Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước: Nỗ lực giảm tỉ lệ tử vong do đuối nước

Thứ Hai 20/05/2019 | 09:30 GMT+7

VHO- Đánh giá rằng dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các Bộ, ngành cũng đã đề ra nhiều biện pháp nhằm triển khai chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước nhưng số người tử vong do đuối nước ở nước ta vẫn còn rất cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cấp, ngành cần phải vào cuộc nghiêm túc, tích cực hơn để giảm thiểu tỉ lệ đau lòng này.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với các cháu học sinh Ảnh: ĐÌNH NAM

Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước năm 2019, do Bộ VHTTDL; Bộ GD&ĐT; Bộ LĐ, TB&XH; UBND TP Hà Nội tổ chức vào sáng ngày 19.5 tại Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao quận Long Biên, Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu. Buổi lễ còn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và 3.000 học sinh thành phố Hà Nội...

Tỉ lệ tử vong do đuối nước cao hơn mức trung bình ASEAN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bơi là một môn thể thao thú vị và việc biết bơi và biết các kỹ năng phòng, chống đuối nước là vô cùng quan trọng và cần thiết để mỗi người có thể vượt qua hiểm họa, nguy cơ đe dọa tính mạng mình, bản thân mình, có thể cứu mạng mình và cứu mạng người khác. “Tuy nhiên trước câu hỏi bạn đã biết bơi chưa, vẫn rất còn nhiều cánh tay trong hội trường này giơ lên công nhận mình chưa biết bơi. Một năm ở Việt Nam có gần 6.000 người trong đó có gần 2.000 trẻ em, bị chết do đuối nước. Tức là cứ 100.000 người dân có 5,9 người bị chết do đuối nước. Tỷ lệ này cao  hơn mức trung bình của các nước ASEAN (5,2) và thế giới (4,3). Dù có rất nhiều biện pháp đã triển khai nhưng số người tử vong do đuối nước ở Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt đau xót là gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm”, Phó Thủ tướng nêu lên thực trạng đáng lo ngại.

“Chúng ta đã thực sự tích cực, nghiêm túc chưa? Có rất nhiều chỉ đạo và từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh nhưng đến nay mới chỉ có gần 1000/50.000 trường học triển khai chương trình 100% học sinh biết bơi; khoảng 1.000/11.000 xã triển khai chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. Chúng ta phải thực sự làm nghiêm túc, trách nhiệm trước tính mạng của nhân dân, đặc biệt của trẻ em”, Phó Thủ tướng nêu rõ và cho rằng việc biết bơi chưa đủ mà mỗi người phải được trang bị kỹ năng ứng phó, xử lý để cứu người bị đuối nước. Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành nghiêm túc chấp hành chỉ thị của Thủ tướng.

 Các em được học kỹ năng phòng, chống đuối nước ngay tại buổi lễ Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Các tỉnh, thành sẽ vào cuộc tích cực

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ VHDTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại buổi lễ thì tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, trung bình mỗi năm giai đoạn 2010 - 2015 có trên 3.000 thanh thiếu nhi tử vong do đuối nước, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi khoảng 2.200 em. Con số này được giảm xuống là 1.995 em trong năm 2017 và 782 em của 42/63 tỉnh/ thành trong 6 tháng đầu năm 2018. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước là do trẻ em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; người lớn thiếu quản lý, giám sát; do thiên tai bão lũ…

Vì thế với chức năng quản lý nhà nước về các hoạt động bơi lặn và hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật môn bơi, trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh/thành trong cả nước xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn. Tính đến nay, 100% các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương, 80% quận, huyện, thành phố, thị xã có kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em và Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.

Trong hai năm 2017 và 2018, ngành VHTTDL đã phối hợp tổ chức được hơn 60.000 buổi phổ biến, tuyên truyền, phát hành 160.000 tài liệu, gần 10.000 tin bài, phóng sự tuyên truyền về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; phối hợp tổ chức gần 2.000 lớp tập huấn cho gần 50.000 hướng dẫn viên dạy bơi và nhân viên cứu hộ đuối nước của các xã, phường, trường học, các đơn vị tổ chức hoạt động bơi lặn, khu vui chơi giải trí dưới nước; tổ chức gần 37.000 lớp dạy bơi cho trên 3.700.000 trẻ em, trong đó số trẻ em biết bơi sau khi tham dự các lớp học bơi là 2.200.000 em...

Trong khuôn khổ chương trình, lãnh đạo Đảng, Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội... đã cùng bấm nút phát lệnh Cuộc vận động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước. Ngay sau đó, nhiều hoạt động hưởng ứng sôi nổi đã diễn ra, bao gồm: Chương trình hoạt náo, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trẻ em; các trò chơi làm quen với nước; thi biểu diễn kỹ năng an toàn và trò chơi kỹ năng cứu đuối an toàn... Theo kế hoạch, sau lễ phát động, 63 tỉnh, thành sẽ tùy điều kiện thực tế, tổ chức lễ phát động hưởng ứng chương trình tại các địa phương. 

 THU SÂM - ĐÌNH TOÁN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top