Đẩy lùi biến tướng trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội

VHO- Thêm một mùa lễ hội qua đi trong lặng lẽ vì đại dịch Covid-19. Không ít lễ hội quy mô lớn, thu hút đông người đã dừng tổ chức gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân. Trong bối cảnh đó, cách thức ứng xử văn minh, những giải pháp đẩy lùi biến tướng trong lễ hội… cũng đã có thêm nhiều tiêu chí mới so với các mùa lễ hội trước.

Đẩy lùi biến tướng trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội - Anh 1

 BQL di tích, BTC lễ hội chùa Hương đã cho lắp đặt nhiều biển tuyên truyền cổ động trực quan dọc hai bên bờ suối Yến

 Không chỉ là đẩy lùi các hiện tượng phản cảm như chen lấn, xô đẩy, ăn mặc phản cảm…, BQL di tích, BTC lễ hội luôn đề cao yếu tố an toàn như tuyên truyền thực hiện quy định 5K, xác định an toàn của mỗi cá nhân là an toàn của cả cộng đồng.

Tiêu chí an toàn là trên hết

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam chia sẻ, mùa lễ hội vừa qua đã diễn ra trong giai đoạn khó khăn của đất nước, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, và ưu tiên số 1 của chúng ta là bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Việc dừng tổ chức lễ hội là điều không ai mong muốn, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt này, việc hy sinh những lợi ích cá nhân vì lợi ích chung không chỉ là bảo đảm phòng chống dịch, mà còn thể hiện trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.

Nhìn lại mùa lễ hội năm 2021, nhiều di tích, lễ hội lớn đã dừng tổ chức lễ khai mạc; một số lễ hội có thời gian kéo dài như lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh) cũng phải trải qua điệp khúc “đóng - mở” tùy tình hình diễn biến dịch bệnh. BQL di tích danh thắng chùa Hương cho biết, năm nay, thời gian di tích được mở cửa (từ 13.3 đến 3.5) đã đón khá đông người dân và du khách. Trong khoảng thời gian này, BQL di tích, BTC lễ hội đề cao nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho người đi lễ, nguyên tắc 5K (Khẩu trang, Khử trùng, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế) được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu. Theo BQL di tích, một số trường hợp quên không đeo khẩu trang hoặc kéo khẩu trang ra để chụp ảnh, đi theo đám đông và không thực hiện khai báo y tế đều được BQL di tích, BTC lễ hội nhắc nhở. Một số hiện tượng thiếu văn minh diễn ra trên suối Yến như hát karaoke bằng loa kéo, không mặc áo phao… cũng đều được chấn chỉnh kịp thời.

Khác với những mùa lễ hội trước đây, khi dịch bệnh Covid-19 chưa ập đến, văn minh ứng xử trong lễ hội là thái độ gìn giữ vệ sinh môi trường, là không ăn mặc phản cảm hay có những hành vi dung tục không phù hợp, không đổi và rải, rắc tiền lẻ tại di tích, không sử dụng đồ vàng mã số lượng lớn... thì trong hai mùa lễ hội vừa qua, yếu tố văn minh trong lễ hội đã khác, với tiêu chí an toàn đặt lên trên hết. Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, mỗi người cần tự điều chỉnh nhận thức, hành vi của chính mình để vừa thể hiện sự thành kính với các bậc tiền nhân, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Từ đó, mỗi cá nhân đi lễ hội cần thiết lập cho mình những thói quen trong trạng thái bình thường mới bởi thành kính không phải là mâm cao cỗ đầy, không phải nhiều vàng mã mà quan trọng là tấm lòng hướng đến những điều chân - thiện - mỹ.

Trước các làn sóng dịch bệnh phức tạp, khó lường, ngay từ trước mùa lễ hội, kế hoạch chuẩn bị đã được các địa phương chủ động thiết kế kịch bản ở nhiều cấp độ để ứng phó. Thực tế cho thấy, những kịch bản đã được tính toán, lường trước nhiều tình huống để các lễ hội không trở nên bị động. Trực tiếp đi kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại một số địa phương, ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) nhận định, trong mùa lễ hội năm 2021, các địa phương có di tích, lễ hội trọng điểm đều đã nghiêm túc, chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với Covid-19, trong đó sẵn sàng phương án ngừng tổ chức lễ hội nếu dịch bùng phát theo quy định tại Nghị định 110 về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. “Mặc dù ngừng tổ chức sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nói chung của người dân ở nơi có lễ hội, nhưng qua kiểm tra có thể nhận thấy rõ các địa phương và cộng đồng luôn sẵn sàng tinh thần phòng, chống dịch rất cao, tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng…”, ông Lương Đức Thắng nhấn mạnh.

Đáp ứng yêu cầu về nếp sống văn minh mùa dịch bệnh

Diễn biến khó kiểm soát của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho tất cả các lễ hội năm nay đều dừng tổ chức. Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, tiêu chí hàng đầu được BQL các di tích, BTC lễ hội và chính quyền địa phương đẩy mạnh năm nay là tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc mọi khuyến cáo, chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL về các giải pháp phòng, chống dịch cũng như các quy định pháp luật liên quan.

Thực hiện chỉ đạo từ Bộ VHTTDL và UBND TP Hà Nội, tại lễ hội trọng điểm chùa Hương, ngay từ đầu và trong suốt mùa lễ hội, đặc biệt ở thời điểm di tích - lễ hội được mở cửa đón khách trở lại, BTC lễ hội, BQL di tích cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch đến với mọi người dân và du khách. BQL di tích, BTC lễ hội đã cho lắp đặt gần 40 biển tuyên truyền cổ động trực quan dọc hai bên bờ suối Yến; công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội vào mùa dịch cũng thường xuyên được tăng cường.

Hai lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh Nam Định là Khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) và Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) năm nay cũng đã không tổ chức lễ khai mạc và các hoạt động phần hội để tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại Vĩnh Phúc, Sở VHTTDL từ sớm đã ban hành văn bản về triển khai các biện pháp an toàn trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Theo đó nêu rõ tinh thần thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tại Phú Thọ, hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) trong hai mùa lễ hội 2020, 2021 đã dừng tổ chức hoạt động phần hội để tránh tập trung đông người, đảm bảo tinh thần phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở nhận định, các địa phương có lễ hội lớn, di tích trọng điểm trong thời gian qua đã thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch. Những hiện tượng phản cảm, biến tướng trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội mùa dịch bệnh như không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, không thực hiện sát khuẩn, không khai báo y tế… ngày càng giảm. “Nếu như những mùa lễ hội trước, dư luận lên án các hiện tượng phản cảm như tranh cướp, xô đẩy, chen lấn… thì nay, hình ảnh những người đi lễ không đeo khẩu trang, không đảm bảo giãn cách… đã bị cộng đồng lên án mạnh mẽ. Tiếng nói từ dư luận chính là một kênh tuyên truyền mạnh mẽ, góp phần đẩy lùi hiện tượng phản cảm, biến tướng trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội mùa dịch bệnh”, ông Nguyễn Quốc Huy chia sẻ. 

MỘC MIÊN

Ý kiến bạn đọc