Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Sân khấu Hà Nội: Nghĩ xa để tiến xa hơn...

Thứ Hai 05/10/2020 | 12:08 GMT+7

VHO- Những ngày qua, Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2020 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở VHTT Hà Nội tổ chức đã làm cho đời sống văn hóa văn nghệ của Hà Nội trở nên sôi động. Thế nhưng, khi Liên hoan kết thúc, những người tâm huyết với nghệ thuật đều có chung một nỗi niềm trăn trở: Vì sao với đội ngũ tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ sân khấu hùng hậu như vậy mà Liên hoan lại thiếu vắng hẳn mảng đề tài phản ánh cuộc sống đương đại...?

 Vở “Người tốt nhà số 5” của Nhà hát Kịch Việt Nam được trao giải Vàng

 Cứ ngỡ Liên hoan sân khấu Thủ đô thì người xem sẽ được thưởng thức những tác phẩm nóng bỏng tính thời sự, phản ánh những lát cắt đa diện của Hà Nội trong thời kỳ hội nhập, vậy mà phần lớn các tác phẩm tham gia đều khai thác đề tài lịch sử, dân gian, dã sử...

Đâu rồi một sân khấu tiên phong?

Liên hoan lần này có ba đơn vị nghệ thuật của Hà Nội tham gia, đó là: Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội. Đáng tiếc là cả ba nhà hát đều không khai thác đề tài hiện đại, phản ánh hơi thở, nhịp sống và đặc trưng của con người đất Tràng An ngày hôm nay. Hai giải Vàng của Liên hoan được trao cho Bạch đàn liễu của sân khấu LucTeam và Người tốt nhà số 5 của Nhà hát Kịch Việt Nam. Sự ghi nhận của NSND Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cũng cho thấy rất rõ ưu điểm nổi trội của Liên hoan lần này là sự xuất hiện của những đạo diễn trẻ tiềm năng bên cạnh những đạo diễn đã thành danh. Nhiều kịch bản cũ đã được dàn dựng theo tư duy mới với những tìm tòi rất đáng trân trọng, điều này thể hiện rõ ở các vở diễn như: Bạch đàn liễu, Người tốt nhà số 5, Tình sử Thăng Long, Truyền tích Cổ Loa xưa, Trinh Nguyên, Người đi tìm minh chủ…

Có nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho ê kíp sáng tạo của Nhà hát Cải lương Hà Nội và Nhà hát Kịch Hà Nội, khi khó có thể phát huy sở trường với những kịch bản được giới nghề đánh giá là “quá yếu”. Mặc dù đạo diễn của Trương Chi - Mỵ Nương (Nhà hát Kịch Hà Nội) đã rất cố gắng sáng tạo nên một hình thức thể hiện mới lạ trên sân khấu quay hiện đại của Rạp Công nhân thì vẫn không thể khoả lấp đi cái yếu của khâu kịch bản. NSND Lan Hương, thành viên của Hội đồng giám khảo nhận định về vở Huyền thoại Thánh Mẫu của Nhà hát Cải lương Hà Nội: “Tôi rất mong chờ vở diễn này vì NSND Hoàng Quỳnh Mai là một đạo diễn luôn có những tìm tòi sáng tạo đặc biệt trên sân khấu Cải lương. Vậy mà khi xem vở diễn dự thi, tôi cảm thấy hụt hẫng bởi sự thiếu logic trong công tác biên kịch cũng như nội dung tư tưởng, cách thể hiện nhiều lúc gây cho người xem cảm giác... phi nghệ thuật”.

 Vở “Bạch đàn liễu” của sân khấu LucTeam đã giành giải Vàng bởi cách xử lý sáng tạo, hấp dẫn

Cần sinh khí mới cho sân khấu Thủ đô

Vì sao một sân chơi chuyên nghiệp như Liên hoan sân khấu mà bản thân vị Chủ tịch Hội đồng giám khảo phải đưa ra những đánh giá như: Thiếu vắng những kịch bản phản ánh cuộc sống ngày hôm nay một cách chân thực; Nhạc chọn rất nhiều mà không có những sáng tác mới; Rất ít những sáng tạo thành công về thiết kế mỹ thuật, đa phần chỉ là minh họa, chắp vá, không góp phần đồng sáng tạo…? Đã tới lúc, những người làm nghệ thuật cần nhìn lại chính mình một cách nghiêm khắc để sân khấu Hà Nội tìm ra hướng đi mới, tránh sự tụt hậu, để mỗi nghệ sĩ trong quá trình hình thành tác phẩm đều nhận thức đủ và thể hiện được rõ nét sự chuyển hóa của hiện thực Thủ đô hôm nay. Sự chuyển hóa ấy chính là xu hướng của đời sống. Khán giả của sân khấu hiện đại từ lâu không còn là những người dân sống trong những căn hộ tập thể, tiết tấu cuộc sống chậm rãi. Nên chăng, đã đến lúc BTC Liên hoan cần tính đến việc xây dựng nên một thương hiệu, một sân chơi nghệ thuật đặc thù riêng cho Thủ đô?

Dù khó tính hay khắt khe đến đâu chúng ta đã phải thừa nhận rằng, suốt nửa thế kỷ qua, nghệ thuật sân khấu Thủ đô đã đóng một dấu son trên chặng đường lịch sử sân khấu Việt Nam. Nhưng quá khứ bao giờ cũng ở phía sau, dù huy hoàng và chói lọi, nhất là khi tình yêu và niềm tin của khán giả đối với sân khấu Hà Nội đã có phần chững lại, cộng thêm những tháng ngày qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nhiều người “ngại” đi xem biểu diễn nghệ thuật. Nếu cứ mãi đưa những ông hoàng, bà chúa… lên thánh đường sân khấu thì có vẻ như sẽ khó hấp dẫn được khán giả Hà Nội, nhất là lớp trẻ. Biết bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu nhân vật của một thời kỳ đương đại sôi nổi đang diễn ra mà nghệ thuật sân khấu không khắc họa, không trình bày, không lý giải được một cách thuyết phục khán giả hôm nay.

Tuy nhiên, sự hào hứng cũng như tình cảm nồng nhiệt mà khán giả dành tặng cho một số vở diễn hay được trao giải cao tại Liên hoan lần này cho thấy công chúng không hề quay lưng với nghệ thuật mà bản thân những người làm nghệ thuật sẽ phải “vắt tay lên trán” nghĩ xem làm gì để có thể mang tới sự bứt phá mới cho nghề nghiệp của mình. 

 THUÝ HIỀN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top