Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhiều cơ sở đào tạo văn hóa- nghệ thuật: Đồng loạt lên tiếng “KÊU CỨU”

Thứ Hai 14/10/2019 | 11:05 GMT+7

VHO-  Hàng loạt khó khăn, bất cập đã được nhiều lãnh đạo trường văn hóa, nghệ thuật (VHNT) ở các tỉnh, thành phố nêu ra tại buổi tọa đàm khoa học “Giải pháp phát triển các trường VHNT”, vừa diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM.

 Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ và đưa ra nhiều giải pháp trong việc phát triển các trường VHNT địa phương

Hoạt động này nằm trong chương trình giao lưu các trường VHNT toàn quốc lần thứ 11. 2019 do Trường CĐ VHNT TP.HCM tổ chức với sự tham dự của 16 cơ sở đào tạo VHNT cả nước. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và phát biểu tại Tọa đàm.

Sáp nhập thời điểm này là thiếu tính khả thi

Có thể nói rằng, chưa bao giờ cơ sở đào tạo VHNT ở các địa phương lại rơi vào cảnh “khốn đốn” như hiện nay. Qua những trăn trở của các trường đã cho thấy, không chỉ trong vấn đề tuyển sinh, đào tạo đang gặp khó khăn mà xu hướng sáp nhập, tự chủ, đội ngũ giáo viên… cũng đang khiến nhiều trường phải đau đầu và dường như không còn lối ra. Với thực trạng này, việc tìm giải pháp cho công tác bảo tồn và phát huy các ngành nghệ thuật truyền thống gặp phải không ít thách thức.

Theo lãnh đạo các trường, trong lộ trình sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đã phát sinh một số vướng mắc, đặc biệt là đơn vị đào tạo ngành nghề đặc thù như VHNT ở bậc trung cấp, cao đẳng các tỉnh, thành phố. TS Trần Hải Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ VHNT và Du lịch Nam Định nói rằng, những năm trở lại đây tình hình tuyển sinh và đào tạo của các trường VHNT gặp muôn vàn khó khăn. Thông qua khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy có hai xu hướng: Sáp nhập, hợp nhất các trường trung cấp, cao đẳng trong toàn tỉnh thành một trường cao đẳng cộng đồng và xu hướng sáp nhập, hợp nhất các trường VHNT với CĐ sư phạm.

Theo thống kê, hiện nay có 5 tỉnh đã có kế hoạch sáp nhập, hợp nhất là Vĩnh Long, Sóc Trăng, Thái Bình, Nam Định và Hưng Yên. “Với xu hướng hợp nhất hai trường cao đẳng sư phạm và VHNT trong thời điểm hiện tại là thiếu tính khả thi. Mặt khác điều này cũng không đáp ứng được mục đích “tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động” theo tinh thần của Nghị quyết 19 bởi mục đích đào tạo, ngành nghề và phương thức đào tạo của 2 đơn vị không có sự tương đồng, nên có thể nói việc sáp nhập, hợp nhất này chỉ là giải pháp tình thế mang tính cơ học”, TS Trần Hải Minh phân tích.

Không chấp nhận buông bỏ

Đồng tình quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường trung cấp VHNT Thừa Thiên Huế Dương Hồng Lam cho rằng, việc sáp nhập hay giải thể các cơ sở đào tạo VHNT là đồng nghĩa với xóa bỏ thương hiệu của các trường đã được xây dựng hằng chục năm nay. Đặc biệt, điều đó đã làm gián đoạn hoặc triệt tiêu các loại hình nghệ thuật vì thiếu lực lượng kế cận, thay thế, bổ sung cho các đơn vị nghệ thuật, các câu lạc bộ và cán bộ hoạt động phong trào ở các địa phương, tác động tiêu cực đến sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là các bộ môn nghệ thuật dân gian, truyền thống, nảy sinh nguy cơ làm mất đi vị thế vốn có của những vùng đất văn hóa...

Theo lãnh đạo nhiều trường VHNT, trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay việc tìm các giải pháp bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều thách thức. Trong ảnh: Sinh viên trường VHNT Cần Thơ tại hội diễn văn nghệ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc, tháng 10.2019 Ảnh: THÙY TRANG

Ông Lam cũng cho biết, mặc dù công tác đào tạo VHNT đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên không vì thế mà chấp nhận buông bỏ, lùi bước. Vai trò của các trường đào tạo VHNT cần phải được định vị và xác lập vị trí trong hệ thống đào tạo và dạy nghề quốc gia. Ông HồViệt Anh, Hiệu trưởng Trường CĐ VHNT Nguyễn Du (Hà Tĩnh) bày tỏ tâm tư sau khi sáp nhập, nhiều trường không còn bóng dáng đào tạo VHNT nữa. “Trong 5 năm vừa qua trường chúng tôi “mất” đi 10 giáo viên kỳ cựu trên tất cả lĩnh vực đào tạo VHNT do tỉnh điều đi, phân công nhiệm vụ ở các cơ quan khác. Thực ra, đi đâu cũng là nhân lực chung của tỉnh nhưng có điều đáng buồn là nó đang báo hiệu sự “đứt gãy” cán bộ có chuyên môn ở các địa phương, trong khi lực lượng kế cận không được đào tạo, làm cho đội ngũ ngày càng mỏng đi. Tôi cho rằng nên tạm dừng việc sáp nhập các trường VHNT vào khối các trường khác, kể cả nhập vào trường ĐH, bởi nếu nhập vào như vậy, có khả năng sẽ mất luôn”, ông HồViệt Anh đau xót nói.

TS Trần Hải Minh đề nghị giữ nguyên mô hình đào tạo mang tính đặc thù của các trường VHNT, sáp nhập thêm một số trường trung cấp có chức năng đào tạo ngành nghề tương đồng, bổ sung thêm các ngành đào tạo của một số trường khác có tính trùng lắp, gần ngành để phát triển thành cơ sở đào tạo VHNT trung tâm của tỉnh, vùng.

Các trường là một mặt trận rất quan trọng

Cùng với những lo lắng trên, nhiều trường cũng nêu băn khoăn khi sắp tới đây thực hiện chủ trương tự chủ. “Việc tự chủ sẽ rất khó cho các trường địa phương. Hiện nay ở trường tôi rất vất vả, để nuôi được nghề thì các thầy phải đi làm đủ thứ nghề, bắt đầu từ bán cơm bán phở của ngành du lịch, nhưng không biết kéo dài được bao nhiêu lâu”, ông HồViệt Anh than. ThS.NSƯT Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội tâm sự: “Mong rằng trước khi sáp nhập thì các cơ quan chức năng cần có đánh giá tác động hoặc đến các trường khảo sát để nghe tâm tư thầy cô giáo, điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Mong Bộ VHTTDL nói giúp cho ngành, có tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ ngành, bởi vì ý kiến của Bộ là hết sức quan trọng”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) Nguyễn Hồng Minh cho biết, Tổng cục đang xây dựng một số trường chất lượng cao, trường đặc thù để có định hướng bố trí lại mạng lưới các trường cho phù hợp. Tuy nhiên bên cạnh đó, các trường cần nắm kỹ Nghị quyết của Trung ương, từ đó có giải pháp, có tiếng nói đối với tỉnh để có lộ trình sáp nhập cho phù hợp.

Lãnh đạo các trường cho biết đang gặp khó khăn trong tuyển sinh cũng như nhiều vấn đề khác

Về vấn đề tự chủ, ông Minh cho hay quan điểm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp không phải là cắt tất cả các nguồn kinh phí mà vẫn duy trì và tăng hằng năm. Tuy nhiên, không cấp phát theo đầu vào, theo biên chế mà chuyển theo cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ. “Bên cạnh đó, chủ trương của Nhà nước là duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, có thể là phải đặt hàng và giao nhiệm vụ đề án việc làm trong lĩnh vực này. Chúng tôi đang xây dựng danh mục ngành nghề đào tạo, trong đó có những ngành nghề trọng điểm của nền kinh tế như du lịch, ngành nghề đặc thù như VHNT, thể thao”, ông Minh nói.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL chia sẻ trước những khó khăn mà các trường đang vấp phải hiện nay. “Cần phải nói rằng, các trường VHNT là một mặt trận rất quan trọng, đấy là việc chúng ta đang giữ gìn truyền thống VHNT của từng địa phương. Không phải ngẫu nhiên mà trước đây chúng ta có được hệ thống các trường, ngoài việc bảo tồn bản sắc dân tộc thì đó còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và Trung ương”, Thứ trưởng nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng lưu ý: “Từ trước đến nay, chúng ta lấy giáo trình, chương trình của các trường Trung ương đưa xuống để giảng dạy tại trường địa phương. Điều này trong một thời điểm nào đó thì có thể đúng, tuy nhiên xã hội ngày một phát triển, các chuyển dịch lao động về tính chất cũng như về cung cầu mỗi nơi khác nhau, vì vậy các trường cần nghiên cứu điều chỉnh lại. Các trường cần lưu ý thêm, có thể không tuyển sinh được là do chương trình học khó quá, hoặc là việc đào tạo chúng ta không thuyết phục xã hội. Do vậy các trường cần điều chỉnh giáo trình, chương trình đào tạo, xây dựng các ngành nghề sát với thực tế, nâng cao trình độ đội ngũ…”. Thứ trưởng cho biết Bộ sẽ hỗ trợ các trường trong việc mời chuyên gia cũng như phối hợp tập huấn, bồi dưỡng giảng viên… 

 Cần phải nói rằng, các trường VHNT là một mặt trận rất quan trọng, đấy là việc chúng ta đang giữ gìn truyền thống VHNT của từng địa phương. Không phải ngẫu nhiên mà trước đây chúng ta có được hệ thống các trường, ngoài việc bảo tồn bản sắc dân tộc thì đó còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và Trung ương.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

 

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top