Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bạo lực học đường: Chưa giải quyết được tận gốc vấn đề

Thứ Tư 02/12/2020 | 10:22 GMT+7

VHO- Có thể nói, bạo lực học đường hiện đang có xu hướng gia tăng và trở thành vấn nạn khiến gia đình, nhà trường và xã hội lo lắng, bất an. Trường THPT Mỹ Đức C (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vừa xảy ra vụ việc gần chục học sinh đuổi đánh, vác dao truy sát nhau như... phim ngay giữa sân trường, khiến một em bị thương phải nhập viện...

 Học sinh trường THPT Mỹ Đức C đánh nhau phải nhập viện cấp cứu

 Mới chưa hết học kỳ I, dư luận đã ám ảnh trước những vụ bạo lực học đường dẫn đến thương vong và ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.

Vác hung khí để truy sát…

Trao đổi với Văn Hóa chiều qua 1.12, ông Trần Xuân Thuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đức C xác nhận có vụ học sinh vác dao đuổi đánh nhau khiến một em bị thương phải nhập viện. Điều đáng nói là vụ việc xảy ra ngay trong thời điểm nhà trường mời một số học sinh và phụ huynh đến trường làm việc về vụ xô xát xảy ra hôm trước. Rất may, bảo vệ của trường đã tước được hung khí và khẩn trương đưa học sinh bị thương vào bệnh viện cấp cứu. Lãnh đạo trường cho biết, học sinh bị thương chính là học sinh cầm dao đuổi đánh bạn. Hiện nhà trường đã chuyển tang vật và báo cáo sự việc với cơ quan công an để phối hợp giải quyết. “Chúng tôi đang chờ kết luận điều tra của cơ quan. Sau khi có kết luận, nhà trường sẽ họp Hội đồng kỉ luật để đưa ra các biện pháp giáo dục phù hợp với từng em”, ông Thuấn nói.

Trước đó, vào đầu tháng 10, tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hải Hậu, Nam Định, một nữ sinh bị hai bạn học đánh đập, nhục mạ trước sự chứng kiến của cả lớp mà không dám kháng cự, chỉ ôm mặt cam chịu. Còn tại Trường THCS Hải Tây cũng thuộc huyện Hải Hậu, chỉ vì va chạm nhẹ ở cầu thang, học sinh T đã lao vào hành hung học sinh Đ túi bụi, kèm theo những câu chửi rất tục tĩu trước sự chứng kiến của nhiều học sinh trong trường.

Cũng trong tháng 10 và 11, liên tiếp xảy ra hai vụ học sinh đánh chửi, mạt sát nhau nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Còn trước đó, cuối tháng 9, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh một nhóm nữ sinh mặc đồng phục túm tóc, đánh nhau dữ dội trước cổng trường. Qua xác minh, sự việc trên được ghi lại tại khu vực cổng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội)... Điều đáng nói là ảnh hưởng của các vụ bạo lực không dừng ở phạm vi hẹp mà đã nhanh chóng lan rộng do chính các em học sinh tự quay clip và phát tán lên Internet. Nguy hiểm ở chỗ đã có một bộ phận người trẻ rất hào hứng và cổ súy các hành vi bạo lực tàn bạo, phản cảm này.

 Các nữ sinh THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội) đánh nhau dữ dội ngay trước cổng trường

Cần giải quyết tận gốc vấn đề

Đi tìm nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng đáng báo động về bạo lực học đường, nhiều chuyên gia tâm lý và giáo dục chỉ rõ, ngoài các yếu tố khách quan thì yếu tố chủ quan vẫn là một trong những nguyên nhân quan trọng. Trao đổi với Văn Hóa chiều qua 1.12, bà Bùi Thị Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, giáo viên Trường THPT Thạch Thành 4 (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) cho rằng, áp lực của chương trình học nặng cũng có thể phát sinh bạo lực học đường, khi học sinh phải tập trung quá nhiều vào học tập và không có thời gian dành cho việc vui chơi, trải nghiệm, nâng cao kỹ năng sống. Kinh phí dành cho các chương trình trải nghiệm, ngoại khóa để nâng cao kỹ năng sống cho học sinh trong các trường rất hạn hẹp hoặc hầu như không có. Thực trạng đó dẫn đến việc học sinh bị stress kéo dài, gây ra những bất ổn về tâm, sinh lý...

Một cán bộ quản lý giáo dục chỉ rõ, để nâng cao môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường, Bộ GD&ĐT mới chỉ dừng lại ở giải pháp ban hành các văn bản mà chưa giải quyết được tận gốc vấn đề, đó là lấy học sinh làm trung tâm, giảm tải và đưa chương trình học về thực chất, tăng cường thời gian cũng như kinh phí phục vụ cho các hoạt động trải nghiệm, nâng cao kỹ năng sống cho các em.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ, hiện nay, học sinh đang bị ảnh hưởng từ mạng xã hội và hành vi của người lớn nên nhiều em có những hành vi tiêu cực quá mức. Ngoài ra, các em đã không có được sự quan tâm, định hướng cần thiết từ phía gia đình và nhà trường; vấn đề phối hợp quản lý giữa nhà trường và gia đình chưa thực sự hiệu quả. Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành liên quan cần có sự đầu tư thỏa đáng, thắt chặt an ninh mạng, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những trang mạng, trang quảng cáo chứa đựng nội dung không lành mạnh, những trò chơi bạo lực man rợ, những hội nhóm “đen” lôi kéo thế hệ trẻ suy đồi về mặt đạo đức. Bà Phúc nhấn mạnh, khi phát hiện ra những đối tượng vi phạm cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý và răn đe, có như vậy mới hạn chế được những hiểm họa tiềm ẩn xung quanh môi trường học đường, phát triển văn hóa lành mạnh để định hướng và hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ. 

 Những lời xin lỗi và yêu thương đẩy lùi bạo lực

Hàng nghìn học sinh cùng các thầy cô giáo đã bật khóc nức nở và ôm chặt nhau giữa sân Trường THPT Tây Hiếu (Nghệ An) trong buổi sinh hoạt ngoại khóa sau khi nói lời yêu thương, xin lỗi đến người thân. Thầy Nguyễn Đình Trung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sáng ngày 29.11 vừa qua, diễn giả Đào Ngọc Cường đã đến và chia sẻ với bạn học sinh trong trường về tình cảm gia đình, công ơn cha mẹ, thầy cô… Đây là một trong nhiều chương trình ngoại khóa với các chủ đề khác nhau của trường, học sinh được tạo điều kiện nói ra những tâm sự thầm kín và nhiều học sinh cũng bật khóc khi tâm sự với thầy cô, bạn bè về những lỗi lầm, những lời xin lỗi và yêu thương đã được trao đi.

Thầy hiệu trưởng cho biết chính thầy cũng rất xúc động khi chứng kiến hình ảnh học sinh xích lại, ôm chặt lấy nhau và cùng khóc. Sau khi những cảm xúc được bộc bạch, sẻ chia, học sinh đã hiểu được nỗi lòng cha mẹ, thầy cô và đây cũng là niềm mong mỏi của nhà trường khi tổ chức chương trình ngoại khóa này. P.V

 

 QUỐC HÙNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top