Tiếp bài Khánh Hòa: Rừng phòng hộ Căm Xe bị tàn phá, chính quyền, cơ quan chức năng làm ngơ?: ​Nhiều lần đề nghị xử lý nghiêm nhưng không ai ủng hộ

VH- Để tìm hiểu về công tác quản lý rừng phòng hộ Căm Xe, phóng viên Văn Hóa đã có buổi làm việc với ông Trần Ngọc Dục, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa. Ông Dục cho biết: “Tình trạng phá rừng vận chuyển gỗ trái phép ở thôn Suối Búng chúng tôi không biết và cũng chưa nắm được. Xã Ninh Tây có chốt kiểm lâm của Hạt nhưng vẫn chưa thấy các đồng chí ở chốt báo cáo về sự việc”.

Tiếp bài Khánh Hòa: Rừng phòng hộ Căm Xe bị tàn phá, chính quyền, cơ quan chức năng làm ngơ?: ​Nhiều lần đề nghị xử lý nghiêm nhưng không ai ủng hộ - Anh 1

Gỗ bị bắt giữ tại Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa

Cũng theo ông Dục, mới đây qua người dân và báo chí, đơn vị đã nhận được thông tin về tình hình khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn. “Chúng tôi đã lên kế hoạch để đi tuần tra, tuy nhiên thời điểm này vẫn chưa thể triển khai ngay được”, ông Dục nói.

Về vấn đề phá rừng ông Dục phỏng đoán, gỗ có thể đã được các đối tượng khai thác từ vùng rừng xã Cư San, huyện M’Drăk, tỉnh Đắk Lắk, địa phận giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa, từ Sông Búng (Ninh Tây, Ninh Hòa), để tiếp cận rừng Cư San, phải đi qua rừng Bến Lễ (Ninh Hòa), qua rừng Khánh Vĩnh. Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa đã liên hệ với Hạt Kiểm lâm huyện M’Drăk (Đắk Lắk) để có hướng phối hợp xử lý, đồng thời lên kế hoạch tuần tra truy quét liên ngành.

Được biết, vào thời điểm đầu năm 2018, khi chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Ninh Hòa và lực lượng chức năng địa phương tập trung truy quét tại “điểm nóng” khai thác gỗ trái phép tại rừng đầu nguồn EaKrongRou (Ninh Tây), giáp ranh rừng Đắk Lắk; lập chốt kiểm soát trên con đường độc đạo từ rừng xuống, tình hình khai thác gỗ trái phép tại vùng rừng này giảm hẳn và cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên các đối tượng phá rừng lén lút và liên tục chuyển hướng sang khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk, xâm nhập cả vào vùng rừng Cư San, huyện M’Drăk (Đắk Lắk). Biết tình hình như thế nhưng lực lượng kiểm lâm khá khó khăn trong việc phát hiện, bắt giữ do các đối tượng bố trí “tai mắt”, do thám, canh chừng tại các trạm kiểm lâm. Trong khi đó lực lượng rất mỏng, Trạm Kiểm lâm Ninh Xuân (Ninh Hòa) phụ trách khu vực rừng tại 8 xã phía Tây Ninh Hòa, trên địa bàn rộng hàng chục ngàn ha rừng nhưng chỉ có 3 người.

Tiếp bài Khánh Hòa: Rừng phòng hộ Căm Xe bị tàn phá, chính quyền, cơ quan chức năng làm ngơ?: ​Nhiều lần đề nghị xử lý nghiêm nhưng không ai ủng hộ - Anh 2

Gỗ lậu hàng trăm khối bị thu giữ

 Người ta dùng đủ kiểu: “ken”, bóc vỏ, đổ muối vào gốc cây,... để phá rừng, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng. Tôi đã nhiều lần đề nghị thực thi các biện pháp mạnh, nhưng không ai ủng hộ. Thế thì làm sao giữ được rừng. Mệt mỏi lắm! Chuyển nhiều vụ việc đến Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa nhưng chẳng thấy xử lý.  (Ông Nguyễn Công Hà, Giám đốc BQLRPH Ninh Hòa) Gỗ bị bắt giữ tại Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa

Ông Nguyễn Công Hà, Giám đốc BQLRPH Ninh Hòa thì thừa nhận, rừng Căm Xe đã bị phá từ lâu, đơn vị đã chuyển nhiều vụ phá rừng đến Hạt Kiểm lâm giải quyết nhưng chưa thấy xử lý. Ông Hà cho rằng, gỗ ở khu vực rừng Ninh Tây đã hết, việc chuyển khai thác trái phép ở khu vực rừng phòng hộ Căm Xe có nhiều khả năng là do các đối tượng khai thác ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) hoặc ở vùng rừng Đắk Lắk, giáp ranh với Khánh Hòa.

Đối với việc quản lý rừng Căm Xe Ninh Tây, ông Hà cho biết BQLRPH Ninh Hòa đã rất nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, việc ngăn chặn phá rừng, khai thác gỗ trái phép tại đây khó hiệu quả và triệt để do rừng này nằm sát đường, gần khu dân cư, thậm chí rừng kề với vườn của dân, đất lại bằng phẳng. Trong rừng đan xen rất nhiều ruộng rẫy gây khó khăn cho việc quản lý, mặt khác lại tạo thuận lợi cho các đối tượng phá rừng, mở rộng rẫy.

“Người ta dùng đủ kiểu: “ken”, bóc vỏ, đổ muối vào gốc cây,... để phá rừng, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng. Tôi đã nhiều lần đề nghị thực thi các biện pháp mạnh, nhưng không ai ủng hộ. Thế thì làm sao giữ được rừng. Mệt mỏi lắm! Chuyển nhiều vụ việc đến Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa nhưng chẳng thấy xử lý”, ông Hà khẳng định.

Về căn nhà xây kiên cố và trại dê ngay giữa rừng Căm Xe, ông Hà thừa nhận BQLRPH Ninh Hòa đã cho ông Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây thuê 200 ha rừng để nuôi dê. Theo đó, ông Tịnh được làm trại nuôi dê trong rừng phòng hộ, chăn thả dê trên diện tích 200 ha rừng Căm Xe. Ngược lại ông Tịnh phải trông coi và bảo vệ rừng nói trên. Không biết, việc ký kết hợp đồng cho ông Tịnh thuê rừng phòng hộ chăn thả dê có đúng pháp luật? Và ông Tịnh thực hiện bảo vệ rừng thế nào? Tuy nhiên, chúng tôi chứng kiến bên cạnh trang trại dê của ông Tịnh nhiều diện tích rừng phòng hộ bị phá tan hoang, một khu rừng Căm Xe lớn bên trại dê chết đứng?. 

 XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc