Văn học, nghệ thuật trong chiến lược phát triển văn hóa thủ đô: Vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu

VHO- Hôm qua 29.8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 16.6.2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới. Dự Hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy…

Văn học, nghệ thuật trong chiến lược phát triển văn hóa thủ đô: Vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu - Anh 1

 Các đại biểu tham dự Hội nghị

 Sau 15 năm, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, nhất là sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong việc quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết 23, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (11.2021); Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII vào cuộc sống, đời sống văn học, nghệ thuật của Thủ đô đã thực sự có những bước chuyển mình quan trọng.

Thành quả từ sự đồng lòng, nhất trí

Có thể thấy, Hà Nội là nơi tập trung nhiều tài năng, tâm huyết và trí tuệ của đội ngũ văn nghệ sĩ đến từ mọi miền Tổ quốc với trên 4.000 hội viên tham gia sinh hoạt tại các Hội văn học, nghệ thuật Hà Nội và hàng ngàn văn nghệ sĩ ở các Hội văn học, nghệ thuật Trung ương sinh sống và làm việc trên địa bàn TP. Văn nghệ sĩ Thủ đô đã phát huy tài năng, cống hiến những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật; đóng góp nhiều công trình giá trị về văn hóa - xã hội cho Thủ đô và cả nước.

Hiện nay, Hà Nội là địa phương có nhiều không gian sáng tạo nhất cả nước (khoảng hơn 200); đồng thời là TP tổ chức nhiều sự kiện văn hóa mang tầm khu vực và quốc tế quan trọng của cả nước… Có được thành quả này là sự chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Thường vụ Thành ủy Hà Nội tới các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP tới cơ sở, cùng sự đồng lòng của các thế hệ văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển văn học, nghệ thuật nói chung, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng nói riêng, những năm qua, quận Tây Hồ đã xây dựng các đề án, chương trình về phát triển đời sống văn hóa, người Hà Nội thanh lịch - văn minh, nhằm thống nhất về nhận thức và cách làm từ quận xuống cơ sở như: Đề án xây dựng phường văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ; Chương trình Phát triển văn hóa xã hội và xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội trên địa bàn quận Tây Hồ qua các nhiệm kỳ Đại hội; Đề án xây dựng phường văn hóa, phường đạt chuẩn đô thị văn minh; Đề án công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030…

Đại diện lãnh đạo huyện cũng cho hay, nhân dân các dân tộc huyện đã có nhiều cố gắng gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có việc khơi dậy, phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng và trở thành nét đẹp không thể thiếu trong các dịp lễ hội, các sự kiện văn hóa lớn của huyện thời gian qua. Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa dân tộc huyện xây dựng Đề án số 05/ĐA-UBND huyện ngày 30.11.2012 về Bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2012-2015 và những năm tiếp theo. Đến nay, 100% các xã miền núi đã thành lập đội bảo tồn cồng chiêng, tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng tại các thôn trên địa bàn xã; số đội bảo tồn cồng chiêng Mường và chuông, chiêng của dân tộc Dao là 56 đội.

Văn học, nghệ thuật trong chiến lược phát triển văn hóa thủ đô: Vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu - Anh 2

 Một thiết kế sáng tạo được trưng bày tại Không gian đi bộ Hồ Gươm

Tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, TP Hà Nội luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho văn học, nghệ thuật phát triển; các cơ quan quản lý, Hội liên hiệp Văn học, nghệ thuật, các hội chuyên ngành, giới văn nghệ sĩ đã nỗ lực, cố gắng chung tay, góp sức, nhờ đó, văn học, nghệ thuật Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp đáng kể vào những thành quả quan trọng của Thủ đô và đất nước.

Tuy nhiên, về khách quan, sự phát triển của văn học, nghệ thuật trên địa bàn TP vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đó là tình trạng hạ tầng cơ sở, kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; một bộ phận văn nghệ sĩ có nơi, có lúc còn biểu hiện tiêu cực, dao động, thiếu niềm tin; văn hóa đọc chưa đi vào thực chất; đầu tư cho văn hóa nghệ thuật còn thấp, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô. Việc bảo tồn các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức, có nguy cơ thất truyền nếu không có biện pháp bảo vệ khẩn cấp…

Trước thực trạng này, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội thực hiện tốt 6 nội dung, trong đó nêu rõ, nâng cao nhận thức, nhiệm vụ về văn học, nghệ thuật cho toàn xã hội, trước hết là cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, tổ chức nhà nước của TP. Tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa nói chung và phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng, trong đó tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, văn nghệ truyền thống; không để mai một giá trị tác phẩm, loại hình văn học, nghệ thuật như Ca trù, hát Trống quân, múa Bồng, múa Rối nước... Phát huy vai trò của các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian trong việc thực hành, phổ biến và truyền dạy văn hóa, văn nghệ dân gian…

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật nhất là các ngành công nghiệp văn hóa, thiết kế sáng tạo. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại 4.0 trong phát triển văn học, nghệ thuật. Tăng cường tuyên truyền, thông tin tích cực, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật; đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái và các sản phẩm văn hóa độc hại; thông tin đối ngoại trên các phương tiện truyền thông mới, thông qua mạng di động, mạng xã hội, Internet, quảng bá hình ảnh TP, xây dựng niềm tin xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy vai trò của người dân, người nghệ sĩ trên địa bàn TP.

Đặc biệt, các Sở, ngành, địa phương chú trọng việc tham mưu cho Thành ủy về xây dựng gắn với quy hoạch các thiết chế văn hóa với tầm nhìn đến năm 2050. Chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật theo hướng tự chủ. “Nhiệm vụ phát triển văn học, nghệ thuật là nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển văn hóa của Thủ đô. Tôi mong rằng trong thời gian tới, văn học, nghệ thuật của Thủ đô sẽ luôn khẳng định được vị thế của mình, phát huy bản sắc văn hiến Thăng Long - Hà Nội; xây dựng giá trị đích thực trong sáng tạo văn học, nghệ thuật để phát triển Thủ đô toàn diện, bền vững”, ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh. 

QUỲNH HOA; ảnh: THÙY DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc