Những ký ức không thể nhạt phai

VHO- “Không thể tưởng tượng sau 50 năm tôi và những đồng đội một thời cùng chung hoàn cảnh sống chết, chiến đấu có nhau nay lại có thể vui cười, cầm tay nhau đi trên bãi biển Côn Đảo, ôn lại kỷ niệm xưa. Trước đây, chúng tôi hát Quốc ca trong các phòng giam với tư cách người tù đấu tranh đòi quyền dân chủ cho mình. Còn nay, chúng tôi đứng tại chân cột cờ, hát vang Quốc ca với tư cách công dân của một đất nước tự do, cảm xúc thật thiêng liêng và đầy tự hào!”.

Những ký ức không thể nhạt phai - Anh 1

 Những bức ảnh truyền tải thông điệp: “Hãy biết trân quý giá trị của hòa bình để thấu hiểu những hy sinh cao cả của thế hệ cha anh đi trước...”

 Đó là chia sẻ của cựu tù Trần Thị Trúc Chi (70 tuổi) tại cuộc triển lãm và ra mắt hai cuốn sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại Biệt đội giữ bình yên “Đất lửa” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.

Trường học - trường đời

Mở trang đầu tiên của cuốn sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Đảo - Ngày trở lại (tập 1) của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nữ cựu tù đã hai lần bị đày ra Chuồng cọp Côn Đảo viết: “Chúng tôi xem nhà tù là trường học, trường đời - nơi có biết bao tấm gương của lớp người đi trước thà hy sinh thân mình để bảo vệ khí tiết cách mạng; nơi chúng tôi đã đoàn kết đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù; nơi chúng tôi chà nát đôi bàn tay để xóa đi dấu vân tay của mình nhằm đối phó âm mưu hiểm độc của kẻ thù... Đối với chúng tôi - những người tù cộng sản thì nhà tù, nơi địch chỉ có thể giam cầm được thân xác chứ không thể giam cầm được ý chí luôn sục sôi căm hờn và trái tim tràn đầy nhựa sống về ngày mai tươi đẹp của đất nước”.

Trong lần trở lại Côn Đảo này, cựu tù Trần Thị Trúc Chi cũng khẳng định, đối với bà, đây chính là trường học cách mạng lớn nhất mà bà được vinh dự theo học. Dù chỉ ở Côn Đảo gần 3 năm (1972-1974), nhưng bà đã thực sự trưởng thành từ những bài học thực tế, từ những cuộc đấu tranh của tập thể. “Thời gian trôi qua rất nhanh, đã 50 năm từ ngày ký kết Hiệp định Paris, nhưng ký ức về một thời quá khứ đầy bi tráng ở Côn Đảo không bao giờ phai nhạt. Nhớ quá khứ không phải để thù hận mà để ghi nhận rằng “cái giá của hòa bình” không hề thấp, chúng ta đã phải hy sinh rất nhiều... Côn Đảo ngày nay đang bừng sáng với vẻ đẹp thiên nhiên vốn có và dưới bàn tay xây dựng của những người tâm huyết với vùng đất này... Hãy biến ước mơ của những người đã từng chiến đấu ở Côn Đảo thành hiện thực. Côn Đảo sẽ là “thiên đường” nơi hạ giới”, cựu tù Trần Thị Trúc Chi chia sẻ.

Thanh xuân là những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời người. Nhưng khi nhớ về 7 năm đối diện với lằn ranh sinh tử tại nhà tù Côn Đảo, cựu tù Nguyễn Thị Bé Bảy (79 tuổi) vẫn tưởng như mới ngày hôm qua: “Thanh xuân của chúng tôi trải qua ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, khó khăn nhất, nhưng chính nơi này đã rèn luyện ý chí, hun đúc tinh thần quả cảm, hy sinh vì quê hương, đất nước của lớp lớp thế hệ chiến sĩ cách mạng…”. Bà Bé Bảy nhắn nhủ đến thế hệ trẻ ngày nay: “Các bạn được sinh ra trong điều kiện vật chất đầy đủ, được sống trong độc lập, hòa bình nhưng hãy luôn đùm bọc, yêu thương nhau, đoàn kết như các chiến sĩ cách mạng đã biến nhà lao thành mặt trận chiến đấu với kẻ thù. Phải luôn giữ vững sự kiên trung, bất khuất; phát huy bản chất cách mạng trong tình hình mới”.

Những ký ức không thể nhạt phai - Anh 2

Những “bông hồng thép” tham gia vào công việc rà phá bom mìn

Hàn gắn vết thương chiến tranh

Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng mảnh đất và con người Quảng Trị vẫn đang phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề. Thật thương tâm khi có những con người, những số phận, từ người già đến trẻ nhỏ phải mang trên mình thương tật từ hậu quả mà chiến tranh để lại. Người thì mang vết thương trở về từ cuộc chiến, người thì tàn phế từ đạn bom còn sót lại, những đứa trẻ tật nguyền vì nhiễm chất độc màu da cam, cùng với đó là nhiều hoạt động kinh tế xã hội vẫn bị cản trở... Vì thế, trong những năm qua, ngoài những nỗ lực từ lực lượng quân đội, còn có sự chung sức của các thành viên thuộc dự án NPA/RENEW - Chương trình khảo sát bom mìn của Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy hợp tác với Dự án RENEW tại tỉnh Quảng Trị.

Cuốn sách ảnh Biệt đội giữ bình yên “Đất lửa” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á vừa ra mắt đã ghi lại những hoạt động của đội rà phá bom mìn thuộc dự án NPA/RENEW. Điều đặc biệt là trong đó có cả hình ảnh về những “bông hồng thép” tham gia vào công việc tưởng chỉ dành cho nam giới.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, nhân viên đội rà phá bom mìn cho biết: “Có thể mọi người cho rằng việc này chỉ dành cho các anh, nhưng chị em phụ nữ trong đội đã chứng minh điều ngược lại. Mỗi ngày, tất cả các mọi người đều nỗ lực để làm cho mảnh đất quê hương trở nên an toàn hơn. Chúng tôi hiểu rằng, nếu ai cũng lo sợ thì người nào sẽ làm công việc này?! Vì sự ý nghĩa nhân đạo của nó mà gia đình, bạn bè tôi cũng đã dần hiểu hơn về công việc mà tôi đang theo đuổi. Từng có người nói rằng: “Mỗi một giọt mồ hôi của đội rà phá bom mìn đổ xuống thì lại có một vật liệu nổ được phá hủy an toàn”. Được cống hiến, được làm việc ngay chính trên quê hương mình là một điều khiến bản thân tôi rất tự hào”.

Là một trong những nhân vật trong bộ sách ảnh Biệt đội giữ bình yên “Đất lửa”, Đội phó Phan Thị Thu Hương chia sẻ: “Chiến tranh đã đi qua nhưng hậu quả của nó để lại vẫn còn rất lớn. Bố của tôi cũng là một trong những nạn nhân phải gánh trên mình nỗi đau tàn tật từ phế liệu của chiến tranh suốt 40 năm qua. Ông đã bị tai nạn bom mìn trong lúc làm nương rẫy. Vụ nổ đã lấy đi một mắt phải của bố, kể từ đó nó trở thành nỗi ám ảnh của gia đình tôi, và tôi luôn trăn trở phải làm gì để góp phần đem lại bình yên cho mọi người, mọi nhà và nhanh chóng khắc phục hậu quả của chiến tranh? Làm thế nào để gia đình tôi và mọi người dân yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng mà không còn lo lắng? Chính điều này đã khiến tôi có động lực để theo đuổi con đường biết là rất vất vả và nguy hiểm này…”.

Qua những bức ảnh trong hai cuốn sách có thể thấy rõ thông điệp mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Á mong muốn gửi đến thế hệ trẻ, đó là: Hãy biết trân quý giá trị của hòa bình để thấu hiểu những hy sinh cao cả của thế hệ cha anh đi trước... 

MINH HÀ

Ý kiến bạn đọc