80 năm “Nhật ký trong tù”: Những giá trị bền vững, sức lan toả sâu rộng

VHO - Đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương tổ chức vào chiều ngày 18.8 tại Hà Nội. Hội thảo nhằm thiết thực kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9; kỷ niệm 80 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm bất hủ Nhật ký trong tù.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lẵng hoa chúc mừng Hội thảo. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo có PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương và PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng.

80 năm “Nhật ký trong tù”: Những giá trị bền vững, sức lan toả sâu rộng - Anh 1

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương khẳng định, Nhật ký trong tù là tác phẩm có đời sống đặc biệt và giá trị văn hoá, nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Tác phẩm đã làm phong phú thêm di sản văn hóa và cách mạng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần quan trọng vào làm giàu kho tàng di sản văn hóa, tinh thần của dân tộc, nhân dân ta. Với những giá trị to lớn và bền vững đó, ngày 1.10.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận và tôn vinh tác phẩm Nhật ký trong tù là Bảo vật quốc gia.  

Vào sáng ngày 27.8.1942, khi vừa đến thị trấn Túc Vinh, huyện Thiên Bảo (nay là huyện Đức Bảo), tỉnh Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và sau đó bị giam giữ ở nhà lao huyện Tĩnh Tây. Từ đây, Bác bắt đầu cuộc hành trình 13 tháng đầy gian lao, khổ cực qua 18 nhà giam khắp 13 huyện của tỉnh Quảng Tây. Đến ngày 10.9.1943, do không thể buộc tội Bác và trước sức ép của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như dư luận của quốc tế, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã phải trả tự do cho Người. Trong những ngày tháng bị giam cầm gian khổ và oan trái đó, Bác đã viết tập nhật ký bằng thơ chữ Hán gồm 133 bài, ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình về hiện thực đời sống trong tù, những điều trông thấy trên đường đi, tấm lòng nhớ thương đất nước, nhân dân mình và mong ngóng sớm trở về tiếp tục lãnh đạo cách mạng.

80 năm “Nhật ký trong tù”: Những giá trị bền vững, sức lan toả sâu rộng - Anh 2

PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh những giá trị của Nhật ký trong tù sẽ còn mãi

Cũng theo PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, tác phẩm Nhật ký trong tù mang nhiều giá trị to lớn, có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và trên thế giới. Từ năm 1960, tập Nhật ký trong tù đã được chuyển từ tiếng Hán sang tiếng Việt và sau đó được dịch ra tiếng Nga, Ba Lan, Anh, Pháp, Trung, Hungary, Đan Mạch, Đức… Cho đến nay tác phẩm đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng, được đông đảo người đọc trên thế giới đón nhận nồng nhiệt. Sức sống mãnh liệt, lâu bền; sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ của Nhật ký trong tù suốt 80 năm qua đã trở thành chân lý của sáng tạo nghệ thuật khi đi đến tận cùng của tâm hồn, cảm xúc, thân phận con người, tình yêu Tổ quốc.

Nhật ký trong tù còn cho ta thấy cốt cách văn hóa sáng ngời của một nhà yêu nước vĩ đại, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một ý chí bất khuất; tâm thế ung dung, tự tại. Khi đọc tác phẩm, chúng ta được tiếp cận với chất thép của ý chí cách mạng, tính chiến đấu, sự nhiệt tình và trách nhiệm xã hội của thơ ca Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá về sự ra đời, sức sống và giá trị lớn lao, sức lan toả, tầm ảnh hưởng sâu rộng của tác phẩm, không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới; quá trình chuyển ngữ Ngục trung nhật ký từ Hán ngữ sang Việt ngữ và từ Việt ngữ sang các ngôn ngữ các dân tộc trên thế giới; hành trình lan tỏa sâu rộng của Nhật ký trong tù trong giới nghiên cứu cũng như bạn đọc trong nước và thế giới.

80 năm “Nhật ký trong tù”: Những giá trị bền vững, sức lan toả sâu rộng - Anh 3

Toàn cảnh Hội thảo

Đồng thời, Hội thảo đã phân tích những giá trị tư tưởng, tầm cao trí tuệ, nghị lực phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những giá trị nhân văn cao cả, vẻ đẹp tâm hồn, niềm lạc quan cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trong hoàn cảnh lao tù khổ ải; những giá trị nghệ thuật độc đáo của tập thơ Nhật ký trong tù… Các đại biểu còn đề xuất nhiều giải pháp để phát huy tốt nhất giá trị độc đáo, đặc sắc của tác phẩm trong môi trường giáo dục nhà trường; giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho con người; trong đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Kết quả của Hội thảo là những luận cứ khoa học để Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương giúp Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, giáo dục có thêm những chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp thu và phát huy tốt hơn giá trị đặc biệt của Bảo vật quốc gia Nhật ký trong tù

Trong kết luận Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, hội thảo là dịp để tìm hiểu sâu sắc hơn tầm cao tư tưởng, vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó thực hiện tốt, có hiệu quả hơn nữa Kết luận số 01 ngày 18.5.2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

80 năm “Nhật ký trong tù”: Những giá trị bền vững, sức lan toả sâu rộng - Anh 4

Bản gốc tập Nhật ký trong tù

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, vẻ đẹp trí tuệ và tinh thần bất khuất là giá trị bền vững của tập Nhật ký trong tù. Tinh thần ấy đã tạo nên sức mạnh để Bác vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên hành trình cách mạng. Viết Nhật ký trong tù chính là cách Người đã thực hiện cuộc “vượt ngục” tinh thần ngoạn mục; là hành trình tự giải phóng, phá tan mọi cương tỏa để vươn tới thế giới tự do.

Tập thơ đã trở thành biểu tượng về ý chí, nghị lực và sự phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của người chiến sĩ cách mạng để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Từ tác phẩm của Người, chúng ta tiếp nhận được nhiều bài học bổ ích, quý báu về bản lĩnh và đạo đức cách mạng thật cảm động và thấm thía.

Để tác phẩm Nhật ký trong tù, có sức lan tỏa hơn nữa, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, lĩnh hội đầy đủ giá trị đặc biệt của tác phẩm để tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh và đạo đức cách mạng, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; để đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc