“Gạn đục, khơi trong” văn học mạng (Bài 2): Thúc đẩy văn hóa tranh luận trên không gian mạng

VHO- “Tư duy ăn xổi, ở thì trong sáng tác văn học mạng đang tạo ra một bộ phận độc giả dễ dãi, hài lòng với những sản phẩm độc hại, kém chất lượng. Những thể loại “rác văn hóa” như vậy sẽ tác động tiêu cực đến ngôn ngữ của giới trẻ, khiến các em có cái nhìn phiến diện, tiêu cực về cuộc sống”, TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) chỉ ra hạn chế của văn học mạng hiện nay.

“Gạn đục, khơi trong” văn học mạng (Bài 2): Thúc đẩy văn hóa tranh luận trên không gian mạng - Anh 1

 Văn học mạng đóng góp không nhỏ vào phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số Ảnh: TVDL

 Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, các giải pháp để dọn dẹp “rác” cũng cần xuất phát từ nhiều phía. Trong Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu: “Xây dựng, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên…”. Như vậy, đây là trách nhiệm của toàn xã hội, từ nhà trường, thư viện, nhà xuất bản, giáo viên đến những người cầm bút và chính bạn đọc.

Tạo sự “dịch chuyển” của người viết lẫn người đọc

TS Vũ Thu Hà, Viện Văn học cho biết, hiện nay văn hóa đọc thay đổi rất nhiều do nhu cầu, thị hiếu của độc giả. Với sự “nở rộ” của dòng văn học mạng, ngày càng đông đảo bạn đọc ở mọi lứa tuổi tìm đến Internet để thưởng thức các tác phẩm số. Lý do thứ hai tạo đà cho văn học mạng phát triển là khi các trang xã hội “lên ngôi”, trong giới văn chương, không ít cây viết tự lập những trang về văn xuôi, thơ để giới thiệu sáng tác của mình, đồng thời giao lưu trao đổi, thảo luận với nhau và tương tác với độc giả. Đây là sự cộng hưởng trong sáng tác rất hữu ích, hiệu quả. Với sự “dịch chuyển” của cả người viết lẫn người đọc, các sáng tác trên không gian mạng luôn có đất để tồn tại.

TS Vũ Thu Hà cũng chỉ rõ, vấn đề kinh phí cũng là nguyên nhân khiến những cây viết, đặc biệt là cây viết trẻ có xu hướng sáng tác online. “Lợi thế của văn học mạng là chỉ cần vài thao tác, người viết đã có thể hoàn thành bài viết rồi đăng tải lên trang cá nhân. Bạn đọc cũng chỉ cần tìm theo từ khóa, rồi click chuột là có thể tìm thấy mọi thứ mình muốn đọc mà không mất quá nhiều chi phí, đồng thời lại dễ được giao lưu với tác giả. Chưa kể, chi phí quảng bá tác phẩm trên môi trường số cũng thấp hơn nhiều so với những kênh khác. Họ có thể tận dụng lượt thích, lượt chia sẻ hay những bình luận để tạo sức lan tỏa cho tác phẩm. Có thể khẳng định, Internet hỗ trợ rất nhiều cho người sáng tác và người đón nhận”.

TS Vũ Dương Thúy Ngà, người khởi xướng, điều hành chương trình và kênh YouTube Cùng bạn đọc sách nhận định, thông qua những hình thức công bố tác phẩm văn học trên mạng xã hội, bạn đọc đã có thêm cơ hội được tiếp cận các tác phẩm mới của các tác giả trong và ngoài nước. Mặt khác, bạn đọc cũng có thể trở thành tác giả qua việc đưa lên mạng xã hội những trang viết của mình. Công chúng vì thế có thêm cơ hội đọc các tác phẩm của các tác giả đã thành danh và chưa thành danh nhưng cũng có giá trị lớn. Lấy ví dụ về tác phẩm Chuyện làng tôi của ông Cao Văn Hà, TS Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, ông vốn không phải nhà văn mà ban đầu chỉ là viết và chia sẻ lên Facebook. Nhưng sau đó, ông đã tập hợp các bài viết, bổ sung, biên tập để rồi cho ra đời một tác phẩm chất lượng.

Trước lo ngại về sự suy giảm văn hóa đọc gắn với sự biến mất của sách giấy khi văn học mạng lên ngôi, bà Thúy Ngà cho rằng: “Điều đó không đáng lo, mà quan ngại nhất là tác phẩm văn học mạng được hình thành trong môi trường số cởi mở, tự do. Cùng với tác phẩm có giá trị, không ít sản phẩm thiếu các chuẩn mực được công bố. Nhiều tác giả chạy theo sở thích đám đông mà không hướng tới những giá trị phổ quát, nhân văn của văn học. Vì muốn tạo sức hút cho tác phẩm của mình, một số người đã đưa vào những yếu tố đồi trụy, kích động bạo lực, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử, thuần phong mỹ tục gây tác động xấu; dẫn đến nhận thức sai lệch, thiếu toàn diện cho người đọc, nhất là thanh thiếu niên”.

“Gạn đục, khơi trong” văn học mạng (Bài 2): Thúc đẩy văn hóa tranh luận trên không gian mạng - Anh 2

 “Chuyện làng tôi” của tác giả Cao Văn Hà là một trong những tác phẩm bắt nguồn từ văn học mạng Ảnh: NXB PHỤ NỮ

Hãy là độc giả thông minh, bản lĩnh

Với mục đích “làm kinh tế”, nhiều trang văn học mạng chỉ quan tâm đến lượt truy cập nên bất chấp đăng tải các tác phẩm kém chất lượng, miễn là giật gân, độc lạ... Càng có nhiều người truy cập, chủ trang web càng có thu nhập từ quảng cáo. Nhiều nền tảng đặt máy chủ ở nước ngoài, có tính chất xuyên biên giới, nên để xử lý là thách thức không nhỏ với cơ quan quản lý nhà nước.

TS Vũ Thu Hà nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể nói “không” với văn học mạng, mà phải dung hòa giữa văn học mạng và văn học truyền thống. “Tôi cho rằng các cơ quan quản lý về văn học, nghệ thuật cần có chế tài riêng với dòng văn học này. Đã đến lúc cần thiết lập những trang chính thống để độc giả có thể click, tìm kiếm những tác phẩm có giá trị”, TS Vũ Thu Hà nói.

Một trong những giải pháp “dọn rác” văn học mạng được TS Vũ Dương Thúy Ngà đặc biệt quan tâm là thúc đẩy văn hóa tranh luận online. Đây là một thành tố quan trọng của văn hóa đọc. Các ý kiến tranh luận biểu hiện trình độ cảm nhận, nhãn quan của cộng đồng yêu thích văn chương. Càng nhiều ý kiến tranh luận, các cơ quan quản lý nhà nước càng dễ nắm bắt các vụ việc mà nhanh chóng vào cuộc xử lý. “Chúng ta cũng cần tính đến phương án hình thành nhóm các nhà phê bình văn học mạng và nhóm bạn đọc tích cực, có kiến thức và hiểu biết rộng lớn làm cộng tác viên để sẵn sàng lên tiếng khi xuất hiện những dấu hiệu lệch chuẩn. Việc lên tiếng cũng thể hiện thái độ quyết liệt của công chúng trước những sản phẩm “mạo danh” văn học. Một khi bị quay lưng, những sản phẩm kiểu này sẽ không còn “đường sống”, TS Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ.

Cũng theo bà Thúy Ngà, bạn đọc cần nâng cao kỹ năng tiếp nhận thông tin, biết cách tìm tác phẩm giá trị ở những trang web, nền tảng có độ tin cậy cao. Về phía người cầm bút, họ cần nâng cao ý thức trách nhiệm khi sáng tác và công bố tác phẩm. Không sáng tác để “vuốt ve, nuông chiều” bản thân; càng không chạy theo thị hiếu tầm thường mà quên đi những giá trị nhân văn, cao cả của văn học. Không đứng ngoài cuộc, các thư viện cũng cần chủ động hỗ trợ, hướng dẫn bạn đọc của mình kỹ năng đọc và nhận viết các nguồn thông tin đáng tin cậy, an toàn trên không gian mạng.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thì khẳng định, muốn khống chế “rác” văn học online, nhất định phải sử dụng đến quyền lực của công chúng. Tức là công chúng cần làm “tròn vai” người đọc thông minh, bản lĩnh. Hãy đọc những tác phẩm đem lại cho mình khát vọng sống hơn là những cái thú vui tầm thường khác. Đặc biệt, phải dám lên tiếng tẩy chay những sản phẩm độc hại. Chính độc giả đang nắm trong tay công cụ “thanh lọc”, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng.

Tuy nhiên, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho hay, công chúng cũng cần lên tiếng một cách văn minh, soi xét kỹ vấn đề chứ không nên dùng từ ngữ mạt sát, xúc phạm người viết. “Trong một số trường hợp, có thể tác giả vì sơ suất mà gây ra sự cố chứ không chủ đích viết như vậy. Tranh luận phải khoa học, có văn hóa chứ không phải “bỏ bóng, đá người”. Nhìn nhận khách quan, văn học mạng đã “níu chân” không ít độc giả, góp phần phát triển văn hóa đọc. Song song với “gạn đục, khơi trong”, chúng ta cũng cần có những góp ý trên tinh thần khích lệ để các cây viết tiếp tục cho ra đời những tác phẩm chất lượng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn học của nước nhà cũng như góp phần vào phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh hiện đại ngày nay”. 

 Điều cần đặc biệt quan tâm là thúc đẩy văn hóa tranh luận online. Đây là một thành tố quan trọng của văn hóa đọc. Các ý kiến tranh luận biểu hiện trình độ cảm nhận, nhãn quan của cộng đồng yêu thích văn chương. Càng nhiều ý kiến tranh luận, các cơ quan quản lý nhà nước càng dễ nắm bắt các vụ việc mà nhanh chóng vào cuộc xử lý. Chúng ta cũng cần tính đến phương án hình thành nhóm các nhà phê bình văn học mạng và nhóm bạn đọc tích cực, có kiến thức và hiểu biết rộng lớn làm cộng tác viên để sẵn sàng lên tiếng khi xuất hiện những dấu hiệu lệch chuẩn. Việc lên tiếng cũng thể hiện thái độ quyết liệt của công chúng trước những sản phẩm “mạo danh” văn học. Một khi bị quay lưng, những sản phẩm kiểu này sẽ không còn “đường sống.

(TS VŨ DƯƠNG THÚY NGÀ, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện - Bộ VHTTDL)

NGỌC NHIÊN - ĐÌNH TOÁN

 

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc