Di dời cổng đền thiêng hơn 200 tuổi "gỡ vướng" đường vành đai trăm tỉ

VHO- Cổng đền cổ nằm trong hành lang dự án đường vành đai đang triển khai thi công, UBND TX.Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã phải nhờ “thần đèn” Nguyễn Văn Cư đến thực hiện việc di dời với chi phí khoảng 800 triệu đồng. Dự kiến khoảng 20 ngày thì việc di dời cổng đền cổ hoàn thành để bàn giao lại cho chính quyền địa phương.

Dự án công trình đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh (đoạn từ quốc lộ 8A đến đường Tiên Sơn) có chiều dài 3.000m, rộng 30m được đầu tư với tổng mức 150 tỉ đồng. Dự án là công trình nhằm mở rộng đô thị thị xã Hồng Lĩnh về phía Tây, kết nối quốc lộ 8A với quốc lộ 1A qua tuyến đường trục chính thị xã Hồng Lĩnh, hiện đang được đầu tư từ nguồn vốn Dự án BIIG2. Đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh do UBND thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Như Nam. Được khởi công vào tháng 12.2020 và theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 10.2025.

Di dời cổng đền thiêng hơn 200 tuổi

Dự án đường vành đai bị “tắc” vì vướng cổng đền hơn 200 năm tuổi

Trong quá trình thi công, dự án vướng mắc khi trục chính tuyến đường đâm thẳng đến Cổng tam quan của đền Thánh Vân Chàng hơn 200 năm tuổi ở tổ dân phố Thuận Hoà (P.Đức Thuận, TX.Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh). Hệ lụy là dự án bị đứt đoạn, chưa thể thi công liền tuyến. Đơn vị thi công buộc phải thi công từ hai đầu và chừa lại phần đất thuộc khuôn viên của đền này ra để chờ chủ đầu tư đưa ra phương án giải quyết. Do muốn giữ lại cổng đền cổ nên UBND TX.Hồng Lĩnh đã thuê "thần đèn" Nguyễn Văn Cư lên phương án di dời. Theo yêu cầu của chủ đầu tư, "thần đèn" phải di dời cổng đền ra khu đất được quy hoạch bên cạnh, cách vị trí cũ khoảng hơn 60 m. Trong đó, đoạn thứ nhất dài 32m, sau đó quay một góc 90 độ rồi tiếp tục di chuyển thêm 31m để đặt cố định tại vị trí mới.

Di dời cổng đền thiêng hơn 200 tuổi

Cổng tam quan của đền Thánh Vân Chàng hơn 200 năm tuổi

Ông Nguyễn Văn Cư cho biết: "Trước khi thực hiện, tôi đã ra hiện trường khảo sát 3 lần. Cổng đền nặng khoảng 100 tấn, không phải là lớn nhưng do đã cũ, kết cấu vữa yếu nên rất phức tạp khi di dời. Ngay sau đó, chúng tôi đã chuẩn bị một xe container chở máy móc, thiết bị, vật tư với trọng lượng 15 tấn từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Tĩnh. Để thực hiện, cần phải có thiết bị hiện đại nhất, tỉ mỉ từng công đoạn để đảm bảo cổng đền nguyên trạng sau di dời. Hiện, cổng đền đã được dịch chuyển khỏi vị trí cũ một đoạn ngắn. Sau thời gian chuẩn bị, từ ngày 4.1, chúng tôi sử dụng ben thủy lực, ba lăng, bánh lăn… để di dời cổng đền. Hiện nay cổng đền đã được di dời được hơn 3 m và mọi thứ đều diễn ra thuận lợi. Dự kiến khoảng 20 ngày thì việc di dời cổng đền cổ mới hoàn thành để bàn giao lại cho chính quyền địa phương”.

Di dời cổng đền thiêng hơn 200 tuổi

Cổng đền sẽ được dịch chuyển đến vị trí mới (ô vuông đỏ) cách vị trí cũ hơn 60m 

Theo báo cáo của UBND phường Đức Thuận, cổng tam quan của đền Thánh Vân Chàng là hạng mục duy nhất còn sót lại của ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ XVIII, nay đã trở thành phế tích. Cổng cao khoảng 5 m, rộng 3 m, được làm từ đá tổ ong, gạch…, nặng khoảng 100 tấn. Ngôi đền Thánh Vân Chàng còn có tên gọi khác là Văn Miếu, do người dân trong làng lập để thờ “Chí thánh tiên sư Khổng Tử” và các bậc tiên hiền của làng. Đến năm Bính Dần thời Tự Đức triều Nguyễn (1866), đền được xây mới gồm hai tòa chính miếu và một tòa nghi môn, bên phải là miếu thổ thần, bên trái nhà bia, được trồng thêm cây xanh, đào ao dẫn nước. Hằng năm, đền tổ chức tế lễ vào các ngày mùng 4 và mùng 7 tháng Giêng, mùng 10 tháng 6, tế thu tháng 8 và tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch.

Di dời cổng đền thiêng hơn 200 tuổi

Cổng đền được cố định lại bằng hệ thống cọc sắt, gỗ xung quanh bên ngoài

Toàn bộ khu đất này có diện tích 5.035,5m2, sử dụng ổn định vào mục đích tín ngưỡng từ năm 1866. Trải qua biến cố lịch sử và thời gian, đền đã trở thành phế tích. Đến nay, di tích này chỉ còn hiện hữu cổng Tam quan, nền nhà, một số cây cổ thụ và hình hài khuôn viên. Dù vậy, hằng năm, vào các ngày rằm, lễ Tết, nhân dân vẫn thường đến đây để thắp hương, đặc biệt là các sĩ tử chuẩn bị bước vào các kì thi thường đến thắp hương để cầu may.
Ông Nguyễn Huy Hùng, Chủ tịch UBND TX.Hồng Lĩnh cho hay, kinh phí để thuê "thần đèn" di dời cổng đền khoảng 800 triệu đồng, lấy từ nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án đường vành đai TX.Hồng Lĩnh. Quá trình di dời cổng đền Thánh Vân Chàng bị lún nền đất dưới ván cố định để di chuyển nên địa phương phải huy động chở nhiều xe đá bây (đá đã xay thành hạt nhỏ) để đổ vào chống lún khá tốn kém, phức tạp.Thời gian tới, địa phương sẽ kêu gọi xã hội hóa để phục dựng khu di tích nhằm giáo dục truyền thống văn hóa, hiếu học cho các thế hệ.

                                                                                                                                                              PHẠM TƯỚC

Ý kiến bạn đọc