Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tâm tư của thầy cô giáo người dân tộc thiểu số đang giảng dạy ở vùng sâu vùng xa

Thứ Ba 17/11/2020 | 20:18 GMT+7

VHO- 63 thầy, cô giáo tiêu biểu, thuộc 26 dân tộc thiểu số trên cả nước vừa có mặt tại Hà Nội tđể tham dự chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2020. Các thầy cô là những tấm gương tiêu biểu cho các giáo viên người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn..., có thành tích trong công tác được chính quyền, phụ huynh học sinh và nhân dân ghi nhận. 

Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn đại biểu giáo viên dân tộc thiểu số đã vinh dự được gặp mặt Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, được trao đổi, chia sẻ trực tiếp với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, UB Dân tộc. Phó Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành đã lắng nghe chia sẻ, ghi nhận những vất vả, hy sinh của các thầy, cô giáo tiêu biểu, luôn nỗ lực vì sự nghiệp "trồng người". 

Tại cuộc gặp mặt với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chia sẻ về những khó khăn trong quá trình công tác tại huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), cô giáo Vàng Ha De (SN 1990, người dân tộc La Hủ), cho biết: do nhận thức còn hạn chế, nên nhiều phụ huynh ở địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em. Những năm trước đây, ngày nào các thầy cô giáo cũng phải đến các bản, vận động từng học sinh tới trường. "Lớp học của cô trò chúng tôi dựng bằng ván gỗ, điều kiện vật chất thiếu thốn đủ đường, nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn cố gắng vừa công tác tốt, vừa thay phụ huynh chăm lo cho học sinh từ việc giặt giũ đến vệ sinh cá nhân. Nhiều lúc, tôi chỉ thầm ước điểm trường được xây dựng kiên cố hơn, có nhà vệ sinh để cô trò bớt khó khăn", cô giáo Vàng Ha De xúc động nói. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh cùng các giáo viên dân tộc thiểu số dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020

Cô Phùng Thị Thủy (SN 1992, người dân tộc Thái) bộc bạch: Tôi công tác tại tại Điểm trường Mầm non xã Pa Thơm, là điểm trường xa nhất tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Điểm trường chưa có sóng điện thoại, chưa có điện, cho nên thường chỉ vào dịp cuối tuần, tôi mới được liên lạc về gia đình một lần. "Trước đây, Điểm trường của chúng tôi được phụ huynh học sinh góp sức trát bùn làm vách đất, mái cũng chỉ lợp lá, ngày mưa giáo viên muốn tới trường phải đi bộ hơn bốn giờ. Đến nay, dù cơ sở vật chất đã cơ bản được cải thiện, nhưng Điểm trường vẫn chưa có điện. Trời lạnh đến mấy, cô trò cũng đều dựa vào nguồn điện năng lượng mặt trời ít ỏi để sinh hoạt mỗi ngày", cô Thủy cho hay. 

Ý kiến chuyên sâu về lĩnh vực chuyên môn trong cuộc gặp với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên Trường Tiểu học và THCS EaTrol (Sông Hinh, Phú Yên) bày tỏ, hiện nay học sinh ít biết về truyền thống văn hóa của dân tộc. Tại Sông Hinh, người Êđê, Ba na có một kho tàng văn hóa hết sức đồ sộ, quý giá, như văn hóa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống… nhưng học sinh người Êđê, Ba na rất ít biết đánh cồng chiêng; ít biết hát dân ca, hoặc sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. "Các em gần như không biết các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát, làm rượu cần... Như vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số sau này sẽ gặp khó khăn. Do đó, cần có một đề án hoặc kế hoạch cụ thể để đưa những nội dung trên vào chương trình học ngoại khóa của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, định kỳ tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc trong đoàn viên thanh niên để giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.” – cô Lê Thị Thu Trang chia sẻ.

Ngoài ra, các thầy cô cho biết, một khó khăn nữa là trẻ dân tộc thiểu số có vốn tiếng Việt còn hạn chế nên chưa mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp; chưa tham gia sôi nổi các hoạt động, cũng như mức độ tiếp thu còn chưa cao. Dù trẻ được hưởng chế độ dinh dưỡng tốt ở trường, nhưng thể trạng các em còn nhỏ bé bởi đa số cha mẹ trẻ làm nương rẫy, điều kiện khó khăn, chưa thường xuyên tổ chức được bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ tại nhà, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, khó khăn trong việc nâng cao thể trạng cho trẻ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh tặng bằng khen cho các thầy cô

Phát biểu ý kiến với các thầy cô, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương, đánh giá cao tinh thần tận tụy, cống hiến của 63 giáo viên tiêu biểu dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 và mong muốn các thầy, cô giáo tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, luôn là tấm gương sáng trong ngành giáo dục, kiên trì trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số đưa con em tới trường, duy trì việc học tập. Ghi nhận những chia sẻ về khó khăn, vất vả trong điều kiện công tác, đời sống sinh hoạt và sự nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quá trình công tác của các thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa nói chung và thầy, cô tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 nói riêng. Qua những tâm tư, nguyện vọng của các thầy, cô giáo, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ vận động các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tinh thần của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trong các vấn đề cụ thể như cơ sở vật chất của trường, lớp; điện, nước, sóng điện thoại; bữa ăn đủ dinh dưỡng; nhà vệ sinh; giáo cụ, đồ dùng học tập, nhất là giáo cụ dạy tiếng dân tộc. "Tôi mong muốn 63 thầy, cô giáo được tuyên dương dịp này trở thành những vị đại sứ đầu tiên của chương trình vận động, nêu lên các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học cụ thể, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn", Phó Thủ tướng nói. 

Đại diện Bộ GD &ĐT đã giải đáp những vấn đề còn vướng mắc của các thầy cô. Ghi nhận nỗ lực, cố gắng, đồng thời chia sẻ với các khó khăn của các thầy cô, Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong các thầy cô tiếp tục nỗ lực cố gắng, chủ động và bản lĩnh để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục tại vùng khó, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nhân dịp này, Thứ trưởng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 63 thầy cô giáo tiêu biểu người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức với nhều hoạt động có ý nghĩa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Từ hồ sơ của các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cơ quan giới thiệu, chương trình đã lựa chọn được 63 thầy, cô giáo tiêu biểu, thuộc 26 dân tộc thiểu số. Trong đó, người cao tuổi nhất là thầy giáo Thạch Bình Thanh, SN 1969, dân tộc Khmer, công tác tại Trường Tiểu học Thạch Thía (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long); trẻ tuổi nhất là cô giáo Pi Năng Thị Hải, SN 1996, dân tộc Raglai, công tác tại Trường Mầm non Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Sau năm năm triển khai, chương trình đã vinh danh 214 giáo viên tiêu biểu trên các mặt công tác như: "bám bản" ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo xa xôi; các thầy giáo là cán bộ, chiến sĩ biên phòng; các nhà giáo dạy học sinh khuyết tật; thầy, cô giáo dạy học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. 

 

THẢO LAM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top