Giới trẻ “hiến kế” thực thi pháp luật và bản quyền

VHO- Hôm qua 18.4, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN) tổ chức Lễ khai mạc chuỗi sự kiện nhân Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23.4), Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26.4) và gameshow Bản quyền và sáng tạo. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tới dự và phát biểu.

Giới trẻ “hiến kế” thực thi pháp luật và bản quyền - Anh 1

 Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Lễ khai mạc

 Với chủ đề Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, chuỗi sự kiện nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; đồng thời, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Chủ động hội nhập

Chia sẻ tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang chủ động hội nhập trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, chúng ta đã tham gia 8 Điều ước quốc tế đa phương; đồng thời, Bộ VHTTDL đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ KH&CN và các cơ quan chức năng xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023. Hiện Bộ VHTTDL đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các nhóm đối tượng trong xã hội.

Cũng theo Thứ trưởng, chuỗi sự kiện nhân Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23.4), Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26.4) năm nay được tổ chức ở nhiều nơi với nhiều hình thức khác nhau, như: Gameshow Bản quyền và sáng tạo (Hà Nội); Tọa đàm Bảo vệ bản quyền trên môi trường số (Đà Nẵng); Triển lãm Khi phụ nữ đổi mới, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn; Hội thảo Vai trò của phụ nữ trong thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo ra tài sản trí tuệ (TP.HCM)… Đặc biệt, gameshow Bản quyền và sáng tạo được tổ chức với sự tham gia của nhiều nữ giảng viên, sinh viên 4 trường: Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Luật (ĐH QGHN) và Học viện Phụ nữ Việt Nam) đã tạo ra sân chơi bổ ích, lý thú, sôi nổi; giúp các bạn trẻ được giao lưu, học hỏi, mở mang kiến thức về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và mọi mặt nói chung.

Ngay sau phần Khai mạc, gameshow bước vào phần tranh tài sôi động. Trải qua 4 phần thi: Chúng tôi là ai; Chúng tôi hiểu biết (với hai nội dung thi Tôi yêu bản quyền, Nhanh tay nhanh trí); Chúng tôi sáng tạo và Tài năng hùng biện, các câu hỏi đặt ra đã xoay quanh kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, với nhiều hình thức như trắc nghiệm, trả lời và giải thích các điều luật, xây dựng tiết mục sáng tạo trên sân khấu và hùng biện theo nội dung BGK đưa ra. Các bạn sinh viên đã tự tin thể hiện sự hiểu biết, tài năng và bản sắc của mỗi trường.

Một trong những phần thi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ chính các đội chơi và khán giả là Chúng tôi sáng tạo. Ở phần này, mỗi đội tự xây dựng tiết mục trên sân khấu để thể hiện tài năng theo chủ đề Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - thúc đẩy đổi mới và sáng tạo. Đây cũng là chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới phát động. Các sinh viên Trường Đại học Luật (ĐH QGHN) đã kể câu chuyện về một ngày thế giới không có sự sáng tạo của phụ nữ. Đội dự thi Đại học Kinh tế Quốc dân mượn truyện cổ tích Tấm Cám để lồng ghép vào đó câu chuyện chống vi phạm bản quyền lĩnh vực âm nhạc. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội mang đến gameshow tiểu phẩm nhiều cảm xúc về vai trò của người phụ nữ trong lịch sử và bối cảnh đương đại. Với Học viện Phụ nữ Việt Nam, các thí sinh nêu câu chuyện về sáng chế của phụ nữ đã đóng góp vào sự phát triển của thế giới ra sao.

Giới trẻ “hiến kế” thực thi pháp luật và bản quyền - Anh 2

 Các đội chơi trong phần tranh tài gameshow “Bản quyền và sáng tạo”

Nhiều bài toán đặt ra

Bước vào phần thi hùng biện, các đội chơi đều khẳng định trong bối cảnh xâm phạm bản quyền đang diễn ra ngày một phức tạp tại Việt Nam, nhất là trên môi trường số, tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những hoạt động quan trọng; thúc đẩy sự phát triển của văn hóa - nghệ thuật, nhất là với quốc gia có nền văn hóa giàu bản sắc như Việt Nam. Điều này đỏi hỏi việc thực thi, chấp hành pháp luật phải thật sự nghiêm túc.

Để việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đi vào hiệu quả, đại diện Trường Đại học Luật (ĐH QGHN) đề xuất khâu giám định, thẩm định nội dung quyền sở hữu trí tuệ phải phải được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chặt chẽ. Đây sẽ là căn cứ để xử lý các vụ việc tranh chấp bản quyền hoặc các vi phạm. Đồng thời, việc đưa ra bằng chứng trong quá trình thẩm định cũng là cách để nhận diện các hành vi vi phạm và đưa ra biện pháp xử phạt.

Với Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đội thi nhận định, với lĩnh vực bản quyền, đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò hết sức quan trọng trong bảo vệ tài sản trí tuệ của chủ sở hữu tác phẩm; sẽ giúp giảm bớt nghĩa vụ chứng minh khi có tranh chấp xảy ra, đảm bảo lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu. Để làm tốt công tác này, cơ quan quản lý, địa phương và nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bản thân sinh viên cần có ý thức đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngay cả với luận văn, công trình nghiên cứu khoa học của mình. Từ đó, tạo ra một thế hệ trẻ nói không với vi phạm bản quyền

Đồng quan điểm, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, làm tốt công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan cũng chính là khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà khoa học… tăng cường sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, đội thi nhấn mạnh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải có động thái mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng. Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ cần tiếp tục được hoàn thiện để đề cao hơn nữa trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

Đối với Học viện Phụ nữ Việt Nam, các em chia sẻ rằng, các tổ chức đại diện bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam. Do đó ở nhiều vụ việc xâm phạm bản quyền, các nạn nhân gặp khó trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đại diện đội thi khẳng định, đã đến lúc các tổ chức đại diện bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan phải đẩy mạnh hoạt động; thể hiện rõ sự hiện diện trong hoạt động bảo vệ tác quyền.

Kết thúc cuộc so tài, đội thi đến từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân xuất sắc giành giải Nhất; Trường Đại học Luật (ĐH QGHN) giải Nhì; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Học viện Phụ nữ Việt Nam đồng giải Ba. 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc