Quanh chuyện đặt tên sau sát nhập (Bài 4):

“Hành chính” quá sẽ dẫn đến ngô nghê, vô hồn

PHƯƠNG ANH - QUỲNH HOA - PHẠM NGÂN (lược ghi)

VHO - Quanh chuyện đặt tên sau sáp nhập đăng tải trên Văn Hóa đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chính quyền địa phương và độc giả. Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia khẳng định, đặt tên mới cho làng, xã là bài toán khó nên chính quyền các địa phương không chỉ cần cẩn trọng, bài bản mà nhất thiết, phải xem trọng việc tham vấn, lắng nghe ý kiến cộng đồng.

 “Hành chính” quá sẽ dẫn đến ngô nghê, vô hồn - ảnh 1

 Người dân xã Chàng Sơn (Thạch Thất) tiếc nuối nếu không còn tên gọi Chàng Sơn thì những giá trị truyền thống liệu sẽ bị mai một

 Nhiều ý kiến đề xuất về cách làm sẽ gợi mở cho chính quyền địa phương các cấp tìm, chọn tên mới phù hợp, tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng…

“Để việc sắp xếp, đặt tên không là “phép cộng” cơ học…”

Trong vấn đề đặt tên mới cho các đơn vị hành chính sau sáp nhập, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương cần rà soát lại quy trình, thủ tục, phương pháp, cách làm, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, logic, thuyết phục, nắm chắc tình hình ở cơ sở để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

Liên quan đến vấn đề sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu đặt tên xã “Đôi Hậu”, Thường trực Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An chưa chấp thuận tờ trình của huyện Quỳnh Lưu gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Nội vụ về việc điều chỉnh tên xã mới sau sáp nhập.

Thường trực Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo huyện Quỳnh Lưu làm lại các bước đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính. Theo đó, lưu ý việc đổi tên xã phải dựa trên cơ sở nào, người dân có đồng thuận hay không.

Việc tìm ra tên mới phù hợp cho làng, xã không chỉ mang ý nghĩa hành chính mà từ đó còn kiến tạo nên những trang ký ức mới trong đời sống tinh thần của một vùng đất. Cần phải tìm cho được phương án hài hòa nhất. Điều này theo tôi rất quan trọng.

Vì vậy, cần phải tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng và nhất thiết không được vội vàng. Đặc biệt, phải tạo được nhiều ý kiến cùng chiều của nhân dân, cùng với việc dựa trên nhiều luận cứ khoa học có tính thuyết phục, để việc sắp xếp, đặt tên không là “phép cộng” cơ học một cách đơn thuần.

(Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An THÁI THANH QUÝ)

“Tham vấn cộng đồng sẽ phát hiện những ý tưởng, gợi ý mới”

Việc đặt tên cho một đơn vị hành chính cần thể hiện truyền thống lịch sử địa phương, những dấu ấn gắn với người dân, thể hiện niềm tự hào đã được bao thế hệ người dân vun đắp, xây dựng và cả mơ ước của họ gắn với những địa danh đó.

Không phải ngẫu nhiên mà những tên đất, tên làng, trải qua thời gian, gắn bó với lịch sử luôn được đặt một cách ý nghĩa và trân trọng. Vì thế, khi đặt tên mới cho xã, cho làng, rất cần cân nhắc đến lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân địa phương, tránh những hệ lụy không đáng có về sau. Chúng ta cần phải hiểu lý do của những phản ứng từ người dân.

Những địa danh trong quá khứ luôn ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa nhất định, nhất là đối với các làng, đơn vị cộng cư nhỏ và gần gũi nhất đối với mỗi người. Việc sáp nhập, thay đổi dẫn đến việc hòa lẫn văn hóa với nhau, không chỉ dễ dẫn đến tình trạng làm mất bản sắc của vùng đất, mà nguy hiểm hơn còn có thể gây ra những xung đột, mâu thuẫn không cần thiết.

Đảm bảo việc đặt tên mới phản ánh đúng lịch sử và văn hóa của khu vực là một điều rất khó và phụ thuộc vào từng địa phương, thậm chí từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, có thể có một số nguyên tắc chung.

Thứ nhất, phải nghiên cứu lịch sử và văn hóa của địa phương.

Thứ hai, cần tham vấn cộng đồng địa phương qua cuộc họp cộng đồng, hoặc các cuộc thăm dò ý kiến, kể cả thảo luận trên mạng.

Thứ ba, chú ý sử dụng ngôn ngữ địa phương, không chỉ giúp tôn vinh và bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa địa phương mà còn giúp tạo ra liên kết mạnh mẽ hơn giữa cộng đồng và địa danh.

Thứ tư, cân nhắc ý nghĩa lịch sử và văn hóa, tránh việc chọn các từ ngữ hoặc tên gọi có thể gây tranh cãi hoặc không tôn trọng đến một phần của cộng đồng. Thứ năm, thực hiện quy trình chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy trình, quy định pháp lý khi đặt tên cho địa danh mới.

Việc tham vấn cộng đồng và các bên liên quan khi đề xuất, quyết định tên gọi mới là phương pháp rất quan trọng để bảo đảm tính minh bạch. Tham vấn cộng đồng là cách tốt nhất để bảo đảm rằng quyết định đặt tên đơn vị hành chính mới được đưa ra dựa trên ý kiến và nhu cầu của cộng đồng, thể hiện sự tôn trọng quan điểm và nguyện vọng của những người sống trong khu vực đó.

Tham vấn cộng đồng không chỉ là cách để lắng nghe ý kiến mà còn tạo ra sự tham gia và ủng hộ từ phía cộng đồng. Mặt khác, tham vấn cộng đồng có thể giúp phát hiện ra những ý tưởng, gợi ý tên gọi mới mà các cơ quan quản lý nhà nước chưa nghĩ đến.

Tham vấn cộng đồng cũng giúp tạo ra sự minh bạch và công bằng trong quá trình đặt tên đơn vị hành chính mới, tránh gây ra sự tranh cãi và phản đối từ phía cộng đồng sau này. Vì vậy, việc tổ chức cuộc họp hoặc khảo sát để lắng nghe ý kiến và gợi ý tên mới từ cư dân là một ý tưởng rất tốt và có ý nghĩa.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

 “Hành chính” quá sẽ dẫn đến ngô nghê, vô hồn - ảnh 2

Du khách tham quan làng Quỳnh Đôi

“Lắng nghe nguyện vọng của dân”

Liên quan đến việc sáp nhập và đặt tên xã mới sau khi sáp nhập khiến người dân bức xúc vì tên làng, xã cũ bị mất hoàn toàn, hoặc ghép 2 xã vào nhau không mang ý nghĩa gì, chứng tỏ người dân rất quan tâm đến vấn đề này.

Tôi cho rằng, khi Nhà nước có chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính thì đã phải tính đến một thực tế là việc đặt tên mới cho một đơn vị hành chính ở đời nào cũng có yếu tố văn hóa, xã hội tác động đến. Tuy nhiên, ở đây chúng ta mới chỉ lấy thói quen “hành chính” mà không tính đến hay bỏ qua thực tế văn hóa này.

Để có tên mới, chính quyền địa phương đã tổ chức bầu phiếu, tên nào có phiếu bầu cao hơn thì chọn. Nhưng có nhiều trường hợp, tên mới có phiếu chọn cao lại không phải mong muốn của người dân.

Bởi vì quy trình đó chỉ là một cách “có vẻ dân chủ”, thực ra nó quá máy móc và rất hành chính. Đó là chưa kể nó phụ thuộc vào phương thức tổ chức bầu phiếu (ví dụ như ai bầu, bầu như thế nào…) mà ta vẫn làm xưa nay.

Có lẽ, theo suy nghĩ của tôi, người dân ở những đơn vị hành chính được sáp nhập có một mong muốn rất bình thường: Tên gọi mới về hình thức đừng quá dài dòng, vẫn phải lưu giữ được giá trị văn hóa lịch sử hay phong tục tốt… của vùng đất mang tên mới.

Tóm lại, người dân cần có một tên mới đẹp, có ý nghĩa, nếu lưu giữ được truyền thống vốn có của quê hương thì tốt; tên gọi mới vì thế không nên ghép lại một cách máy móc ngô nghê, vô hồn.

Hiện nay, đang ở giai đoạn điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện nên nhiều xã, huyện được đặt tên mới. Việc vừa đổi tên mới vừa đảm bảo nguyện vọng của người dân, không bị xung đột về tên gọi giữa các xã sáp nhập, tuy khó nhưng vẫn có thể làm được nếu cơ quan chính quyền biết cách làm, biết lắng nghe tôn trọng nguyện vọng của dân.

