Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Châu Hương Viên và​​​​​​​ mong ước của nghệ sĩ ca Huế

Thứ Tư 08/05/2019 | 10:45 GMT+7

VHO- Từng là địa chỉ văn hóa nổi tiếng của vùng đất Cố đô nhưng tư thất Châu Hương Viên của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã bị xuống cấp nghiêm trọng trong suốt nhiều năm qua. Cứ mỗi dịp đến ngày giỗ của cụ, các nghệ sĩ Ca Huế lớn tuổi lại về dâng hương, trải chiếu biểu diễn các bài bản nổi tiếng của cụ.

 Các nghệ sĩ ca Huế biểu diễn tại Châu Hương Viên nhân 58 năm ngày mất của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị

 Nhìn không gian Châu Hương Viên hoang phế mà ai cũng không khỏi xót xa, chạnh lòng.

Hoang tàn

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ khi đến Châu Hương Viên đã không cầm được nước mắt khi thấy một địa chỉ văn hóa quý giá song hiện quá hoang tàn. Ngôi nhà xiêu vẹo, khu nhà đã bị mất mái. Phía trong, người dân tận dụng các thùng xốp, nhựa để trồng rau. Đến ngày lễ giỗ lần thứ 58 của cụ, các nghệ sĩ ca Huế đến đây không có chỗ cúng, phải đi tìm mượn cái bàn gỗ để đặt hương hoa mà tưởng nhớ cụ.

Như lời của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, không gian của Châu Hương Viên đã gần như bị bỏ hoang suốt mấy chục năm qua. Vốn là một tư thất rộng rãi nằm giữa khu vườn đầy cây cối, nhưng hiện nay Châu Hương Viên chỉ là khu nhà rường cổ ba gian đã xuống cấp, nằm thọt lỏm giữa những ngôi nhà cao tầng cuối đường Nguyễn Sinh Cung (phường Vỹ Dạ, TP Huế). Những cấu kiện bằng gỗ trong ngôi nhà này đã bị mối mọt, một phần mái bị đổ sụp, trống hươ trống hoác. Khu nhà xuống cấp, rệu rã đến độ có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Chẳng mấy ai nghĩ rằng khuôn viên này từng là nơi sinh sống và địa điểm sinh hoạt văn hóa nổi tiếng của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một nhà thơ tiếng tăm thời cận đại.

Năm 1961, khi cụ Ưng Bình qua đời, Châu Hương Viên được giao lại cho người con cái gìn giữ, quản lý. Tuy nhiên, năm 1968, những người con của cụ cũng chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và kể từ đó, khuôn viên ngôi nhà không được trông coi và dần trở nên hoang tàn theo thời gian. Châu Hương Viên vốn là địa chỉ văn hóa, được tổ chức các hoạt động nghệ thuật ngâm thơ, biểu diễn ca Huế thính phòng dưới thời cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị còn sống. Trải qua nhiều biến cố thời gian lịch sử và tác động của thời tiết, sự xuống cấp của khu nhà khiến các nghệ sĩ ca Huế tìm về đây để tưởng nhớ cụ không khỏi chạnh lòng, đau xót.

Các nghệ sĩ kêu gọi cộng đồng tu bổ Châu Hương Viên

Nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị được xem là người có công lớn trong việc hình thành và phát triển ca Huế thính phòng, đưa ca Huế từ diễn xướng trong Cung đình ra dân gian. Sau khi lui khỏi chốn quan trường, ông thường tổ chức các hoạt động biểu diễn ca Huế, ngâm thơ ở tư thất Châu Hương Viên của mình. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đất thần kinh thời đó đã đến đây để giao lưu, biểu diễn nghệ thuật. Châu Hương Viên trở thành địa chỉ văn hóa nổi tiếng xứ Huế.

Nhiều năm trước, con cháu của cụ Ưng Bình đã tính đến kế hoạch trùng tu Châu Hương Viên nhưng không đủ nguồn lực. Đây cũng là đau đáu của nhiều nghệ sĩ ca Huế “gạo cội” hiện nay. Nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, hiện Chủ nhiệm CLB Ca Huế thính phòng, cho biết: “Bà Tôn Nữ Hỷ Khương - con gái của cụ Ưng Bình từng chia sẻ rằng muốn giao lại Châu Hương Viên cho chính quyền địa phương để có phương án tu bổ và biến nơi đây trở lại thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa của Huế như ngày xưa. Điều đó làm giới văn nghệ sĩ ở Huế cũng rất vui mừng. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng con cháu trong gia đình cụ để kêu gọi các tổ chức, cá nhân và sự chung tay của chính quyền địa phương, ngành văn hóa để mong muốn ấy nhanh chóng được thực hiện”.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế cho biết, ngành văn hóa đã có trao đổi với gia đình của bà Tôn Nữ Hỷ Khương về thủ tục bàn giao khuôn viên Châu Hương Viên để địa phương tiếp nhận. Đồng thời, Sở cũng tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đánh giá lại toàn bộ công trình để có kế hoạch tu sửa lâu dài. Trước mắt, sẽ có giải pháp chống mối mọt và chống đỡ ngôi nhà để không bị ảnh hưởng bởi mưa bão.

Mong muốn của văn nghệ sĩ Huế là xem xét công nhận Châu Hương Viên là di tích cấp tỉnh, qua đó để có cơ sở pháp lý trùng tu và phục hưng lại công trình này. Cuối tháng 4 vừa qua, Sở VHTT cũng đã có cuộc họp về việc xây dựng hồ sơ cho địa chỉ này. Nhà thơ Võ Quê cũng thông tin rằng, cùng với sự vào cuộc của ngành văn hóa và UBND tỉnh để tu bổ lại Châu Hương Viên, các nghệ sĩ ca Huế cũng sẽ huy động, kêu gọi đóng góp của các Mạnh Thường Quân. “Đây là việc làm ý nghĩa, tôi tin rằng nhiều người sẽ ủng hộ và chung tay phục hồi lại Châu Hương Viên. Nếu thực hiện tốt, đây không chỉ là địa chỉ văn hóa tổ chức các hoạt động biểu diễn của các CLB thơ, các CLB ca Huế… mà còn có thể khai thác thành tour phục vụ du khách”, nhà thơ Võ Quê chia sẻ. 

  Ưng Bình Thúc Giạ Thị tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (1877), là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Huế, năm 1909 ông thi đỗ cử nhân Hán học và được bổ nhiệm các chức Tri huyện, Tri phủ, rồi Bố chánh Hà Tĩnh. Năm 67 tuổi, ông được phong Hiệp tá Đại học sĩ. Ông được biết đến là một nhà thơ nổi tiếng vào thời kỳ cận đại, và ông cũng đã để lại gần 2.000 bài thơ chữ Việt và Hán cùng nhiều vở tuồng nổi tiếng. Cụ Ưng Bình cũng là người sáng tác nhiều lời cho các bài bản ca Huế.

SƠN THÙY

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top