Trưng bày di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới

VHO - Ngày 10.10, tại quảng trường trung tâm huyện A Lưới, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND huyện A Lưới tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới” và bàn giao, trao tặng Tủ sách cộng đồng, thiết bị âm thanh cho một số xã trên địa bàn huyện A Lưới.

Trưng bày di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới - Anh 1

Tham quan không gian trưng bày và tìm hiểu về di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới

A Lưới là huyện miền núi nằm ở phía Tây của Thừa Thiên Huế, nơi có đường Trường Sơn huyền thoại đi qua, làvùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Nơi đây đang lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu; cũng như hội tụ đa dạng văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc anh em Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy..., tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc về kiến trúc, về phong tục tập quán, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào qua nhiều thế hệ.

Nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới được hình thành, phát triển trong quá trình lao động sản xuất và được lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán, trang phục, nghi thức lễ hội, tín ngưỡng dân gian… Đây là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

Trưng bày di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới - Anh 2

Các hiện vật là sản phẩm nghề thủ công truyền thống của đồng bào vùng cao A Lưới

Trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới” gắn liền với thông điệp về bảo tồn di sản văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử, văn hóa, xã hội và quá trình phát triển của vùng đất Thừa Thiên Huế nói chung, của huyện A Lưới nói riêng. Từ đó tăng cường sự hiểu biết, ý thức tôn trọng, giữ gìn về vị trí, vai trò, ý nghĩa giá trị tinh hoa các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số sáng tạo ra trong tiến trình phát triển xã hội.

Trưng bày di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới - Anh 3

Những nghệ nhân của các dân tộc thiểu số trình diễn kỹ thuật đan lát 

Đợt trưng bày này đã giới thiệu đến công chúng gần 200 hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, tập trung ở 3 chủ đề chính: Thiên nhiên và con người huyện A Lưới; Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới; Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Qua đó, giới thiệu, quảng bá những giá trị di sản văn hóa về đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất, canh tác, lễ hội, kiến trúc, trang phục truyền thống… của đồng bào các dân tộc thiểu số; về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của huyện A Lưới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tôn tạo danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, thúc đẩy mô hình du lịch cộng đồng, làm cho giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững về kinh tế - văn hóa - xã hội.

Trưng bày di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới - Anh 4

Những nhạc cụ và vật dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: Công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa cơ sở; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Thông qua các hoạt động ý nghĩa ý nghĩa và hiệu quả của Chương trình tại tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và địa bàn huyện A Lưới nói riêng, Bảo tàng Lịch sử tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng VHTT huyện A Lưới đẩy mạnh công tác khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm phục hồi giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, lãng quên; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo, truyền dạy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể...

Trưng bày di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới - Anh 5

Đại diện Sở VHTT và Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế bàn giao tủ sách cộng đồng và thiết bị âm thanh cho các địa phương

Dịp này, Bảo tàng Lịch sử tỉnh đã bàn giao tủ sách cộng đồng và các trang thiết bị âm thanh cho 6 địa phương tại huyện A Lưới, gồm: thị trấn A Lưới, các xã Hương Nguyên, Hồng Thủy, Hồng Vân, A Roàng và Lâm Đớt. Các thiết bị để phục vụ các hoạt động truyền dạy, bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện; nhằm góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng.

Cũng trong cùng ngày, Bảo tàng Lịch sử tỉnh phối hợp với Phòng VHTT huyện A Lưới khai mạc lớp tập huấn du lịch “Quảng bá di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” cho gần 100 cán bộ các xã và đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện A Lưới.

S.THÙY; ảnh: V.H

Ý kiến bạn đọc