Cuộc thi hùng biện ESPIC: Hoạt động ý nghĩa nhân Tháng Vì trẻ em

VHO - Chiều 18.6 tại Trường Đại học Luật Hà Nội, vòng chung kết Cuộc thi hùng biện ESPIC do CLB Công lý vì trẻ em (JC) - trực thuộc Đoàn Thanh niên Đại học Luật Hà Nội tổ chức với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” đã thu hút hàng trăm cổ động viên đến cổ vũ cho 10 thí sinh lọt vào vòng chung kết.

Tranh luận nảy lửa trước những vấn đề “nóng hổi”

Được khởi tranh từ ngày 8.5.2023, trải qua 3 vòng thi gây cấn, với vòng chung kết kéo dài 6 tiếng đồng hồ, tối 18.6, ngôi vị quán quân đã chính thức được trao cho Ninh Bảo Kỳ - sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.

Với chủ đề chính “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, những phần tranh luận của các thí sinh được xoay quanh các vấn đề cụ thể, thiết thực như: Cha mẹ nên hay không nên kiểm soát các tài khoản hoạt động trên mạng của con; cha mẹ nên hay không nên chia sẻ hình ảnh của con cái lên mạng xã hội; Việc trẻ em tiếp cận được những “rác mạng” không phù hợp với lứa tuổi trên mạng xã hội có phải là lỗi của nhà sáng tạo nội dung; Trách nhiệm của cha mẹ đối với việc con sử dụng các nền tảng mạng xã hội; Trách nhiệm của nhà trường trong việc hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn…

Cuộc thi hùng biện ESPIC: Hoạt động ý nghĩa nhân Tháng Vì trẻ em - Anh 1

Tranh luận nảy lửa tại cuộc thi

Với mỗi chủ đề, thí sinh chỉ được chuẩn bị trong thời gian 2 phút, và trình bày quan điểm cá nhân trong thời gian tối đa 7 phút. Nhưng hầu hết các thí sinh đều chuẩn bị rất tốt bài tranh luận của mình, kể cả trong vai trò của người ủng hộ hay người phản đối những quan điểm được thể hiện trong các chủ đề. Các thí sinh đều đưa ra được các số liệu, dữ liệu, các căn cứ và có những lập luận thuyết phục. Đơn cử như đối với chủ đề “Các giải pháp bảo vệ trẻ em bị bạo lực bằng ngôn từ trên không gian mang”, thí sinh Tạ Thị Ngọc Anh bày tỏ quan điểm về việc đề cao vai trò của gia đình trong việc bảo vệ trẻ em. Chính bố mẹ là những người gần gũi, gắn bó với các em hơn bất cứ ai, nên khi bố mẹ dành nhiều thời gian cho con, gần gũi và trở thành người bạn của con thì sẽ được con chia sẻ, hoặc sẽ phát hiện được những bất thường khi con bị bắt nạt trên mạng. Từ đó, chính cha mẹ sẽ là người đưa ra những giải pháp đầu tiên như trấn an con, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc. Có sự quan tâm sâu sát của bố mẹ, chắc chắn các con sẽ không bị sợ hãi, lo lắng, thậm chí không bị bạo lực, xâm hại.

Tại cuộc thi, ở vòng đối kháng, đã có những cuộc tranh luận nảy lửa. Ví dụ, với chủ đề “Việc trẻ em tiếp cận được những “rác mạng” không phù hợp với lứa tuổi trên mạng xã hội có phải là lỗi của nhà sáng tạo nội dung; Trách nhiệm của cha mẹ đối với việc con sử dụng các nền tảng mạng xã hội”, trong khi thí sinh Nguyễn Văn Tài cho rằng, đó là lỗi của nhà sáng tạo, thì thí sinh Ninh Bảo Kỳ lại lập luận, đó không hoàn toàn là lỗi của nhà sáng tạo, mà còn là lỗi của nhà cung cấp nền tảng, lỗi của nhà quản lý, của gia đình, nhà trường khi để “rác” được đưa lên, khi để các em tiếp cận với “rác mạng”.

Cuộc thi mang lại nhiều điều bổ ích

Là thí sinh đoạt giải Ba của cuộc thi, Nguyễn Hoàng Tiến Anh chia sẻ, em rất tâm huyết với cuộc thi và qua cuộc thi, em đã trau dồi được những kiến thức rất bổ ích về việc bảo vệ trẻ em. Đến cổ vũ cho con tham gia cuộc thi hùng biện này, bố mẹ của Tiến Anh cũng bày tỏ sự xúc động khi được ngồi dưới nghe các con tranh luận với những lập luận sắc bén từ chính những kiến thức đã được học.

Với ngôi vị quán quân của cuộc thi, thí sinh Ninh Bảo Kỳ thấy rằng, điều quan trọng em nhận được từ cuộc thi không phải là giải thưởng, mà chính là thông điệp: Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không là trách nhiệm của riêng ai mà là của chung mỗi chúng ta.

Cuộc thi hùng biện ESPIC: Hoạt động ý nghĩa nhân Tháng Vì trẻ em - Anh 2

Điều các thí sinh đoạt giải nhận được không chỉ là phần thưởng mà quan trọng là kiến thức

Tâm đắc với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, Tiến sĩ Đào Lệ Thu – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu so sánh Luật công, Viện Luật So sánh, trường Đại học Luật Hà Nội – thành viên Ban Giám khảo nhận xét:  Cuộc thi đã truyền tải một thông điệp quen thuộc nhưng luôn mang tính thời sự nóng hổi là, trẻ em cần được bảo vệ mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số, trẻ em cần được bảo vệ khỏi sự xâm hại trên không gian mạng.

Cô Thu cho biết, đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhân Tháng hành động Vì trẻ em và mong muốn việc bảo vệ trẻ em không chỉ diễn ra trong Tháng hành động mà trẻ em phải luôn được bảo vệ, mọi lúc, mọi nơi.

Chủ nhiệm CLB Công lý vì trẻ em, Nguyễn Linh Trang bày tỏ niềm vui vì sự thành công của cuộc thi, mặc dù công tác chuẩn bị và tổ chức  hàng tháng trời khiến các em tương đối mệt. Linh Trang cho rằng, cuộc thi đã tạo sân chơi lành mạnh, hữu ích giúp các bạn sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng và các bạn sinh viên trên địa bàn Hà Nội nói chung có thể phát triển các kỹ năng mềm của bản thân, cũng như tự tin nói lên tiếng nói của chính mình, đồng thời có thể gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với các bạn cùng lứa tuổi.

Cuộc thi cũng giúp các thành viên CLB Công lý vì trẻ em có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức chương trình chuyên nghiệp, hiệu quả và bổ ích, kỹ năng lên ý tưởng sự kiện, kỹ năng tương tác và giao lưu với mọi người. Đây cũng chính là những kỹ năng giúp sinh viên tự tin, linh hoạt hơn trong công việc sau này.

Em cũng mong muốn thúc đẩy, mở rộng hơn nữa sự quan tâm và hiểu biết của mọi người với vấn đề về bạo lực trẻ em trên không gian mạng.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc