Sân khấu kịch thắng lớn mùa Tết

VHO - Mùa kịch Tết năm nay tại TP.HCM diễn ra thật nhộn nhịp với số vở diễn mới tăng lên đến gần 30 vở. Sôi động từ mùng 1 tới mùng 9 Tết Nguyên đán, sân khấu nào cũng “mạnh dạn” xếp lịch diễn tới 2-3 suất mỗi ngày - điều hiếm thấy ở các năm trước. Thế nhưng, niềm vui nhiều thì nỗi lo cũng không ít, khi các ông bà “bầu” và những đứa con tinh thần của mình bước vào cuộc đua “khốc liệt” hơn bao giờ hết.

Sân khấu kịch thắng lớn mùa Tết - Anh 1

 Vở diễn “Ngũ quý tương phùng” của sân khấu kịch Thiên Đăng cháy vé mùa Tết

 Nhiều sân khấu “cháy vé”

Khoảng thời gian hai năm trước, giới sân khấu TP.HCM luôn trong trạng thái bất an, lo lắng khi một số thương hiệu lâu năm, uy tín phải thông báo không thể giữ sân khấu sáng đèn hằng tuần mà phải chuyển đổi phương thức hoạt động, thậm chí là đóng cửa. Thế nhưng, không lâu sau đó, nhiều đơn vị đã ổn định trở lại và bắt đầu tìm được hướng đi cho mình. Hơn thế, không ít sân khấu mới đã lần lượt ra đời với những thương hiệu riêng biệt. Hiện tại, TP.HCM có khoảng 10 sân khấu đang hoạt động - tăng gấp đôi so với 2 năm trước đây, và cũng dễ hiểu khi số lượng vở diễn Tết Giáp Thìn cũng tăng đột biến. 
Đầu tiên phải kểđến các “bom tấn” của Nhà hát kịch IDECAF, với sự đầu tư mạnh mẽ cho hai vở hài kịch Tấm Cám đại chiến và Vàng ơi là vàng cùng sự góp mặt của nhiều thế hệ diễn viên gắn bó, trưởng thành với IDECAF như: NSƯT Hồng Ánh, NSƯT Mỹ Duyên, nghệ sĩ Đại Nghĩa, Đình Toàn, Bạch Long, Hoàng Trinh, Mai Phượng… Bên cạnh đó, kịch thiếu nhi Cuộc phiêu lưu của cậu bé búp bê cũng trở lại phục vụ khán giả nhí. Theo ông “bầu” của sân khấu IDECAF, vé đã được bán hết từ trước Tết và luôn đông kín rạp, kể cả ghế súp cũng không còn. 
Dịp này, sân khấu Thế Giới Trẻ cũng tung ra ba vở: Bóng đàn ông, Mỹ vị nam vương, Ở đây ai tỉnh, và không nằm ngoài dự đoán khi các suất diễn đều hút khách. Thậm chí, vở diễn chiều chưa kịp tan thì khán giả suất tối đã đứng chờ đầy sảnh. Không thể không kể đến sân khấu Thiên Đăng khi tất cả lượng vé vừa được tung ra đều đã nhanh chóng hết sạch, dù chỉ bán theo hình thức online. Theo đó, các vở Nội tình của ngoại tình, Ngôi nhà trong mây, Duyên thệ và Ngũ quý tương phùng của Thiên Đăng đều mang màu sắc chung là nhiều tiếng cười kèm theo những thông điệp ý nghĩa trong từng câu chuyện.
Bên cạnh các sân khấu tưng bừng vì thắng lớn thì vẫn có không ít sân khấu chật vật khi lượng khán giả bị chia đều. Có thể kể đến vở nhạc kịch Tình sử Thăng Long phóng tác từ Công chúa Ngọc Hân của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Vở diễn có sự tham gia của hơn 70 diễn viên, trong đó có sự kết hợp của dàn diễn viên gạo cội kịch nói lẫn cải lương như: NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Trinh Trinh, nghệ sĩ Hoàng Sơn, Bình Tinh… được biểu diễn hoành tráng tại Nhà hát Bến Thành, tuy nhiên lượng khán giả lại không được như kỳ vọng. Hay Nhà hát kịch 5B, mùa kịch Tết năm nay tiếp tục tập trung cho vở thiếu nhi Thế giới đồ chơi và câu chuyện chú bé rồng. Cùng với đó, vở hài kịch Mặt đối mặt được dựng mới từ kịch bản Cha yêu của cố tác giả Thanh Hoàng cũng trở lại với khán giả. Tuy nhiên, Nhà hát kịch 5B năm nay đã không còn độc quyền kịch thiếu nhi nên các suất diễn cũng khó được lấp đầy (những ngày đầu được 50-60 vé/suất, sau đó tăng lên 80-90 vé và khoảng sau mùng 5 có suất đạt trên 100 vé). 
Sân khấu Hoàng Thái Thanh giới thiệu hai vở có cái tên không hề mang không khí Xuân là Lạc ở đáy sông và Lồng sắt. Dù đặc trưng là không ngại làm khán giả khóc trong ngày Tết, nhưng năm nay Hoàng Thái Thanh lại rơi vào cảnh ít khán giả hơn. Nhưng dù sao thì cũng không có sân khấu nào bị “ế”, điều này cũng đã được các ông bà “bầu” nghĩ đến khi mùa kịch Tết Giáp Thìn có nhiều vở diễn mới.

Để đi đường dài

Rõ ràng, việc sân khấu Tết “cháy” vé là tín hiệu đáng mừng, cho thấy khán giả chưa bao giờ quay lưng với kịch nói. Bên cạnh đó, yếu tố giúp các đơn vị thắng lớn mùa Tết 2024 được giới chuyên môn nhìn nhận đó chính là nhờ vào việc chọn vở diễn đúng với sở trường của dàn diễn viên tại mỗi sân khấu. Đặc biệt, sự tăng cường về truyền thông tạo tương tác sôi động trên mạng xã hội để quảng bá vở diễn cũng là cách thức để “kéo” khán giả đến gần hơn với phòng vé.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào thực tế là không phải mùa Tết thành công thì cả năm sân khấu sẽ thành công. Qua Tết, lượng khán giả đến với các sàn diễn sẽ giảm dần, các sân khấu vốn đã ít khán giả sẽ càng rơi vào cảnh thưa thớt. Bởi, không phải tất cả các vở diễn đều có sự đồng đều về chất lượng và chiến lược truyền thông, và tình trạng “cháy vé” chỉ xuất hiện ở các sân khấu có tiếng. Minh chứng cho điều này là vở Ngôi nhà hoang của sân khấu kịch Hồng Vân khá đông, nhưng với Mẹ và người tình thì lại vắng hơn, dù đều ở một sân khấu. Hay Xuân dữ chưa diễn tại sân khấu ở Gò Vấp dù có nghệ sĩ Hoài Linh và nhiều gương mặt tên tuổi, nhưng cũng chỉ bán được hơn nửa số vé. Qua đó thấy rằng, không chỉ nhờ vào tên tuổi của sân khấu, tên tuổi của nghệ sĩ, cách quảng bá… mà vở diễn phải được cộng hưởng nhiều yếu tố thì mới có thể thu hút được khán giả.
Có thể thấy, tình hình sàn diễn TP.HCM 2024 đã khởi sắc mạnh mẽ khi khán giả trở lại với sự tích cực. Tuy nhiên, để đi đường dài, chất lượng vở diễn, nhất là khâu đầu tư kịch bản, bối cảnh vẫn sẽ là yếu tố quyết định, giúp vở diễn có sức sống lâu bền trong lòng công chúng. Chính vì thế, sau mùa Tết thành công vang dội, các sân khấu cần phải mạnh mẽ “thừa thắng xông lên” để tiếp tục tạo dựng thương hiệu vững vàng cho riêng mình cũng như cho sân khấu kịch nói TP nói chung. 

 BÁ TRƯỜNG

Ý kiến bạn đọc