Thực hiện an toàn cho người bệnh có thể phòng tránh tử vong

VHO - Trên thế giới, mỗi phút lại có 5 bệnh nhân tử vong vì không được chăm sóc an toàn. Những mất mát này gây thiệt hại về sức khỏe, kinh tế xã hội… đây là những điều chúng ta có thể phòng tránh được.

Ngày 17.9 được lựa chọn là ngày An toàn người Bệnh thế giới. Mục tiêu Ngày An toàn người bệnh thế hiới nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng, nâng cao hiểu biết trên phạm vi toàn cầu và hướng tới sự đoàn kết hành động của các quốc gia thành viên để thúc đẩy an toàn và giảm thiểu tổn hại cho người bệnh.

Thực hiện an toàn cho người bệnh có thể phòng tránh tử vong - Anh 1

Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2023

Thông qua thông điệp “Lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh!”, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi tất cả các quốc gia cho phép người bệnh và người nhà người bệnh góp ý và chia sẻ các trải nghiệm về dịch vụ khám chữa bệnh, cả dịch vụ an toàn và chưa an toàn; cung cấp cơ sở để cải tiến chất lượng khám chữa bệnh.

Theo WHO, hiện nay, ngay tại các nước phát triển, khi tiếp nhận các dịch vụ KCB, khoảng 10% người bệnh lại bị tổn hại sức khoẻ của bản  thân do các sự cố y khoa. Trong các sự cố này có tới 50% nguyên nhân là có thể phòng tránh được như: phơi nhiễm với tia phóng xạ, nhiễm khuẩn bệnh viện, chẩn đoán chậm và không chính xác,… Chi phí để điều trị hậu quả do các sự cố y khoa gây ra chiếm hơn 14% chi phí chung tại bệnh viện.

Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày An toàn người bệnh thế giới, ông Nguyễn Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Nhận biết được vai trò trung tâm của người bệnh, người nhà người bệnh và những người chăm sóc người bệnh trong việc bảo đảm an toàn khám chữa bệnh, “Người bệnh tham gia để bảo đảm khám chữa bệnh an toàn” được chọn thành chủ để của ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2023. Khi người bệnh được tham gia, hiểu biết về quá trình sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, người bệnh sẽ cảm thấy an tâm và hoạt động khám chữa bệnh cũng vì thế được an toàn hơn.

“WHO kêu gọi các quốc  gia thành viên “xây dựng các hệ thống để hỗ trợ việc tham gia tích cực và trao quyền cho người bệnh, gia đình người bệnh và cộng đồng trong việc cung cấp dịch vụ y tế an toàn hơn”, sự tham gia của người bệnh và gia đình họ được đưa vào  một trong 7 mục tiêu của Kế hoạch hành động toàn cầu về An toàn người bệnh giai đoạn 2021-2030 và trọng tâm của ngày An toàn người bệnh thế giới năm nay”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, nhằm bảo đảm an toàn người bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hình thức “Lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh!” từ nhiều năm trước đây. Khi ban hành Quy chế bệnh viện năm 1997, Bộ Y tế đã xây dựng các kênh thu thập ý kiến người bệnh như đường dây nóng bệnh viện, hộp thư góp ý, hội đồng người bệnh... Những năm gần đây, Bộ Y tế đã thể chế hóa, ban hành nhiều văn bản quy phạm  pháp luật hướng dẫn và quy định các bệnh viện cần nghiêm túc triển khai như Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Bộ Tiêu chí chất lượng BV…

“Để nâng cao hơn vấn đề an toàn cho người bệnh, chúng ta cần tập trung các nguồn lực để quan tâm chỉ đạo các bệnh viện, xây dựng mạng lưới quản lý chất lượng, an toàn người bệnh; đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn và tư vấn giải quyết khói khăn trong quá trình thực hiện. Song song với đó là khâu kiểm tra, giám sát cần được tăng cường đi cùng với cơ chế thi đua khen thưởng để đạt hiệu quả cao trong việc đảm bảo an toàn, lấy người bệnh làm trung tâm”, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh nói.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc