Điều chỉnh lộ trình tăng học phí: Giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên

VHO - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/ NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục (CSGD) thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, học phí giáo dục đại học công lập sẽ có sự điều chỉnh so với Nghị định 81, có tăng nhưng thấp hơn lộ trình quy định để giảm bớt khó khăn cho HSSV.

Điều chỉnh lộ trình tăng học phí: Giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên - Anh 1

 Khối ngành Nghệ thuật ở các trường đại học công lập năm học 2023-2024 có mức trần học phí là 12 triệu đồng/năm

 Phù hợp với thực tiễn

Nghị định số 97/2023/NĐ-CP điều chỉnh lộ trình học phí như sau: Giữ ổn định học phí từ năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021-2022. Lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập một năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, tức là học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81 để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho HSSV.

Cũng theo Nghị định 97, các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP tiếp tục được giữ nguyên để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và có điều kiện khó khăn.

Như vậy, học phí các chương trình đại trà ở tất cả các trường đại học công lập trên cả nước trong năm học 2023-2024 sẽ có mức trần như sau: Khối ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng so với năm học 2022-2023); Khối ngành Nghệ thuật: 12 triệu đồng/ năm (tăng 300.000 đồng); Khối ngành Kinh doanh và quản lý, pháp luật: 12,5 triệu đồng/ năm (tăng 2,7 triệu đồng); Khối ngành Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên: 13,5 triệu đồng/ năm (tăng 1,8 triệu đồng); Khối ngành Toán và thống kê, Máy tính và CNTT, Công nghệ kỹ thuật: 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); Khối ngành Y - Dược: 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng); Các khối ngành Sức khỏe khác: 18,5 triệu đồng/ năm (tăng 4,2 triệu đồng); Khối ngành Nhân văn, khoa học xã hội, hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội: 12 triệu đồng/năm (tăng 2,2 triệu đồng).

Như vậy, so với năm học 2022-2023, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ của 7 khối ngành tăng từ 0,3-10,2 triệu đồng/năm. Tăng nhiều nhất là khối ngành Y - Dược; khối ngành Nghệ thuật tăng thấp nhất. Riêng các trường đại học tư, có trường công bố tăng học phí không quá 10% so với năm 2023; có trường không tăng học phí…

Theo Bộ GD&ĐT, để chia sẻ khó khăn với phụ huynh và HSSV do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/2022/NQ-CP đề nghị các CSGD công lập giữ ổn định mức học phí năm học 2022-2023 bằng mức học phí năm học 2021-2022. Như vậy, mức học phí của các CSGD công lập đã giữ ổn định qua 3 năm học (2020-2021, 2021-2022 và 2022-2023). Theo quy định, đến năm học 2023-2024 sẽ áp dụng theo mức trần học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/ NĐ-CP, và sẽ tăng khá cao so với mức học phí năm học 2022- 2023. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP để điều chỉnh lộ trình học phí phù hợp với tình hình thực tiễn.

Điều chỉnh lộ trình tăng học phí: Giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên - Anh 2

 Theo quy định hiện nay, HS tiểu học công lập được miễn học phí (Trong ảnh: Một tiết học tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, Hà Nội)

Áp dụng chính sách đặc thù hỗ trợ học phí nhiều đối tượng

Đại diện Bộ GD&ĐT thông tin, đối với người học tại CSGD mầm non, phổ thông, Nghị định 81/2021/ NĐ-CP quy định miễn học phí cho 19 nhóm đối tượng ưu tiên. Hiện đã miễn học phí đối với toàn bộ HS tiểu học công lập, trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi (DT&MN), xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, HS THCS ở thôn/ bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng DT&MN, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo...

Nghị định 81 quy định giảm 70% học phí đối với trẻ em, HS phổ thông là người dân tộc thiểu số ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng DT&MN, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định… Nghị định cũng quy định hỗ trợ 150.000 đồng/HS/tháng (tương đương 1,350 triệu đồng/năm) để mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho HS mồ côi cả cha lẫn mẹ, khuyết tật, thuộc hộ nghèo, ở thôn/ bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng DT&MN, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định.

Đối với người học tại CSGD đại học, giáo dục nghề nghiệp, Nghị định 81 quy định miễn học phí cho SV khuyết tật, SV người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ…; giảm 70% học phí cho HSSV các ngành Nghệ thuật truyền thống và đặc thù, một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tại TP.HCM, Sở GD&ĐT vừa ban hành công văn về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2023/NQ-HĐND của HĐND TP và hướng dẫn thu, sử dụng học phí năm học 2023-2024 của các CSGD trên địa bàn.

Về thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ học phí theo Nghị quyết số 36/2023/NQ-HĐND, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các CSGD công lập, ngoài công lập và CSGD nghề nghiệp trên địa bàn lưu ý thực hiện áp dụng với đối tượng: Trẻ em mầm non, HS THCS, THPT công lập và học viên GDTX trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, áp dụng đối với trẻ em mầm non, HS THCS, THPT ngoài công lập đang học tại CSGD mầm non, CSGD phổ thông trên địa bàn, không bao gồm các HS đang học tại CSGD có vốn đầu tư nước ngoài.

Mức hỗ trợ chia thành hai nhóm, đối với HS học tại các trường ở 5 huyện ngoại thành và HS học tại các trường ở các địa phương còn lại, Sở cũng đề nghị các CSGD công lập thực hiện trích đủ 40% số thu học phí trong năm 2024 để tạo lập nguồn cải cách tiền lương và phần chênh lệch được ngân sách cấp bù để thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho HS và thực hiện chính sách miễn giảm theo quy định (nếu có).

Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, đây là chính sách an sinh xã hội đặc thù của TP nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính đối với cha mẹ HSSV và người học trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, góp phần trong việc khuyến khích và với mục tiêu tạo điều kiện “Đảm bảo không để một HS nào nghỉ bỏ học vì điều kiện kinh tế không có khả năng đóng học phí”, đồng thời đảm bảo các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ học phí theo đúng quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. 

 Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomal­lei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam và bệnh này được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị… lãng quên.

(PGS.TS ĐỖ DUY CƯỜNG, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới)

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc