Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Những tấm lụa thơm nức hồn quê

Thứ Sáu 11/06/2021 | 13:41 GMT+7

VHO- Miền quê Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) mang nét duyên ngầm của một cô gái chân quê dịu dàng, đằm thắm, khiến bước chân ai tình cờ lạc đến nơi này cũng lưu luyến chẳng nỡ rời xa. Thế nhưng để thương, để nhớ nhiều nhất không phải là những ngôi nhà mái ngói rêu phong có hàng rào râm bụt rực rỡ, hay những bờ tường, bậu cửa trơ lớp gạch đượm màu thời gian, mà là thanh âm của tiếng khung cửi cứ “lách cách… lách cách” níu bước chân người.

 Nghệ nhân Phan Thị Thuận nâng niu những sợi tơ sen

 Chứng kiến khung cảnh nhộn nhịp của Phùng Xá hôm nay, ít người biết từng có một thời nghề dệt truyền thống của làng đứng trước nguy cơ mai một. Có kẻ biệt xứ mà đi, có người dứt lòng tìm kế sinh nhai mới... Nhưng dù vật đổi sao rời, có một người phụ nữ vẫn luôn nặng lòng với con tơ, sợi chỉ. Bà là nghệ nhân Phan Thị Thuận, người đầu tiên dệt nên những tấm lụa quý bằng tơ sen ở Việt Nam.

Đánh thức thứ sản vật trân quý của đất trời

Sau thời gian dài nghiên cứu và thử nghiệm, năm 2018, nghệ nhân Phan Thị Thuận mới thực sự “bén duyên” với thứ nguyên liệu đặc biệt này khi dệt thành công chiếc khăn quàng cổ từ những sợi tơ sen. Nâng niu cuộn tơ trên tay, bà bồi hồi nhớ lại: “Người Việt ta vốn rất gần gũi và thân thuộc với loài hoa sen cả trong cuộc sống và thi ca. Thế nhưng, khi nhắc về vải dệt từ sợi tơ sen thì không mấy người từng nghe và biết đến. Sau khi được nghiên cứu, học hỏi từ một số mô hình làm tơ sen ở các nước trong khu vực và trên thế giới, tôi luôn trăn trở, đôi khi ta phải bước ra khỏi văn hóa của mình để tiếp xúc, cọ xát với một thứ văn hóa khác, xem thử mình ra sao. Với vốn liếng là tình yêu cháy bỏng với nghề truyền thống của quê hương và kinh nghiệm từ dệt sợi tơ tằm, tôi luôn tin bản thân mình sẽ làm được”.

Cách nghệ nhân Phan Thị Thuận làm ra sợi tơ sen có lẽ sẽ là một câu chuyện đặc biệt cuốn hút với những người dành tình yêu cho loài hoa thuần khiết này. Mùa lấy nguyên liệu sẽ bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài tới tháng 10 hằng năm. Cuống sen ở giữa thời kỳ nuôi hoa sẽ cho những sợi tơ đẹp nhất, sau khi được ngắt trực tiếp từ đầm lên sẽ được rửa sạch qua hai lần nước cho hết bùn và gai. Người ta khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ cho thật khéo, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại. Việc tiến hành sản xuất buộc phải thực hiện trong vòng 24h sau khi thu hoạch nên người làm nghề thường ví, sen để làm tơ cũng giống như người con gái có thì! Phải cần tới 4.800 cuống hoa sen mới cho ra một chiếc khăn quàng cổ chiều dài 1,7m, chiều ngang 25cm. Tính ra, một người thợ chăm chỉ lắm thì một ngày cũng chỉ làm được 200-250 cuống sen. Như vậy, để làm một chiếc khăn quàng cũng phải lao động ngót nghét cả tháng trời. Bởi lẽ đó mà khi tái hiện lại “những bước phức tạp” này vào tháng 6 vừa qua, kênh truyền hình Business Insider đã thu hút hơn 20 triệu lượt xem từ khán giả khắp thế giới; còn ê kíp thực hiện đã phải thốt lên rằng: Đôi bàn tay của người thợ thủ công Việt Nam thật kỳ diệu!

