TP.HCM: Học sinh không mặn mà đi xe buýt đến trường

VH- Tại hội nghị tổng kết và triển khai hoạt động đưa rước học sinh trên địa bàn TP.HCM, năm học 2017-2018 do Sở Giao thông vận tải phối hợp cùng Sở GD&ĐT tổ chức ngày 6.9 vừa qua, đại diện nhiều trường cho biết khó triển khai hoạt động đưa rước bằng xe buýt cho học sinh vì vướng nhiều vấn đề như mức trợ giá chưa phù hợp, thủ tục đăng ký nhiêu khê, chất lượng xe không đảm bảo, địa điểm đón trả học sinh chưa linh hoạt… chính vì thế mà số lượng học sinh tham gia ngày càng giảm.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, số lượng học sinh tham gia đi học bằng xe đưa rước theo hình thức hợp đồng có trợ giá trong học kỳ II năm học 2016-2017 (từ tháng 1-5.2017) giảm so với học kỳ I (từ tháng 8-12.2016). Theo đó, trong học kỳ I năm học 2016-2017, Trung tâm đã tổ chức vận chuyển đưa rước học sinh tại 141 trường của 16 quận, huyện với trên 40.500 học sinh, đến học kỳ II, giảm còn xuống 134 trường của 14 quận, huyện với trên 37.000 học sinh. Trong số 134 trường tham gia, có 28 trường học sinh được miễn phí. Số học sinh tham gia xe đưa rước hiện nay tập trung chủ yếu tại 5 huyện ngoại thành là Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, chiếm 67% tổng số lượng trường vận chuyển. Có hai hình thức vận chuyển bằng xe buýt là từ nhà đến trường và từ trường đến các trung tâm thể dục thể thao.
Thống kê cho biết hiện TP có tổng cộng gần 400 phương tiện tham gia đưa rước học sinh, phần lớn là loại xe từ 26 đến 35 ghế, tuy nhiên nhiều phương tiện có thời gian sử dụng lâu, niên hạn trên 10 năm chiếm đến gần 74%. Hiện mức trợ giá đưa rước học sinh trên địa bàn TP là 2 lượt/ngày, số tiền 2.830 đồng/lượt/học sinh – sinh viên, riêng địa bàn huyện Cần Giờ là 4 lượt/ngày, số tiền 3.537 đồng/lượt/học sinh – sinh viên. Mức trợ giá này giữ nguyên từ năm 2006 đến nay.
Để giải quyết những bất cập nói trên, ông Nguyễn Lâm Hải, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, kiến nghị doanh nghiệp vận tải nên tận dụng mặt bằng trống của các cơ quan nhà nước, nhà thi đấu, trung tâm thể dục thể thao làm điểm đón và trả học sinh. Về mức trợ giá xe đưa rước, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết đang điều chỉnh, tham mưu UBND TP xây dựng lại mức trợ giá cho phù hợp, theo hai phương án, trợ giá theo tuyến cố định hoặc cụ thể trên từng chuyến. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu để thí điểm đưa xe điện kết hợp taxi hỗ trợ vận chuyển học sinh vào một số khung giờ mà xe nhàn rỗi ít có khách du lịch, nhằm đa dạng các loại phương tiện phục vụ học sinh, đảm bảo an toàn và giảm ùn tắc giao thông. Theo kế hoạch, TP.HCM phấn đấu đến năm 2020 đạt chỉ tiêu 15% học sinh tham gia đi lại bằng xe buýt với tổng kinh phí trợ giá trên 253 tỉ đồng.

Ngọc Thùy

Ý kiến bạn đọc