Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Giữ nghề truyền thống trên đất Thạch Cầu

Thứ Ba 26/10/2021 | 01:51 GMT+7

VHO- Nếu ai có dịp ghé thăm vùng đất Thạch Cầu thuộc huyện Nam Trực của tỉnh Nam Định, chắc hẳn sẽ không thể quên dáng hình của các bà, các mẹ tỉ mẩn ngồi đan những chiếc nia, chiếc thúng...bên hiên nhà.Từ hàng trăm năm trước nghề mây tre đan đã hình thành rồi phát triển ở vùng đất này. Mốc thời gian cụ thể ra sao không còn ai nhớ rõ, thế nhưng nghề thủ công này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân Thạch Cầu như một phần không thể thiếu của mảnh đất và con người nơi đây.

Vì lẽ đó mà tại mảnh đất này, người ta vẫn thường truyền miệng câu nói quen thuộc, thể hiện niềm tự hào về nghề đan mây tre của người dân: “Thúng Thạch Cầu đứng đầu thiên hạ”. Những đứa trẻ Thạch Cầu từ khi lên mười đã thoăn thoắt tay đưa đan tre. Những cụ ông, cụ bà dù đã qua độ tuổi thất thập vẫn cặm cụi gắn bó với nghề. Chính điều đó đã giúp cho nghề truyền thống của Thạch Cầu gìn giữ và phát triển.

Những hình ảnh thân thuộc trên khắp các nẻo đường ngõ xóm Thạch Cầu

Ngày hôm nay, ở Thạch Cầu vẫn có tới hàng chục hộ dân vẫn còn duy trì nghề làm mây tre đan truyền thống. Nghề làm mây tre đan không sặc sỡ sắc màu như công việc ươm tơ của làng Cổ Chất gần kề bên cạnh. Sản phẩm làm ra có thể cũng chẳng tinh xảo như nghề rèn nông cụ ở Vân Chàng cách đó không xa, thế nhưng công việc này cũng hội tụ đủ những đức tính khéo léo, cần cù, dẻo dai và mạnh mẽ của con người Thạch Cầu.

Nguyên liệu làm sản phẩm là mây và tre, ngoài việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, Thạch Cầu còn nhập nguyên liệu từ các tỉnh thành lân cận

Đầu tiên là công đoạn lựa chọn nguyên liệu. Mây và tre để đan đều phải già. Dóng tre càng dài, càng thẳng thì càng tốt. Tre và mây sau khi chặt về phải ngâm dưới ao tối thiểu một tháng để chống mối mọt rồi mới mang lên pha. Người pha tre khéo thì phải tính toán, cân đối để cả cây tre không phải bỏ đoạn nào. Dóng thẳng thì làm nan chính, phần ngọn và gốc dùng để làm cạp và nan dát… Toàn bộ công đoạn pha tre, chẻ nan phải làm liên tục và nhanh bởi để lâu thì tre bị “quánh” (khô).

Thúng Thạch Cầu đứng đầu thiên hạ

Những sợi mây cũng phải lựa những đoạn già, chẻ mỏng, phơi săn, đến khi buộc lại phải ngâm nước cho mềm, lột thêm một lần nữa cho mỏng… Kỹ thuật nhất là công đoạn chẻ nan chính. Với dụng cụ là dao cán dài (khoảng 30-35cm), sống dao phải dày, lưỡi mài sắc… cầm thôi đã nặng tay mà trong tay của người Thạch Cầu, từng nan, từng nan mỏng khoảng 1-2mm cứ thế được tách ra. Hiếm có nan nào dày quá độ phải “tuốt” lại. Nan chẻ xong thì đan thành phên, chêm chặt, “cải” bốn xung quanh bằng nan dát rồi đem ra lò hun khói rạ cho lên màu “cánh gián” mới đạt tiêu chuẩn.

Ông Vũ Ngọc Lân và bà Vũ Thị Dậu đã có hơn 50 năm cùng nhau gắn bó với nghề

Dù đã bước sang tuổi 83, thế nhưng ông Vũ Ngọc Lân vẫn thoăn thoắt tay dao, tay cưa để pha tre đan nia, đan thúng. “Mua tre chọn lá chọn cành/ Làm chiếc thúng lành để dành chợ Xuân”, từ ngày còn xuân xanh ông đã làm hai câu thơ ấy để dành tặng cho người vợ của mình là bà Vũ Thị Dậu. Cho tới tận bây giờ, sau hơn 50 năm gắn bó, ông vẫn thường đọc lại những câu thơ ấy cho bà Dậu nghe, khi cả hai cùng ngồi làm việc bên hiên nhà.

Nhiều năm trở lại đây nghề làm sản phẩm thủ công từ cây bèo tây rất phát triển tại Thạch Cầu

Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ các sản phẩm mây tre đan phục vụ sản xuất nông nghiệp có phần giảm sút, thì người dân Thạch Cầu đã dần chuyển sang làm các sản phẩm trang trí nội thất từ những loại nguyên liệu thân thuộc này. Đặc biệt, trong quá trình phát triển làng nghề, sản phẩm đan lát từ thân cây bèo tây của Thạch Cầu đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Với sự kết hợp giữa màu sắc truyền thống chấm phá thêm các nét hiện đại độc đáo, mang bản sắc riêng biệt của làng nghề, sản phẩm thủ công từ thân cây bèo tây rất được ưa chuộng.  

Không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, nghề làm sản phẩm thủ công từ bèo tây còn giúp tạo thêm công ăn việc làm

Sản phẩm từ cây bèo tây cực kỳ đa dạng bao gồm: Giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, khay giấy, bình hoa, ghế salon, túi thời trang, mũ, dép… Ðể có được một sản phẩm đẹp, đạt chất lượng, người đan phải rất cẩn thận ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Những thợ nghề có kinh nghiệm thường chọn những cây bèo trưởng thành, độ dài thân đạt từ 60-90 cm, đường kính chừng 1,5cm, thân đặc, cứng, phát triển đều. Sau khi chọn được những cây bèo đạt tiêu chuẩn, người ta tiến hành cắt lá, phơi khô, xử lý nấm mốc, tẩy trắng thân bèo bằng lưu huỳnh rồi mới tiến hành đan thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Bà Vũ Thị Nhiệm "khoe" kỹ thuật làm nghề của mình

Là một trong những người đầu tiên làm các sản phẩm từ cây bèo tây tại Thạch Cầu, bà Vũ Thị Nhiệm chia sẻ: “Kỹ thuật đan bèo tây không quá phức tạp gồm 3 kiểu đan cơ bản. Kiểu thứ nhất là đan hạt gạo, hay còn gọi là đan mắt na; kiểu thứ hai là đan xương cá và kiểu thứ ba là đan rối, hay còn gọi là đan nhện”. Cũng theo bà Nhiệm, mỗi kiểu đan thích hợp với mỗi loại sản phẩm khác nhau. Ví dụ như kiểu xương cá thường được ứng dụng để đan thảm, đan kệ để báo và tạp chí, người ta chỉ sử dụng kiểu đan hạt gạo. Riêng đối với các loại sản phẩm đan khung, người ta có thể đan theo kiểu hạt gạo hay đan rối đều được.

Người dân Thạch Cầu mong muốn sản phẩm của làng nghề sẽ được nhiều người biết tới hơn nữa

Tùy nhu cầu khách hàng và sản phẩm mà các thợ nghề đan sản phẩm theo các cách đan khác nhau. Phức tạp nhất trong các sản phẩm thủ công làm từ bèo tây là đan lọ hoa, đòi hỏi thợ nghề phải đặc biệt tỉ mỉ, kỹ càng, yêu cầu kỹ thuật rất cao. Trung bình 1 ngày, một thợ đan lành nghề cũng chỉ đan được vài ba chiếc lọ kích cỡ nhỏ và vừa. Sản phẩm làm xong phải đạt độ bóng bẩy, sắc nét, tròn trịa trong từng đường nét. Do đó, giá thành của lọ hoa làm từ cây bèo tây cũng cao hơn các sản phẩm khác đem lại thu nhập bình quân từ 250.000-300.000 đồng/ngày.

Những sản phẩm từ thân cây bèo tây cực kỳ tinh tế và thân thiện với môi trường

Ở thời điểm hiện nay, việc đa dạng hoá sản phẩm và xu thế người tiêu dùng quay trở lại sử dụng những sản phẩm thủ công truyền thống là cơ hội để nghề mây tre đan truyền thống có bước phát triển mới. Để giúp các làng nghề phát triển theo hướng bền vững, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, hộ sản xuất cần tích cực, chủ động trong đổi mới thiết bị công nghệ, kết hợp yếu tố truyền thống với hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng, mẫu mã, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, cần coi trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề và ý thức cho người lao động; xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề gắn với việc duy trì, mở rộng thị trường.

VŨ MỪNG, ảnh: ĐỨC ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top