Tạo sự khác biệt và đẳng cấp

VHO - Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm. Những con số trên cho thấy sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước, an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Tạo sự khác biệt và đẳng cấp - Anh 1

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch  Hiệp hội làng nghề Việt Nam 

Song, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ  còn có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa nếu được quan tâm đến kiểu dáng và mẫu  mã. Nhiều năm trước, hàng  thủ công mỹ nghệ Việt Nam  được thị trường nước ngoài ưa  chuộng bởi có mẫu mã mới lạ,  giá thành hợp lý. Hiện nay, sức  hấp dẫn bị giảm đi đáng kể khi  không có sự thay đổi mẫu mã,  nhu cầu của khách hàng ngày  càng được nâng cao.  

Trở lại thị trường trong  nước, điều này cũng không  khá gì hơn. Phần lớn các sản  phẩm làng nghề vẫn được sản  xuất theo hình thức mẫu mã  cổ truyền như tranh tứ linh,  tranh tứ quý (khảm trai, sơn mài), hạc đồng, đỉnh đồng,  chuông đồng (đúc đồng), sập  gụ, tủ thờ, hoành phi, câu đối  (mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ),  chụp đèn, bàn ghế (mây tre  đan)… Một số sản phẩm cũng  được cải tiến cho phù hợp với  thị hiếu người tiêu dùng, tuy  nhiên nhìn chung hình thức,  mẫu mã của các sản phẩm  thủ công mỹ nghệ tại các làng  nghề còn chậm cải tiến, đối  mới, đột phá để theo kịp với  sự phát triển đa dạng của kinh  tế thị trường. 

Để có một mẫu mã đẹp cho  sản phẩm thủ công mỹ nghệ  không phải là chuyện của  ngày một, ngày hai mà là một  quá trình tìm kiếm, chắt lọc  và sáng tạo. Có những nghệ  nhân cả đời làm nghề chỉ tạo  ra được một vài mẫu có giá trị,  hay còn được gọi là để đời. Có  nhiều nghệ nhân suốt đời làm  nghề, kinh nghiệm và kỹ thuật  tinh xảo có thừa song lại không  có khả năng sáng tạo. Bởi vậy,  để có một mẫu mã mới, đòi hỏi  người nghệ nhân không chỉ   khéo léo về kỹ thuật, kỹ xảo,  nắm vững được đặc tính của  chất liệu chế tác mà còn đòi  hỏi khả năng tư duy sáng tạo  và tâm hồn nghệ sĩ. 

Trong nhiều năm gần đây,  hàng thủ công mỹ nghệ luôn  nằm trong nhóm 10 mặt hàng  xuất khẩu có kim ngạch lớn  nhất của Việt Nam với rất  nhiều sản phẩm đa dạng, có  giá trị gia tăng cao, biên độ lợi  nhuận lớn hơn so với nhiều  mặt hàng xuất khẩu khác. Theo  thống kê, cứ 1 triệu USD xuất  khẩu các mặt hàng thủ công  mỹ nghệ mang lại lợi nhuận  gấp 5-10 lần so với nhiều mặt  hàng xuất khẩu khác, giá trị  thực thu từ việc xuất khẩu mặt hàng này lại rất cao, hàng thủ  công mỹ nghệ sản xuất chủ yếu  bằng nguồn nguyên liệu sẵn có  trong nước, nguyên phụ liệu  nhập ước tính chỉ khấu hao từ  3-3,5% giá trị xuất khẩu. Sản  xuất hàng thủ công ở Việt Nam  chủ yếu dựa vào tiềm năng của  hàng ngàn làng nghề trong cả  nước. Những làng nghề này đã  tạo việc làm cho trên năm triệu  lao động nông  thôn. Mặc dù có  kim ngạch xuất khẩu không  cao so với một số ngành hàng  khác nhưng hàng thủ công mỹ  nghệ lại mang về cho đất nước  nguồn ngoại tệ với tỉ trọng cao  trong kim ngạch xuất khẩu. 

Việt Nam ngày càng hội  nhập sâu vào nền kinh tế thế  giới, các mặt hàng thủ công  mỹ nghệ Việt Nam sẽ phải đối  diện với những cạnh tranh  ngày càng cao, cùng với sự lựa  chọn khắt khe của người tiêu  dùng, vì vậy chúng ta cần tạo  sự khác biệt và đẳng cấp của  sản phẩm, thể hiện đặc trưng  văn hóa của quốc gia khi sản  xuất ra sản phẩm. 

 

LƯU DUY DẦN, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam

Ý kiến bạn đọc