Chúng ta biết rằng, khi sáp nhập đơn vị hành chính, chắc chắn có những tên cũ sẽ bị mất đi. Cho nên ai đấy nêu yêu cầu là “tên mới” phải lưu giữ được tất cả tên cũ là một yêu cầu không tưởng. Vấn đề ở đây là chọn như thế nào cho hợp lý. Theo tôi, việc đầu tiên vẫn là “lấy ý kiến của người dân”.

Nhưng cách lấy ý kiến không những phải đảm bảo tính dân chủ mà còn phải đảm bảo tính văn hóa, lịch sử, phong tục. Sau khi có những tên gọi mới được đề xuất theo ý kiến của đông đảo người dân, chính quyền phải tham khảo ý kiến của một “Hội đồng tư vấn” đủ năng lực nhận biết tên nào là đẹp, có ý nghĩa, lưu giữ được truyền thống vốn có của quê hương, và tên gọi mới nào khi ghép lại một cách máy móc ngô nghê, vô hồn... để đặt tên cho đơn vị hành chính.

Như tôi đã nói ở trên, đặt tên mới cho một đơn vị hành chính là một vấn đề của khoa học định danh chứ không đơn giản là một công việc hành chính như đang làm hiện nay.

Cho nên “hội đồng tư vấn” khi đặt tên không phải là “Hội đồng hành chính”. Trong đời sống xã hội của một cộng đồng là đơn vị hành chính “xã” hay “huyện” bao giờ chả có chuyện các thành viên trong đó có xung đột về quyền lợi, về tính quá đà theo kiểu địa phương chủ nghĩa. Nhưng khi biết cách “chọn đúng” tức “nói phải thì củ cải cũng nghe”.

(GS.TS TRẦN TRÍ DÕI)

“Bao nhiêu cuốn sách để giải thích “quê mới”?”

Nếu không còn giữ tên xã Quỳnh Đôi sau sáp nhập, theo như đề xuất gây xôn xao dư luận cách đây ít ngày của UBND huyện Quỳnh Lưu, tôi băn khoăn rằng sẽ có bao nhiêu cuốn sách để giải thích lại quê mới của các danh nhân đây? Nhắc đến Quỳnh Đôi, người dân khắp nơi trên cả nước đều biết đến về giai thoại xúc động “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ” với tinh thần khổ luyện thành tài.

Tên làng xã chứa đựng cả không gian văn hóa, chiều sâu lịch sử, bề dày truyền thống của một cộng đồng người. Không những vậy, tên làng xã còn gắn với những hương vị đặc sản, những con sông, cánh đồng, bãi lúa, nương dâu đã đi vào thơ ca, nhạc họa; gắn với những anh hùng, nho sĩ đã đi vào sử sách... Bởi thế, tên làng xã như một dòng chảy trong huyết mạch làm nên nhịp sống trái tim mỗi đời người gắn bó với mảnh đất thân thương.

Trong khi đó, cái tên “Đôi Hậu” nghe khá ngộ, không hay, cũng không có điểm nhấn gì. Nếu không thể giữ tên cũ thì chúng tôi rất tiếc. Nhưng nếu buộc phải đặt tên mới, tại sao không lấy tên bà Hồ Xuân Hương để đặt?

Việc mất tên xã Quỳnh Đôi đồng nghĩa với việc quê quán các danh nhân ở xã phải chú thích thay đổi lại. Sử sách đã lưu danh Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Hồ Tùng Mậu, Cù Chính Lan… là người Quỳnh Đôi. Giờ đặt tên mới, không lẽ phải tái bản giải thích lại quê mới có tên là “Đôi Hậu”?.

Nhìn rộng ra quanh chuyện đặt lại tên mới cho các xã sau sáp nhập, tôi nghĩ rằng, nếu xóa bỏ những tên làng, tên xã gắn liền với lịch sử, văn hóa, nghề nghiệp của một vùng quê thì hệ lụy trước tiên là sẽ tạo ra xáo trộn cho người dân như phải làm lại giấy tờ, căn cước, sâu hơn nữa là những xáo trộn trong đời sống sinh hoạt, tạo nên những vết thương trong tiềm thức, ký ức mỗi người...

(Ông HỒ SỸ KHOA, bậc cao niên xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An)

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc