạm của học sinh cũng không đủ mạnh để răn đe. Cùng với đó, việc thiếu quan tâm, giáo dục và quản lý từ các bậc phụ huynh cũng góp phần không nhỏ trong các vụ việc xảy ra. Chính vì vậy, bên cạnh giáo dục về văn hóa giao thông từ nhà trường, cần có sự thay đổi về “chất” ngay trong từng gia đình.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển bị phạt tiền từ 800.000-2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000-4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô; phạt tiền từ 4.000.000-6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000-12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô. Thậm chí, người nào giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Để giảm thiểu vi phạm khi sử dụng các phương tiện giao thông ở lứa tuổi học sinh, cần thiết phải “chặn” ngay tại “nguồn”. Chỉ khi nguồn cung các phương tiện của học sinh được kiểm soát tốt, đồng thời các cơ quan chức năng xử lý mạnh tay hành vi giao phương tiện không đúng quy định thì mới có thể tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này.

 QUẢNG XƯƠNG

Ý kiến bạn đọc