Những sợi tơ mảnh như sương bạc đã được kết lại với nhau tạo thành một dải lụa màu nguyệt bạch, chạm vào cứ mát rượi đầu ngón tay. Ngắm nhìn từ xa mà đã cảm được hương sen vương trên mái tóc và vai áo. Nhà văn Nguyễn Phan Hách sinh thời đã gói trọn tâm tình về thứ sản vật trân quý của đất trời vào dòng suy nghĩ: “Anh rút tơ từ ngàn cây sen, nối lại, được một cuộn tơ. Rồi anh đan dệt nó thành chiếc khăn quàng. Chiếc khăn trắng muốt, nhẹ tênh như mạng nhện, thơm nức hồn quê”.

 Đôi bàn tay của người thợ thủ công Việt Nam thật là kỳ diệu!

Thắp lửa tình yêu tơ sen cho thế hệ trẻ

Phải chăng từ sự đau đáu với nghề và khát khao được trao truyền lại những bí kíp cho thế hệ trẻ mà trong cách hướng dẫn của nghệ nhân Phan Thị Thuận luôn có “lửa”, cuốn hút và lôi cuốn đến lạ thường. Bà tâm niệm: “Nếu suy nghĩ học nghề chỉ đơn giản là bắt chước lại các công đoạn thì sẽ không làm được! Muốn neo vào tâm thức của thế hệ trẻ khát khao về một loại tơ lụa mang đậm bản sắc dân tộc thì chỉ có thể khởi nguồn từ tình yêu quê hương, đất nước”.

Ngoài khu xưởng sản xuất với hơn 20 người thợ, lớp học nghề đặc biệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận luôn thu hút rất đông các em học sinh, sinh viên, nhất là vào dịp hè. Kỳ lạ ở chỗ bà dành tất cả tâm huyết và tình yêu của mình để truyền nghề hoàn toàn miễn phí. Nghệ nhân tài hoa lý giải: “Không phải ai cũng có thể học và làm ra được tơ sen. Thậm chí, để đào tạo được một lứa kế cận phải tốn không ít nguyên vật liệu mà thành quả thu được chưa chắc đã tương xứng với những gì đã bỏ ra. Thế nhưng tôi vẫn quyết thực hiện, bởi rất có thể qua vài mùa sen nữa thôi, chính các em sẽ là những người đưa nghề tơ sen của quê hương tiến xa hơn, được nhiều người biết đến hơn”.

Bà Thuận kỳ vọng nghề sản xuất tơ sen sẽ mởra triển vọng nâng cao giátrịkinh tếcủa cây sen, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho những lao động nhàn rỗi trong làng. “Suốt cuộc đời làm nghề, trải qua biết bao giai đoạn thăng trầm, mỗi lúc tôi lại rút ra được những bài học quý báu để gìn giữ nghề truyền thống các cụ để lại. Muốn giữ được nghề thì người làm nghề phải có tâm, có đạo đức, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng”, bà Thuận chia sẻ và cho biết, bà là thế hệ thứ 3 trong gia đình nối nghiệp dệt lụa, con bà là đời thứ 4 và đến cháu bà là đời thứ 5. Dù cuộc sống hối hả với những điều mới mẻ, thì hiện đại cũng chẳng tự nhiên mà có, mọi thứ mới mẻ cũng bắt đầu từ những đơn sơ.

Dõi theo từng vòng quay của guồng suốt, chúng tôi cứ ngẩn ngơ nhớ tới những hình ảnh mà hơn 50 năm về trước, nghệ sĩ Quốc Hương đã nặng lòng: “Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh/ Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa”. Và cứ thế, giữa thanh âm “lách cách… lách cách…”, giữa sắc tơ ngọc ngà, giữa những tấm lòng chân chất, đôn hậu của con người nơi đây, chắc hẳn trong lời hát ấy, có người con gái đang dệt tơ sen trên chính quê hương Phùng Xá này! 

 VŨ MỪNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top