78 năm ngành Thể dục thể thao: Tiếp bước truyền thống vẻ vang

VHO - Hôm nay 27.3 là ngày mà ngành Thể dục thể thao Việt Nam bước sang tuổi thứ 78. Ngày này 78 năm trước (27.3.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục. Cùng ngày, Người viết bài Sức khỏe và Thể dục đăng trên báo Cứu quốc, kêu gọi toàn dân tập thể dục, chính thức khai sinh nền Thể thao cách mạng Việt Nam.

78 năm ngành Thể dục thể thao: Tiếp bước truyền thống vẻ vang - Anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tham gia Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tại Hà Nội Ảnh: QUÝ LƯỢNG

 Trải qua 78 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thể dục thể thao Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho mục tiêu “Dân cường thì Quốc thịnh” như mong muốn của Bác.

Truyền thống vẻ vang

Ra đời chỉ 5 tháng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, ngành Thể dục thể thao đã nhanh chóng triển khai tổ chức, điều hành các hoạt động thể dục thể thao nhằm góp phần bồi bổ sức khỏe của nhân dân, gây đời sống mới, mạnh và hùng cho một dân tộc đang đấu tranh vì nền độc lập.

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Thể dục thể thao tiếp tục phấn đấu, phát huy sáng tạo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách về Thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa. Bên cạnh đó, ngành Thể dục thể thao cũng góp phần quan trọng thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác, đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân; nâng cao vị thế, vai trò và quảng báhình ảnh của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể kể đến hàng loạt dấu ấn đáng tự hào như chiếc huy chương bạc quý giá do võ sĩ Trần Hiếu Ngân mang về tại Olympic Sydney 2000, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.

Sau chiếc huy chương bạc khởi đầu ở đấu trường danh giá nhất thế giới, chúng ta đã có thêm chiếc huy chương bạc ở môn thể thao đòi hỏi sức mạnh của đô cử Hoàng Anh Tuấn tại Olympic 2008. Và đỉnh điểm để cả thế giới biết đến thể thao Việt Nam chính là phát súng chuẩn xác của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio năm 2016. Khi đó phóng viên Văn Hóa may mắn được đồng hành cùng Đoàn Thể thao Việt Nam trong vai trò phụ trách truyền thông, chúng tôi đã được chứng kiến sự ngưỡng mộ của bạn bè thế giới dành cho Hoàng Xuân Vinh. Phát súng ấy đã viết lên câu chuyện “con nhà nghèo học giỏi”, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Thể thao Việt Nam. Từ vị thế của một nền thể thao chưa từng có huy chương vàng tại đấu trường Olympic danh giá nhất thế giới, ngành thể thao Việt Nam đã có mặt trong bảng vàng các nước có huy chương vàng tại Đại hội thể thao lớn nhất thế giới này.

Vững vàng tiếp bước

Cùng với chiếc huy chương vàng của Hoàng Xuân Vinh, là hàng loạt thành tích ấn tượng của Thể thao Việt Nam trên các đấu trường lớn. Cho tới giờ chắc chắn người hâm mộ vẫn không thể quên được những giây phút hạnh phúc vỡ oà khi đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Khi đó cả nước đã có một đêm trắng trong niềm vui vô bờ và hạnh phúc lớn lao. Rồi sau đó là những giây phút thăng hoa của cảm xúc, khi đội tuyển U23 Việt Nam giành ngôi á quân giải U23 châu Á tại Thường Châu tuyết trắng. Những con đường ngập tràn sắc đỏ của Quốc kỳ cùng ảnh Bác và hình ảnh hàng vạn người đặt tay lên ngực trái xúc động khi cùng hòa nhịp vào bài Tiến quân ca, chắc chắn sẽ là những hình ảnh đẹp và đầy tự hào của Thể thao Việt Nam.

