Ươm mầm để người trẻ gắn kết với tuồng cổ

VHO - Sau ba tháng triển khai đào tạo và truyền dạy kỹ thuật vẽ mặt nạ tuồng, nhiều nghệ sĩ trẻ tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã tự tay vẽ cho mình và bạn diễn những mặt nạ nhân vật tiêu biểu; qua đó, góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một này.

Ươm mầm để người trẻ gắn kết với tuồng cổ - Anh 1

 Không gian trưng bày “Mặt nạ tuồng” tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, khu di sản Hoàng cung Huế thu hút nhiều bạn trẻ tới tham quan, tìm hiểu

 Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, nhiều du khách đến tham quan tìm hiểu không gian trưng bày “Mặt nạ tuồng” tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, bên trong khu di sản Hoàng cung Huế. Ai cũng tỏ ra thích thú, đặc biệt nhiều bạn trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống đã có dịp tìm hiểu về hình thức mặt nạ của 20 nhân vật tiêu biểu trong các vở tuồng cổ… Không gian trưng bày là kết quả của chương trình đào tạo và truyền dạy kỹ thuật vẽ mặt nạ tuồng do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng và Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) tài trợ.

Trao truyền kỹ năng vẽ mặt nạ tuồng

Là đơn vị chủ lực trong biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có Tuồng cung đình, nhưng tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đến nay chỉ có vài nghệ sĩ vẽ được mặt nạ tuồng và hầu hết đều đã lớn tuổi, trong khi lớp kế cận lại quá ít ỏi, nếu không sớm đào tạo và trao truyền thì sớm muộn cũng sẽ rơi vào nguy cơ thất truyền.

NSƯT Hoàng Trọng Cương, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát cho biết: “Khóa đào tạo này do NSƯT La Hùng, con trai cố nghệ nhân tuồng cung đình nổi tiếng La Cháu trực tiếp truyền nghề. Qua ba tháng triển khai, dự án đã cho kết quả với 300 sản phẩm, là những mặt nạ nhân vật trong các vở tuồng cổ tiêu biểu được học viên thực hiện. Dự án đã góp phần bảo tồn nghệ thuật tuồng nói chung và loại hình độc đáo mặt nạ tuồng nói riêng. Qua đây, Nhà hát đã có lớp kế cận và trên cơ sở đó chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lớp học hằng năm để “bày” cho những nghệ sĩ, diễn viên mới vào nghề…”.

Bà Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế thông tin: Để dự án thực sự có hiệu quả về lâu dài, chúng tôi để các diễn viên chủ động đăng ký tham gia, vì chỉ có thực sự yêu thích, tâm huyết với di sản văn hóa này thì mới đem lại kết quả cũng như xây dựng được nguồn kế cận cho Nhà hát. Có 15 nghệ sĩ, diễn viên đã tham gia khóa đào tạo, trong đó người trẻ nhất chỉ mới ngoài đôi mươi. Dự án truyền dạy 20 mẫu mặt nạ nhân vật điển hình trong các vở tuồng nổi tiếng; chọn các tiêu chí đặc trưng nhất về vai diễn như vai vua, tướng, đào, kép... Học viên được cung cấp các thông tin cơ bản về lý thuyết mẫu hình của nhân vật, sau đó được hướng dẫn vẽ trên mặt nạ giấy bồi và tiếp đó là vẽ trên chính khuôn mặt mình. Học viên sau khi hoàn thành khóa học đã nâng cao kỹ năng vẽ mặt nạ tuồng một cách rõ rệt, mỗi người đều hoàn thành xuất sắc 20 nhân vật tuồng mà dự án đưa ra.

Có thể kể đến một số nhân vật trong các vở tuồng tiêu biểu được các học viên thực hiện vẽ mặt nạ như: Trụ vương trong vở Trầm Hương Các; Kỷ Lan Anh trong vở Hộ Sanh Đàn; Dương Phàm trong vở Đàng Chinh Tây; Phàn Diện trong vở Sơn Hậu; Cao Hoài Đức trong vở Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu; Tạ Ngọc Lân trong Ngọn lửa Hồng Sơn; Đào Tam Xuân trong Đào Tam Xuân loạn trào; Lý Ngư Tinh trong Lý Phụng Đình...

Tìm nguồn kế cận cho tuồng

Theo lãnh đạo Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, nguồn nhân lực của nghệ thuật tuồng cung đình đang rất khan hiếm. Nhiều năm qua, đơn vị chỉ tuyển được một vài gương mặt mới trong khi những diễn viên tại đơn vị đã khá lớn tuổi. Địa bàn Thừa Thiên Huế cũng không có cơ sở đào tạo về nghệ thuật tuồng nên việc tuyển cũng gặp không ít khó khăn.

NSƯT Hoàng Trọng Cương cho biết: “Nhà hát có đoàn Thanh Bình chuyên biểu diễn tuồng với khoảng 30 nghệ sĩ; ngoài ra đoàn Ba Vũ (chuyên về múa cung đình) cũng có nhiều diễn viên được đào tạo và biểu diễn các trích đoạn tuồng. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật truyền thống này rất ít người theo học nên mấy năm gần đây chúng tôi chỉ tuyển được 1-2 diễn viên. Thực tế đây là loại hình khó sống, hiếm môi trường biểu diễn nên nhiều em dù có năng khiếu cũng đi theo các ngành khác để phù hợp với xu thế. Dù Nhà hát chúng tôi luôn có không gian diễn xướng không sợ thiếu đất diễn, tuy nhiên lớp trẻ vào vẫn rất ít. Đây là điều mà chúng tôi lo lắng lâu dài”.

Hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang xây dựng đề án thành lập Trung tâm Giáo dục di sản với mục đích lan tỏa giá trị di sản văn hóa đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Không chỉ giáo dục di sản văn hóa, Trung tâm sẽ triển khai các lớp đào tạo về Nhã nhạc, nhạc cụ dân tộc, tuồng, ca Huế... “Đối tượng chúng tôi hướng đến là các cháu nhỏ, từ đó đào tạo dần và tìm ra tài năng. Muốn dài hơi thì định hướng là tìm nguồn ngay từ các lớp đồng ấu này”, ông Hoàng Trọng Cương nói.

Diễn viên La Tuấn (49 tuổi) đã tham gia biểu diễn tuồng cung đình từ hàng chục năm qua và là “hạt giống” của loại hình nghệ thuật này tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, anh cũng là một trong 15 học viên tham gia khóa đào tạo vẽ mặt nạ tuồng hồi cuối năm 2023. “Với nghệ thuật tuồng, việc học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng chuyên môn không bao giờ là đủ. Nhiều năm qua, tôi vẫn luôn trau dồi kiến thức từ các thế hệ đi trước; và những kiến thức, kỹ năng mà mình có được sau này tôi cũng sẵn sàng truyền lại cho các bạn trẻ có niềm đam mê tiếp bước với nghệ thuật tuồng”, diễn viên La Tuấn chia sẻ. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc