Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cần xây dựng chương trình đào tạo sở hữu trí tuệ trong các trường khối ngành văn hóa, nghệ thuật, du lịch và thể thao

Thứ Năm 03/12/2020 | 21:03 GMT+7

VHO - Chiều 3.12, tại TP.HCM, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp cùng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học đánh giá hiệu quả Dự án “Đào tạo về sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch”, thuộc chương trình Phát triển tài sản trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ do Trường ĐH Văn hóa TP.HCM thực hiện trong hai năm 2019-2020.

Theo PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Chủ nhiệm dự án, một trong những hoạt động quan trọng của dự án là việc tổ chức các khóa đào tạo nhằm trang bị kiến thức và nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân để tăng cường nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch; nâng cao năng lực nghiên cứu, góp phần thúc đẩy hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch; phối hợp, hỗ trợ các cơ quan thực thi nâng cao năng lực, qua đó thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, triển khai và phát triển tài sản trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch.

Nhiều vấn đề về sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa, du lịch được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo

Dự án được Nhà trường thực hiện trong hai năm 2019-2020. Trong năm 2019, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã thực hiện khảo sát thực trạng và bối cảnh về sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch tại các tỉnh, thành trong cả nước. Sau đó, Nhà trường đã biên soạn thành các chuyên đề, bài giảng để giảng dạy các lớp tập huấn. Trong năm 2020, Nhà trường mở 15 lớp tập huấn tại các tỉnh, thành phía Nam, gồm khu vực miền Trung và Tây Nguyên (đào tạo tại Đà Lạt và Nha Trang), khu vực Đông Nam bộ (đào tạo tại TP.HCM) và khu vực Tây Nam bộ (đào tạo tại Cần Thơ và Kiên Giang). Giảng viên của các lớp tập huấn đến từ các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý liên quan đến sở hữu trí tuệ, các đơn vị, doanh nghiệp, các chuyên gia, cá nhân có kinh nghiệm thực tế như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội); Trường ĐH Luật TP.HCM; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL); Bảo tàng Áo dài; Công ty Sở hữu trí tuệ Việt Mỹ; Hiệp hội Làng nghề Việt Nam,...

Các học viên khảo sát thực tế tại Bảo tàng Áo dài, TP.HCM trong chương trình tập huấn

Tham gia các lớp tập huấn có khoảng 500 học viên đến từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các cơ quan, đơn vị tại các khu vực nói trên tham gia đào tạo. Học viên (tùy theo từng đối tượng) sẽ được trang bị nâng cao các nội dung: Tổng quan về sở hữu trí tuệ và các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch; Nhận diện tài sản trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch; Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực văn hóa và du lịch; Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản; Bảo hộ và thực thi quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, của tổ chức phát sóng, tổ chức phát tín hiệu vệ tinh mang chương trình mã hóa; Bảo hộ tác phẩm văn học - nghệ thuật dân gian; Bảo hộ tri thức truyền thống; Vai trò của tài sản trí tuệ địa phương gắn với tài nguyên thiên nhiên trong việc xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch; Bảo hộ, thực thi và quản lý tài sản trí tuệ địa phương gắn với tài nguyên nhân văn; Vai trò của hướng dẫn viên trong việc bảo tồn và phát huy tài sản trí tuệ trong lĩnh vực lữ hành; Pháp luật quốc tế và Việt Nam về sở hữu trí tuệ;… Trong khuôn khổ tập huấn, các học viên cũng đã đi khảo sát thực tế về sở hữu trí tuệ tại nhiều địa địa điểm trên địa bàn TP.HCM.

Các đại biểu cho rằng tình hình quản lý, thực thi và tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ còn yếu kém, bất cập

Thông tin về kết quả phản hồi của học viên tại các lớp đào tạo sở hữu trí tuệ, thông qua thực hiện phiếu khảo sát của học viên sau khi tham dự tập huấn, về các nội dung như kết cấu và nội dung chương trình, hình thức tập huấn, giảng viên giảng dạy, công tác tổ chức,... bà Chu Phạm Minh Hằng, thành viên dự án cho biết, người học đánh giá kết cấu nội dung chương trình tốt, đầy đủ các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch, đảm bảo cung cấp khá đầy đủ kiến thức cho học viên. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm những chuyên đề phù hợp, sát thực tiễn, tăng cường tương tác giữa người dạy và người học; cần có các ví dụ minh họa thực tế về nội dung giảng dạy; tuyên truyền rộng rãi hơn về thông tin lớp học; mở rộng đối tượng, thời gian tập huấn,...

TS Từ Mạnh Lương nói rằng tình hình quản lý, thực thi và tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều yếu kém, bất cập 

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, thời gian qua, sau khi Luật Sở hữu trí tuệ ban hành (2005), thì việc nhận thức liên quan đến sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã tăng đáng kể, trung bình tăng khoảng 10% mỗi năm. TS Từ Mạnh Lương, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) cho rằng, thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình quản lý, thực thi và tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch còn nhiều yếu kém, bất cập chưa được khỏa lắp. Mặc dù số lượng hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các chương trình biểu diễn, các phần mềm tên miền,... liên tục tăng lên và tăng nhanh qua từng năm, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu. "Những vấn đề sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch, vi phạm mang yếu tố định tính nhiều hơn và đa chiều hơn. Đơn cử một hiện tượng trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, các mô-típ hoa văn trang trí của đồng bào dân tộc thiểu số được các công ty thiết kế vô tư sử dụng để tạo ra các sản phẩm công nghiệp, bán trên thị trường một cách tự do mà cộng đồng - người sở hữu trí tuệ về sản phẩm lại không được hưởng lợi. Và dù có biết bị lạm dụng sở hữu tài sản trí tuệ của cộng đồng, họ cũng không biết nơi nào để kiện", ông Lương tâm tư. 
Các đại biểu cho rằng, việc nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ trong các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường đại học khối ngành văn hóa, nghệ thuật, du lịch và thể thao là thực sự cần thiết, góp phần cung cấp kiến thức và kỹ năng về sở hữu trí tuệ để đảm bảo sự sáng tạo văn hóa đối với xã hội.

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top