Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đổi mới cho “linh hồn” của bảo tàng

Thứ Tư 12/02/2020 | 11:03 GMT+7

VHO- Với sự tác động của cuộc cách mạng 4.0, để thu hút công chúng đến với thiết chế văn hóa bảo tàng, giới chuyên gia cho rằng, vấn đề sống còn hiện nay là phải đổi mới cho “linh hồn” của bảo tàng, đó chính là đổi mới hoạt động trưng bày.

 Du khách quốc tế và công chúng trong nước tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM)

Cuộc tọa đàm về chủ đề trên vừa diễn ra mới đây đã thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý, theo đó nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thay đổi cách nhìn về hoạt động trưng bày, nếu không hiện vật sẽ thành “vô tri, vô giác”.

Theo ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, để khách tham quan có thể xem, nghe và tương tác, khám phá lịch sử hoặc tự trải nghiệm các câu chuyện lịch sử được đặt trong bối cảnh cụ thể, sử dụng giọng nói của chính những người trong cuộc, gợi mở cho khách tham quan thì có thể tiếp cận đa dạng các góc nhìn lịch sử và tự trải nghiệm… Trước tiên, cần đổi mới công tác trưng bày theo cách hướng các nội dung trưng bày về cộng đồng và vì cộng đồng để đánh thức tiềm năng của kho tàng di sản văn hóa dân tộc đang được lưu giữ tại hệ thống bảo tàng.

Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao tính tương tác bằng cách kết hợp nhiều hình thức để truyền tải nội dung dưới nhiều góc cạnh khác nhau nhằm giúp người xem tự trải nghiệm… Cũng theo ông Nam, với sự phát triển của cách mạng 4.0, hoạt động trưng bày không thể thụ động với việc chỉ bày các hiện vật, chú thích đầy đủ thông tin, thuyết minh, giới thiệu nội dung trưng bày theo các bài đã được chuẩn bị sẵn; hoặc trưng bày những gì bảo tàng muốn khách tham quan tìm hiểu, các thông điệp mà bảo tàng cho rằng công chúng nên biết. Bảo tàng hiện đại phải hiểu rõ nhu cầu tìm hiểu, mong muốn học tập, trải nghiệm của công chúng để xây dựng các nội dung, các hoạt động phù hợp với nhu cầu của công chúng tham quan.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, mỗi trưng bày trong bảo tàng dù là trưng bày thường xuyên hay nhất thời cũng phải chú trọng đến việc tạo ra môi trường để công chúng trải nghiệm. Sự trải nghiệm đó có mang đến hứng thú cho công chúng hay không tuỳ thuộc vào nội dung, chất lượng mỗi cuộc trưng bày, môi trường trải nghiệm. Để có cuộc trưng bày với nội dung hay, hấp dẫn thì cuộc trưng bày đó phải có thông điệp rõ ràng. Khi đó, dù không được tham gia trực tiếp trong những sự kiện lịch sử, nhưng công chúng sẽ có cơ hội hiểu biết kỹ hơn và có những thang bậc cảm xúc khác nhau về các sự kiện đó, nếu hoạt động trưng bày mang đến công chúng một môi trường trải nghiệm bằng tất cả các giác quan, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP. HCM nhìn nhận, chưa bao giờ công chúng có quyền nhiều hơn đối với nơi cung cấp món ăn tinh thần cho họ, nơi mà sự cảm thụ về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật đôi khi mang tính áp đặt, khiên cưỡng. Thực tế hiện nay, công chúng không còn thụ động như trước đây mà đòi hỏi phải được nhận nhiều hơn. Nói khác đi, bảo tàng đang đứng trước những yêu cầu cạnh tranh trong một môi trường cực kỳ khó khăn, bởi sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí, thiết chế văn hóa mới. Trong bối cảnh này, hệ thống bảo tàng muốn chiếm ưu thế, buộc phải chuyển đổi công nghệ, cho phép người dùng tương tác và tìm hiểu thông tin một cách trực tiếp.

Điển hình như ứng dụng săn tìm kho báu “Traiblazers” của Bảo tàng Úc tập trung và hướng tới đối tượng trẻ em. Trò chơi này thông qua việc gợi lên sự tò mò từ công chúng trẻ trong việc tham gia khám phá bảo tàng để phục vụ cho việc học tập. Bằng việc yêu cầu khách tham quan thu thập các vật phẩm dành cho nhân vật mà họ “hóa thân” hoạt động trong trò chơi rải rác có tại các phòng trưng bày của bảo tàng, du khách tự động tìm đến các bộ sưu tập trong bảo tàng, tự trải nghiệm và lựa chọn cho mình những sản phẩm phù hợp để hoàn thành trò chơi. Qua khảo sát cho thấy có 28% khách tham quan tham gia trò chơi hai lần và đa phần là thiếu nhi. Và đây là một thử nghiệm tương tác khá thành công của Bảo tàng Úc.

Nước ta hiện có hệ thống bảo tàng rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên số lượng các bảo tàng ứng dụng công nghệ hiện đại còn rất hạn chế. Số bảo tàng có ứng dụng công nghệ số trong trưng bày hiện cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Riêng tại TP. HCM mới chỉ có ba điểm tham quan được thí điểm công nghệ mới là Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Khu di tích Địa đạo Củ Chi. Nếu không muốn bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống bảo tàng buộc phải đổi mới, chuyển mình sang mô hình bảo tàng thông minh, hiện đại để phục vụ nhu cầu tiếp cận với nhiều hình thức khám phá độc đáo của công chúng tham quan. 

HOÀNG HẢI

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top