Khánh Hòa: Rừng phòng hộ Căm Xe bị tàn phá, chính quyền, cơ quan chức năng làm ngơ?

VH- Một diện tích rất lớn rừng phòng hộ Căm Xe (thôn Suối Búng, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã và đang bị tàn phá một cách không thương tiếc. “Lâm tặc” thì ngang nhiên phá rừng, thậm chí vô tư xẻ gỗ, vận chuyển gỗ lậu vào trong làng tiêu thụ, còn chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và đơn vị chủ rừng thì lại chẳng thấy đâu.

Khánh Hòa: Rừng phòng hộ Căm Xe bị tàn phá, chính quyền, cơ quan chức năng làm ngơ? - Anh 1

 Hàng đoàn xe chở gỗ lậu nghênh ngang tại thôn Suối Búng

Khánh Hòa: Rừng phòng hộ Căm Xe bị tàn phá, chính quyền, cơ quan chức năng làm ngơ? - Anh 2

 Gốc Căm Xe mới bị chặt có đường kính rất lớn

Từ trung tâm xã Ninh Tây (Khánh Hòa) vượt qua con đường đất đá lổn nhổn, hai đèo dốc dựng đứng và một con suối nước sâu chúng tôi đến thôn Suối Búng. Tại đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều khu rừng phòng hộ Căm Xe đã bị đốn hạ, đốt phá vô tội vạ. Khu rừng tan hoang và một số diện tích rừng đã biến thành rẫy.

Dọc con đường mòn vào thôn Suối Búng rừng bị “tàn sát” tự bao giờ. Nhiều cánh rừng nguyên sinh chỉ còn trơ sườn đất, không ít cây lớn vừa bị cưa, chặt mủ ứa ra thành cục. Vào sâu phía trong khu rừng hàng loạt cây to đường kính từ 40-60 cm bị cắt khúc xẻ gỗ hộp chở đi tiêu thụ… Nhiều vị trí tại khu rừng, những gốc cây Căm Xe bị đốt cháy nham nhở, cây lớn bị đẽo vỏ vòng tròn quanh gốc cho chết dần. Sâu hơn vào phía trong, nhiều khoảnh rừng Căm Xe bị đầu độc bằng hóa chất chết đứng hàng loạt.

Toàn bộ khu rừng Căm Xe rộng lớn thành “đại công trường”, thế nhưng chúng tôi chẳng hề thấy bóng dáng chủ rừng hay chính quyền địa phương.

Để tìm hiểu nguyên nhân rừng Căm Xe bị tàn phá, chúng tôi vào vai những người đi thu mua gỗ keo, lân la hỏi chuyện. Một người chuyên trồng rừng, bán gỗ keo tại thôn Suối Búng tiết lộ: “Rừng ở đây bị phá lâu lắm rồi, hằng ngày có khoảng 50 chiếc xe chế độ chở gỗ Căm Xe từ thôn Suối Búng ra ngoài làng tiêu thụ. Gỗ chở ra ngoài có người đặt hàng mua ngay”. Chúng tôi hỏi người dân thôn Suối Búng, “lực lựng bảo vệ rừng không bắt hay sao”? Người dân nơi đây cho rằng, “mỗi chiếc xe máy chế độ này vào rừng đều được kiểm đếm đấy. Xe máy thì chung chi 50 nghìn đồng/ngày, xe công nông cọc cạch thì 1,5 triệu/ ngày, cứ vào rừng là tính ngày lấy tiền. Nhiều đối tượng “lâm tặc” vào rừng chẳng may xe hư, cả tuần không chở được khúc gỗ nào ra ngoài thì lỗ nặng”.

Khánh Hòa: Rừng phòng hộ Căm Xe bị tàn phá, chính quyền, cơ quan chức năng làm ngơ? - Anh 3

 Rừng đã biến thành rẫy

Khánh Hòa: Rừng phòng hộ Căm Xe bị tàn phá, chính quyền, cơ quan chức năng làm ngơ? - Anh 4

 Nhà và trang trại trong rừng Căm Xe được cho là của vị Phó chủ tịch xã

Khánh Hòa: Rừng phòng hộ Căm Xe bị tàn phá, chính quyền, cơ quan chức năng làm ngơ? - Anh 5

 Rừng Căm Xe bị đốt nham nhở

Khi chúng tôi hỏi, chung chi tiền cho ai thì một người dân khác cho biết, “đây là luật ngầm”, “luật bất thành văn, có người nhận tiền và cứ chung chi là xe vào chở gỗ và được bảo kê chặt phá rừng”. “Không được bảo kê thì một con kiến cũng không lọt chứ nói chi chở gỗ ngang nhiên”? “Chuyện chung chi tiền và được vào rừng chặt cây, xẻ gỗ đem bán thì người dân ai ai chả biết nhưng không dám “hé răng”, nói ra mà bọn chúng biết được thì chỉ bỏ xứ đi chứ chẳng sống nổi ở đất này”, một người dân tại thôn Suối Búng quả quyết. “Không tin các anh cứ đợi đến 4 giờ chiều mà xem, trên đường này sẽ có 50 chiếc xe chế độ chở gỗ lậu ra ngoài, 3-4 chiếc xe công nông chế độ nữa”, một người làm gỗ keo khác thổ lộ.

Để kiểm chứng lời nói trên, từ giữa trưa, mới đây chúng tôi tìm một vị trí kín bên con đường mòn vào rừng Căm Xe, chờ lâm tặc chở gỗ ra ngoài. Đúng như lời người dân, 3 giờ 45 phút, nhiều ngả đường len lỏi trong rừng Căm Xe, tiếng xe chế độ gầm rú inh ỏi, tiếng nẹt bô náo động cả cánh rừng. Hàng loạt các xe chế độ nối đuôi nhau chở những phiến gỗ lậu nghênh ngang trên đường ra ngoài tiêu thụ. Trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ chúng tôi nhẩm đếm được có khoảng trên 20 chiếc xe chế độ chở gỗ ra ngoài trên con đường mòn thuộc thôn Suối Búng.

Đi tiếp ra phía ngoài một đoạn, chúng tôi phát hiện một ngôi nhà lớn xây dựng giữa rừng Căm Xe, kế ngôi nhà là khu trang trại nuôi dê lọt thỏm giữa khu rừng nguyên sinh này. Chúng tôi hỏi một vài người dân ở thôn Suối Búng thì được biết, khu trang trại và ngôi nhà xây dựng giữa rừng Căm Xe kia là người có chức, có quyền. Bên cạnh ngôi nhà và khu trang trại được cho là của vị Phó chủ tịch xã có rất nhiều khoảnh rừng Căm Xe hàng chục năm tuổi bị đầu độc chết đứng. Người dân còn cho biết vị Phó chủ tịch xã nói trên còn có nhiều rẫy giữa rừng Căm Xe, trồng cỏ nuôi dê.

Được biết rừng Căm Xe tại xã Ninh Tây là rừng phòng hộ đầu nguồn, khu rừng có diện tích hàng nghìn ha, do Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Ninh Hòa là đơn vị chủ rừng.

Không biết công tác quản lý rừng tại đây chặt chẽ đến đâu nhưng một thực tế rừng Căm Xe đang bị tàn phá hằng ngày. Liệu việc “chung chi” và được “bảo kê” phá rừng như người dân phản ánh có là sự thật? Tuy nhiên một sự thật chúng tôi chứng kiến là cả đoàn xe của “lâm tặc” chở gỗ lậu nghênh ngang đi qua khu rừng này mỗi ngày nhưng chẳng thấy cơ quan quản lý rừng bắt giữ. Ngôi nhà và trang trại xây dựng trong đất rừng có phải của vị Phó chủ tịch xã Ninh Tây hay không? Tại sao lại để xây dựng nhà “hiên ngang” trong rừng phòng hộ như thế?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc ở bài viết tiếp theo. 

 

 XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc