Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Điện ảnh không phải là kẻ “bưng bê” cho cơ chế thị trường

Thứ Sáu 23/08/2019 | 15:11 GMT+7

VHO- Sáng 23.8 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị- Hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị 

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là văn bản pháp lý quan trọng, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến tổ chức và hoạt động điện ảnh, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh. Đây là hành lang pháp lý quan trọng cho các chủ thể, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tạo cơ sở để phát triển Điện ảnh Việt Nam.

Qua 12 năm thi hành Luật, Điện ảnh Việt Nam đã thu hút, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức , cá nhân vào các lĩnh vực của hoạt động điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh; chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại… Các quy định về việc thành lập các cơ sở sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim; việc tổ chức, tham gia LHP, hội chợ phim… đã đưa điện ảnh Việt Nam vươn xa, hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế. “Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp, qua đó hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh phát huy được vai trò và ý nghĩa chiến lược của mình…”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều nhà sản xuất, phát hành và phổ biến phim

Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà nêu, doanh thu điện ảnh những năm gần đây tăng trung bình từ 25-30%/năm. Năm 2000, doanh thu ngành Điện ảnh Việt Nam khoảng 2 triệu USD. Đến 2015, con số này tăng lên hơn 100 triệu USD và năm 2018, doanh thu đạt gần 150 triệu USD. Số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt đa số  được sản xuất bằng nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn Nhà nước còn hạn chế.Bên cạnh đó, Luật Điện ảnh cũng đang bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với thực tế. Chỉ riêng vấn đề khai thác, phổ biến phim trên môi trường Internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh...

Đi kèm là vấn đề vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh… với nhiều diễn biến tiêu cực, phức tạp mà Luật chưa quy định, chưa có chế tài xử lý. Cũng theo bà Hà, các chính sách quản lý hiện nay đang hạn chế việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh. Các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất, đồng bộ với nhiều quy định khác, phát sinh giấy phép chồng chéo, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, cho các nhà sản xuất. Trong khi đó, xu thế hợp tác làm phim đa quốc gia ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích, không chỉ riêng việc quảng bá du lịch, quảng bá hình ảnh quốc gia.

Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà

Cục Điện ảnh cho biết, theo Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ VHTTDL xây dựng 5 chính sách, bao gồm: Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; Đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, theo đó mở rộng nhóm đề tài và thay đổi phương thức của Nhà nước đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước không qua đấu thầu; Quản lý phát hành và phổ biến phim; Hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động xúc tiến phát triển và quảng bá điện ảnh; Lưu chiểu, lưu trữ phim.

Dự thảo Đề cương Luật Điện ảnh (sửa đổi) dự kiến gồm 8 chương, 48 Điều, gồm những quy định về sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim, lưu chiểu phim, lưu trữ phim, quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; quản lý Nhà nước về điện ảnh...

NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh, một nền điện ảnh càng mang đậm truyền thống, bản sắc dân tộc bao nhiêu càng đóng góp cho sự hình thành hệ giá trị mới của dân tộc, cho việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hội Điện ảnh lưu ý về thực trạng lan tràn của phim ngoại nhập, tạo sự xâm nhập khó kiểm soát của văn hóa ngoại lai, dẫn đến nguy cơ làm phai mờ những giá trị văn hóa truyền thống. “Nhiễm độc thực phẩm thì chỉ mất thời gian khắc phục 5-7 ngày, nhưng nhiễm độc văn hóa thì khó khắc phục vô cùng. Trọng trách của Luật Điện ảnh sửa đổi phải “gánh vác” vấn đề này…”, theo ông Đặng Xuân Hải.

Cũng theo Chủ tịch Hội, dù hoạt động trong cơ chế thị trường nhưng điện ảnh Việt Nam phải được cảnh tỉnh, bởi điện ảnh không phải là kẻ bưng bê cho cơ chế thị trường. Điện ảnh có chức năng riêng về giáo dục, thẩm mỹ, giải trí…, không nên chỉ chạy theo cơ chế thị trường. Hiện lượng phim nhập ngoại của Việt Nam khoảng 250 phim trở lên, nhiều nhất là ở các Cty liên doanh nước ngoài. Những công ty này cũng chiếm lĩnh lượng rạp khá lớn, họ tích cực xây dựng các rạp chiếu, đầu ra cho phim ngoại. Khi “đầu vào” với tỉ lệ nhập phim ngoại đã không khống chế, “đầu ra” lại có một hệ thống rạp như vậy, sự tràn lan phim ngoại trên thị trường cũng là điều dễ hiểu.

“Sứ mệnh của Luật Điện ảnh (sửa đổi) là phải điều chỉnh vấn đề này. Cụ thể, cần đưa thêm vào Luật Điện ảnh (sửa đổi) một số quy định có tính rào cản kỹ thuật. Ví như hạn chế đầu tư phát triển các cụm rạp chiếu phim ở thành phố nhưng ưu tiên xây dựng rạp chiếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng thuế nhập khẩu phim ngoại; có quy định ràng buộc các công ty nước ngoài phải đầu tư sản xuất phim tại Việt Nam (hoặc phát hành phim Việt Nam) về đề tài, vấn đề của Việt Nam căn cứ trên tỉ lệ họ nhập phim ngoại. Cùng với đó, các phòng chiếu cũng phải quy định chiếu phim Việt Nam theo quy định trong chiến lược phát triển điện ảnh...”, ông Đặng Xuân Hải phát biểu.

Nhiều ý kiến thiết thực đã được các chuyên gia điện ảnh phát biểu tại hội nghị

Ý kiến tại Hội nghị cũng cho rằng, phim Việt Nam đang ngày càng trở nên lép vế khi nhiều cụm rạp bố trí giờ chiếu cho phim nội chỉ vào các ngày trong tuần. “Đau khổ” hơn là vào các khung giờ “hiểm”: 9h sáng, 12h trưa. Không có khách, phim đưa vào rạp rồi lại bị đưa ra. Vì thế, các nhà điện ảnh Việt nhấn mạnh, Luật cần có quy định rào cản chặt chẽ hơn, khống chế ngày giờ vàng và tỉ lệ chiếu phim Việt.

Cụ thể, tăng dần tỉ lệ phim Việt chiếu rạp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến 2020, tầm nhìn 2030: đến 2020 phải đạt ít nhất 35% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại Rạp và năm 2030 ít nhất là 45%. Theo nhiều chuyên gia, trong kế hoạch đặt hàng sản xuất phim, Nhà nước nên bố trí tỉ lệ kinh phí nhất định cho hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm (đặc biệt phim truyện) để góp phần nhanh chóng đưa những bộ phim đáp ứng định hướng công tác văn hóa, tư tưởng đến với công chúng, khán giả.

 Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho hay, Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội nghị- Hội thảo để hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Chính phủ trong năm nay.

HOÀNG NGÂN, ảnh: THANH TÙNG

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top