Khi đó vượt qua ý nghĩa đơn thuần là các cuộc tranh tài cao thấp, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đã hoàn thành sứ mệnh cao cả là khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bóng đá cũng đã gắn kết hàng triệu con người, hàng triệu trái tim hoà chung nhịp đập để cùng cất lên bài ca kết đoàn, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chúng ta cùng chung một khát vọng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chắc chắn những thành tích đáng tự hào ấy sẽ là hành trang để những người làm công tác thể dục thể thao tiếp tục kế thừa truyền thống vẻ vang để xây dựng ngành vững mạnh.

78 năm qua cũng đã chứng kiến bao giọt mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu của những người đang công tác trong lĩnh vực Thể dục thể thao, để khi quốc ca Việt Nam được ngân vang trên đấu trường quốc tế hay hình ảnh quốc kỳ đỏ thắm phấp phới bay tại những Đại hội thể thao lớn nhất thế giới, trong lòng mỗi chúng ta đều cảm thấy tự hào. Ngày nay, dù còn nhiều khó khăn nhưng những thế hệ tiếp nối của ngành thể thao vẫn đang tiếp tục hằng ngày, hằng giờ chung tay, góp sức thực hiện sứ mệnh cao cả, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân cường thì Quốc thịnh” như mong muốn của Bác.

Tại Chương trình Vinh quang Thể thao Việt Nam vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Bộ VHTTDL đặt niềm tin sâu sắc với đội ngũ công chức, viên chức, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên ngành Thể dục thể thao sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống tự hào, quyết tâm làm hết sức mình, luôn đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đưa sự nghiệp Thể dục thể thao nước nhà lên tầm cao mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc của người Việt Nam theo tinh thần “Dân cường thì Quốc thịnh”.

Và chắc chắn là niềm tin ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những người đang công tác trong lĩnh vực Thể dục thể thao trên cả nước, để giúp họ hoàn thành sứ mệnh cao cả của nền thể thao cách mạng: Góp phần bồi bổ sức khỏe của nhân dân, góp phần vào sự phát triển chung và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Tưng bừng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân

Chào mừng 78 năm ngày truyền thống ngành Thể dục thể thao (27.3.1946 - 27.3.2024) và các ngày lễ lớn của đất nước trong tháng 3, hàng loạt tỉnh, thành, ngành trên cả nước đồng loạt tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân.

Tại Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội, Báo Hà Nội Mới phối hợp tổ chức Lễ phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, Giải chạy Báo Hà Nội Mới mở rộng lần thứ 49 - Vì hòa bình năm 2024, thu hút 4.500 người tham gia, trong đó có gần 1.000 VĐV chuyên nghiệp chạy hưởng ứng. Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố đã xây dựng kế hoạch và triển khai Lễ phát động Ngày chạy tại cơ sở, thu hút trên 350.000 người tham gia.

TP.HCM cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhân ngày truyền thống của ngành Thể dục thể thao. Ngày 24.3, UBND TP.HCM tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 và “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân” năm 2024 với sự tham dự của hơn 5.000 người thuộc các Sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, thanh niên, học sinh. Ngày chạy cũng được tổ chức rộng khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức, thu hút hàng chục ngàn người tham dự. Sở VHTT TP.HCM đang triển khai chương trình tập luyện miễn phí các môn thể thao dành cho tất cả người dân sinh sống trên địa bàn.

Tại thành phố Yên Bái, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024 với sự tham gia của gần 2.000 người. Cũng nhân dịp này, TP Hải Phòng cũng tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân với sự tham gia của hơn 1.500 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, hội viên các câu lạc bộ và đông đảo nhân dân thành phố. Tỉnh Quảng Ngãi cũng tổ chức Lễ phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân với sự tham gia của gần 2.000 người. Tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thao truyền thống, thu hút đông đảo các VĐV tham dự.

Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân” là hoạt động truyền thống được tổ chức hằng năm nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước”; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của tập luyện TDTT trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. T.S

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc