Bất cập quản lý, sử dụng nhà văn hóa

VHO - Thực hiện chủ trương sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố mới; góp phần tinh gọn bộ máy, giảm chi phí từ nguồn ngân sách.

Bất cập quản lý, sử dụng nhà văn hóa - Anh 1

 Bất cập quản lý, sử dụng NVH sau sáp nhập

 

Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, nhiều địa phương đã và đang đối diện tình trạng nơi thiếu, nơi thừa nhà văn hóa (NVH), diện tích không còn phù hợp cho việc hội họp, sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Thực trạng vừa thiếu, vừa thừa

Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm 1.578 thôn, bản, khu dân cư sau khi thực hiện sáp nhập, thành lập thôn, khu dân cư mới, đồng nghĩa với việc dôi, dư hơn 1.578 NVH. Hiện hầu hết các thôn có từ 2-4 NVH, tưởng là “thừa” nhưng thực tế thôn mới sáp nhập lại thiếu NVH, vì NVH cũ diện tích cũng như quy mô không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho cộng đồng khi số lượng dân cư đã tăng lên rất nhiều.

Đơn cử như tại xã Hà Sơn (Hà Trung), trước năm 2018 có 10 thôn, thực hiện sáp nhập hai thôn Cẩm Sơn và Chí Cường thành thôn Cẩm Cường (206 hộ, 904 nhân khẩu); sáp nhập hai thôn Tứ Quý, Ngọc Tiến thành thôn Quý Tiến (186 hộ, 690 nhân khẩu); giảm được hai thôn so với trước. Sau khi sáp nhập, thôn mới chỉ lựa chọn một NVH làm nơi sinh hoạt chung, mặc dù thừa hai NVH cũ, song các thôn mới lại thiếu NVH có không gian sinh hoạt, công năng phù hợp với quy mô địa giới rộng và dân số đông.

Ông Nguyễn Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Sơn cho biết: Sau khi sáp nhập các thôn, xã sẽ lựa chọn một NVH phù hợp với quy mô dân số của thôn mới làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, thôn mới được thành lập có số hộ và nhân khẩu tăng lên, nên NVH cũ không đủ diện tích, chỗ ngồi cho người dân mỗi lần hội họp, sinh hoạt. Vì thế, xã, thôn phải huy động nguồn lực hàng tỉ đồng từ nhân dân để xây dựng, tu sửa các NVH đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, sử dụng hai NVH dôi dư như thế nào để tránh lãng phí và phát huy hiệu quả cũng trở thành bài toán khó đối với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt, đến nay hai NVH đã được đưa vào sử dụng. Trong đó, NVH thôn Cẩm Sơn (cũ) được UBND xã cho HTX dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất thuê làm trụ sở và NVH thôn Ngọc Tiến (cũ) được sử dụng làm nhà trực dân quân tự vệ và kho vật tư phòng, chống lụt bão của xã.

Cũng trong tình trạng tương tự, sau khi sáp nhập tổ 1 phố 2 và tổ 2 phố 2 thành khu phố Chí Linh, thị trấn Lang Chánh, huyện miền núi Lang Chánh, NVH cũ của thôn Chí Linh trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của hơn 300 hộ dân. Theo thiết kế, NVH chỉ đáp ứng được khoảng hơn 100 hộ nên hiện việc sinh hoạt của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Chưa kể đến việc NVH xây dựng cách đây đã hơn 20 năm nên các hạng mục xuống cấp nghiêm trọng; tường nứt nẻ, nền nhà sụt lún, ẩm thấp; trang thiết bị như bàn, ghế, loa đài… đều thiếu thốn.

Ông Trần Anh Quang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lang Chánh cho biết, thực hiện Đề án sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố, thị trấn đã sáp nhập 10 thôn thành 5 thôn. Tính theo phạm vi, khoảng cách, các hộ dân sau khi sáp nhập sẽ dồn về một NVH để sinh hoạt chung. Điều này dẫn đến các NVH đều trong tình trạng quá tải và chưa được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu mới. Địa phương mong muốn UBND huyện có chính sách hỗ trợ cải tạo, nâng cấp các NVH thôn, phố ở vị trí phù hợp cho việc đi lại và sinh hoạt của dân cư.

Theo Sở VHTTDL Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có 4.287/4.357 thôn, bản, khu phố có NVH - Khu Thể thao, thời điểm trước khi thực hiện Đề án sáp nhập, phần đa các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có NVH phù hợp với quy mô dân số của địa phương. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, số hộ, số khẩu tăng lên thì quy mô các NVH cũ không còn phù hợp, trong khi đó, để xây dựng một NVH có quy mô đáp ứng được yêu cầu cho các thôn mới được sáp nhập thì cần nguồn kinh phí lớn, chủ yếu huy động trong nhân dân, nên đa phần các thôn chưa đủ thời gian và nguồn lực để xây dựng, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu NVH.

Cần chủ động tìm giải pháp khắc phục

Ông Nguyễn Giang Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ năm 2020, trước thực tế dôi dư các NVH sau khi sáp nhập, UBND tỉnh đã có công văn gửi các Sở, ban, ngành và địa phương để hướng dẫn. Theo đó, đối với NVH thôn, phố dôi dư sau sáp nhập có vị trí không thuận tiện cho việc đi lại và sinh hoạt của dân cư, diện tích không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của thôn, phố, cơ sở vật chất đã xuống cấp thì “cho phép các địa phương đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật và các quy định có liên quan để tạo nguồn xây dựng, nâng cấp NVH thôn, phố mới. Đối với NVH thôn, phố dôi dư sau sáp nhập, nếu cơ sở vật chất, trang thiết bị còn đủ cho các hoạt động cộng đồng thì giữ nguyên để phục vụ cho sinh hoạt của người cao tuổi, thanh thiếu niên, nhi đồng hoặc tổ chức thành phòng đọc sách, báo của thôn, tổ dân phố…”.

Cũng theo ông Nam, các địa phương trên cơ sở định hướng giải pháp về xây dựng cơ sở vật chất sau khi sáp nhập thôn, cần chủ động tìm ra giải pháp khắc phục bất cập trong việc sử dụng NVH (giai đoạn 2023-2025) để thiết chế này thực sự trở thành không gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao hữu ích của nhân dân. 

 NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc