Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sân khấu Thủ đô: Đang lảng tránh hiện thực đương thời

Thứ Hai 02/11/2020 | 10:01 GMT+7

VHO- Thiếu những tác phẩm sân khấu về đề tài đương đại, vắng bóng một Hà Nội năng động đang thay da đổi thịt từng ngày, dường như sân khấu Thủ đô đã thực sự “tụt hậu” khi cứ mãi gặm nhấm các kịch bản theo xu hướng hoài cổ. Đó là nhận định chung của rất nhiều tham luận tại Hội thảo “Sân khấu Hà Nội với cuộc sống hôm nay” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức.

 Toàn cảnh hội thảo

 Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến xoay quanh việc thiếu và yếu tác phẩm chất lượng phản ánh về các vấn đề hiện thực nóng hổi. Có thể nói, đây là bài toán khó chưa có lời giải đã được đưa ra ở nhiều hội thảo của Hội Sân khấu Hà Nội nói riêng và ngành sân khấu nói chung.

Chuyện muôn thủa “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi...”

Ngay trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội đã đặt câu hỏi: “Sân khấu Hà Nội đang còn lảng tránh hiện thực đương thời, còn chưa nhập cuộc với cuộc sống đổi mới ở Thủ đô như Bác đã dạy? Trả lời câu hỏi này thuộc về các nhà lý luận, các nhà biên kịch, đạo diễn và các nghệ sĩ cùng các nhà quản lý có mặt trong Hội thảo...”. Câu hỏi đặt ngược lại với Ban tổ chức Hội thảo đó là, liệu những gương mặt đại biểu, kể cả những người tham luận thực sự có quyền để trả lời và tháo gỡ những khúc mắc của sân khấu Thủ đô hay không? Bởi lẽ, cũng như các cuộc hội thảo trước đây, những chủ thể quan trọng được đề cập tại hội thảo đó là các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật sân khấu của Thủ đô và nằm trong địa bàn của Thủ đô thì lại vắng mặt.

NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi đều có gửi giấy mời, thậm chí gọi điện thoại thì đều nhận được câu trả lời của lãnh đạo các nhà hát là rất bận nên không thể tới được!”. Vậy tổ chức hội thảo bàn về sân khấu Thủ đô mà chính các nhà hát của Thủ đô lại không quan tâm, không cần lắng nghe thì liệu những khúc mắc, khó khăn trong nội tại sân khấu Thủ đô có được giải quyết hay không?

 “Thay đổi tư duy làm nghệ thuật để sân khấu không bị tụt hậu” (vở diễn của Nhà hát Cải lương HN tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020, ảnh minh họa)

Cần thay đổi tư duy làm sân khấu

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, tác giả Nguyễn Hiếu, tác giả Lê Quý Hiền và nhiều tham luận đã đề cập tới sự thiếu vắng các vở diễn hay về đề tài Hà Nội hôm nay. Điều này thể hiện rất rõ tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020 vừa diễn ra vào tháng 10.2020. Kịch mục của Liên hoan hầu như không có tác phẩm được dàn dựng từ kịch bản mới, đa số đều khai thác kịch bản của các tác giả đã viết từ 30-40 năm trước nên không phản ánh được thực tế cuộc sống Thủ đô hôm nay. Đơn cử là Nhà hát Kịch Hà Nội đã từng rất oanh liệt với các vở diễn hay chính kịch và thời sự thì nay lại “ẩn mình” vào một đề tài dân gian về câu chuyện Trương Chi – Mỵ Nương xưa cũ, chưa kể tới là dàn diễn viên giỏi, gạo cội cũng không thể khắc phục được cái yếu từ góc độ kịch bản. Những ai đã từng yêu thương hiệu Kịch Hà Nội hẳn sẽ không khỏi tiếc nuối khi nhớ về một thời với những Tôi và chúng ta, Thầy khóa làng tôi, Cát bụi, Hà My của tôi, Điện thoại di động...

Theo NSND Thanh Trầm, ngay cả kịch bản mới cũng bị sa vào sự vụn vặt, kể lể những éo le, trắc trở, những màn “ngôn tình” mùi mẫn một cách sống sượng. Quanh đi quẩn lại vẫn một số mô-tip quen thuộc thì làm sao khán giả không chán? Xem xong là hết, không còn những dư âm, rung động, những trăn trở, day dứt khi được tiếp nhận một tác phẩm sân khấu đề cập tới các vấn đề lớn lao của thời cuộc, của con người và cuộc sống hôm nay...

Vấn đề đặt ra là Hội Sân khấu Hà Nội cần xem lại tầm ảnh hưởng và uy tín đối với các nhà hát của Hà Nội; vì sao lãnh đạo các nhà hát lại có thể thờ ơ và thẳng thừng từ chối không tham gia khi biết rằng Hội thảo đang bàn về chính vai trò và nhiệm vụ của mình? Nếu tổ chức hội thảo mà chỉ có một bộ phận nghệ sĩ nói cho nhau nghe thì nên chăng Hội cần tính tới việc tổ chức các hoạt động hiệu quả hơn thay vì hội thảo? Để giải quyết vấn đề Hà Nội thiếu vắng những vở diễn hay về cuộc sống, con người Thủ đô cũng như những vấn đề thời sự mà xã hội quan tâm, các cơ quan có trách nhiệm như Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội cần phải có chiến lược dài hơi như đặt hàng những tác phẩm có chất lượng, tổ chức trại sáng tác, các cuộc thi kịch bản chú trọng tới đề tài Hà Nội... Có như vậy mới tạo được động lực và khuyến khích những người sáng tạo nghệ thuật tâm huyết với mảng này.

Thực lực về con người của sân khấu Thủ đô là có, nhưng vấn đề lớn nhất đó chính là bản thân các nhà hát và cá nhân từng thành phần sáng tạo nghệ thuật phải có sự thay đổi tư duy làm nghệ thuật. Quan trọng hơn, những lãnh đạo nhà hát, của Hội Sân khấu Hà Nội, của Sở VH&TT Hà Nội cần phải lắng nghe những phản hồi từ đồng nghiệp, từ khán giả để kéo sân khấu Thủ đô ra khỏi “hố tụt hậu” và theo kịp cuộc sống đang phát triển như vũ bão ngoài kia. 

 THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top