Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội đương đại: Hãy để di sản “được sống” trong cộng đồng

Thứ Hai 07/10/2019 | 10:50 GMT+7

VHO- Cho rằng nghệ thuật Xòe Thái đang biến đổi nhanh trong tiến trình hội nhập, tại hội thảo quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội đương đại” diễn ra vừa qua tại Hà Nội, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đặt ra vấn đề bảo tồn, phát huy những giá trị nghệ thuật của Xòe Thái với tư cách là di sản sống.

 Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, bên cạnh việc nhìn nhận những giá trị về âm nhạc, biểu diễn, tín ngưỡng, tâm linh mà nghệ thuật Xòe Thái mang lại, các chuyên gia đã tập trung bàn luận về các phương pháp bảo tồn và phát huy điệu múa này. Trong đó, bảo tồn Xòe Thái gắn liền với phát triển du lịch được đánh giá là hướng đi cho phát triển bền vững. Theo PGS.TS Dương Văn Sáu, khi du lịch được đẩy mạnh ở Việt Nam để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Xòe Thái trở thành “nguyên liệu” đặc hữu cho công nghiệp du lịch. Từ “nguyên liệu” đặc hữu này, cần phải được tổ chức khai thác, phát huy tác dụng cho phù hợp, hiệu quả để tạo ra các sản phẩm văn hóa du lịch mang đặc trưng, tạo sức hút cho du lịch ở các địa phương có Xòe Thái.

Cũng theo ông, để có thể biểu diễn tốt, có sức hút đối với khách du lịch cần phải triển khai công tác nghiên cứu, sưu tầm các điệu Xòe Thái cổ. Nghiên cứu gắn với thực địa không gian diễn xướng, nghiên cứu trang phục của các nghệ nhân… Hoạt động Xòe Thái giữa khách du lịch cùng nghệ nhân tạo sự giao thoa, gắn kết giữa nghệ sĩ và công chúng, xóa đi mọi khoảng cách. Đây là các giải pháp bảo tồn động hết sức tích cực trong quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy nghệ thuật Xòe Thái qua con đường du lịch.

Đồng quan điểm này, ThS Nguyễn Thị Hảo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định, một trong những phương thức tiếp cận quan trọng cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật gắn với du lịch của Xòe Thái là tăng cường sự tham gia của cộng đồng bởi đây là yếu tố quan trọng để các giá trị của điệu múa được bảo tồn và phát huy đầy đủ nhất.

Mặc dù đã có nhiều địa phương làm tốt các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc quảng bá đại trà, đưa ra lễ hội, thậm chí là đại lễ hội dù tạo thế lan tỏa nhưng chưa thật sự tương xứng với quảng bá. Với nhà văn Hà Lâm Kỳ thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái, ông cho rằng thương hiệu đích thực của các làn điệu Xòe dân gian đang nằm trong tay các nghệ nhân, tồn tại trong mỗi gia đình. Vậy tại sao múa Xòe trong cụm gia đình, bản nhỏ, trong các ngày lễ của dân tộc Thái như Cầu mùa (xuống đồng), lên nhà mới,… lại ít được quan tâm? “Việc truyền dạy để lưu giữ là việc làm vô cùng khó khăn, nó phải được diễn ra trong một vài bản nhỏ, gia đình, một vài nghệ nhân tâm huyết. Sau nhiều năm, mười em trong bản may ra được ba bốn em đạt tiêu chuẩn “nghệ nhân nhí”. Từ đó, các em trưởng thành và trở thành biên đạo, diễn viên, nhà nghiên cứu… trong lĩnh vực nghệ thuật múa Xòe của dân tộc Thái. Việc này chỉ có được khi chính quyền quan tâm, cộng đồng cùng một trách nhiệm, xã hội cùng đầu tư hỗ trợ một cách bền vững. Bài đào tạo này rất khác với kiểu đào tạo đại trà “Toàn trường học tiếng Anh”, nhà văn chia sẻ.

Qua đây, nhà văn Hà Lâm Kỳ cũng bày tỏ mong muốn hãy lưu tâm đến vấn đề “phát huy” một cách nghiêm túc, bài bản và sinh động bởi các làn điệu múa Xòe của dân tộc Thái là thương hiệu, cá thể văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đừng để nghệ thuật Xòe vô tình bị lạm dụng theo lối đi dép nhựa múa Xòe để giải trí, đưa múa Xòe từ nhà dân ra quảng trường và gọi đó là đại Xòe… “Làm như vậy thì cứ việc làm nhưng chớ gọi đó là nghệ thuật Xòe dân tộc Thái, càng không được gọi đấy là các làn điệu Xòe cổ của người Thái Tây Bắc”, nhà văn nhấn mạnh.

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top