Lãng tử Lê Thụy

NGUYỄN THỤY KHA

VHO - Cao to, đàn ông, điển trai, mắt có đuôi cười sau cặp kính, truân chuyên và đa mang; thời trang dù mặc Âu, Á hay bà ba Nam Bộ vẫn khăn rằn choàng vai. Sau tất cả những vẻ bề ngoài ấy, bên trong đập cuồng nhiệt là trái tim của lãng tử Lê Thụy.

Con nhà giáo phố Hàng Bồ, chàng trai phố cổ vào thanh xuân cũng là lúc đất nước vừa thống nhất. Bạn học phổ thông mỗi đứa một nghề, Lệ Thụy lại chọn học đạo diễn sân khấu. Sài Gòn, thành phố phương Nam đón thêm vào mình một tài năng trẻ.

Lãng tử Lê Thụy - ảnh 1
Đạo diễn, NSND Lê Thụy lúc trẻ

Lê Thụy trở thành đạo diễn chương trình sân khấu truyền hình của HTV (Đài Truyền hình TP. HCM) từ đấy. Cả một tuổi công chức, chàng đã dâng hiến cho các loại hình sân khấu Nam Bộ từ cải lương đến kịch nói biết bao nhiêu vở diễn đủ hỷ, nộ, ái, ố. Sự dâng hiến ấy đã tôn vinh chàng trai lên tầm vóc NSƯT.

Thấy mình còn khả năng dâng hiến, lại tình thế xã hội cho phép, vào những năm cuối đời công chức, Lê Thụy đã mở công ty tổ chức sự kiện riêng để đến khi về hưu trở thành giám đốc công ty này. Và thế là ở tuổi lục tuần, Lê Thụy thỏa sức vẫy vùng làm những gì mình thích, với những người mình yêu mến. Các nhạc sĩ gạo cội như Đỗ Nhuận, Trọng Loan, Doãn Nho... nêu không có Lê Thụy thì làm sao có một chương trình vinh danh đúng tầm cỡ của họ.

Riêng Doãn Nho, Lê Thụy không chỉ làm chương trình vinh danh các nhạc phẩm có lời và không lời, chàng còn dàn dựng, đạo diễn cả một vở opera Câu chuyện tình yêu, được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Là người quảng giao, Lê Thụy có duyên tụ quần với các tài năng bên mình. Góc công ty nằm trong khuôn viên Hội Nhà báo TP.HCM (bên hông Dinh Độc Lập) luôn là nơi tề tựu các trai tài, gái sắc tới giao lưu, chia sẻ công việc; làm mà chơi, chơi mà làm.

Là đạo diễn sân khấu nhưng Lê Thụy luôn nặng nợ với âm nhạc cách mạng. Chàng luôn kính cẩn, coi âm nhạc cách mạng là một trong những thành quả vô giá mà các thế hệ cha anh đã để lại. Với tình cảm ấy, các chương trình do Lê Thụy đạo diễn đều rực lên một ngọn lửa lỷ tưởng trong lành và an nhiên.

Dâng hiến, không toan tính đã làm nên thương hiệu riêng của Lê Thụy. Cả đời làm đạo diễn sân khấu, vậy mà Lê Thụy lại viết và tự trình bày một ca khúc của mình về thân phận chú chó như bạn thân thiết của con người mỗi khi vui say cùng bè bạn. Cũng là bày tỏ tình yêu của mình với âm nhạc.

Chính vì vậy, Lê Thụy đã trở thành một nhân tố trong tổ chức truyền thông cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhờ thế nhiều năm qua, các chương trình của Hội đã được công chúng khắp nơi đón nhận rộng rãi. Âm nhạc hàn lâm đã dần thấm vào các tầng lớp thưởng thức. Nhờ thế, năm vừa qua, Lê Thụy đã được nhận Giải thưởng Hội Nhạc sĩ hàng năm bởi chương trình do chàng đạo diễn.

Không chỉ vậy, vào tháng 3.2024 vừa qua, Lê Thụy là một trong những nghệ sĩ của nước nhà được trao tặng danh hiệu NSND. Có lẽ, đây là sự vinh danh lớn nhất cho cả cuộc đời dâng hiến của chàng. Cũng là rất đáng kể cho một đạo diễn xuất thân từ phát thanh – truyền hình.

Trước ngày vinh danh, Lê Thụy ra Hà Nội trước để chia vui cùng bạn bè. Niềm vui còn lan qua thời gian, không gian để kết tụ ở TP.HCM vừa qua. Anh em ai cũng mừng cho lãng tử Lê Thụy ở tuổi 68 vẫn còn đầy tráng kiện cùng nhiệt huyết dâng hiến.

Tôi đã có lần được Lê Thụy cho tham dự lễ hội rằm Trung thu ở Tuyên Quang mà chàng là tổng đạo diễn. Ở nơi ấy, tôi đã tìm được “Hằng Nga” cho riêng mình. Một kỷ niệm đẹp. Mừng cho Lê Thụy, tôi ngẫu hứng vài câu thơ về kỷ niệm ấy. Tặng bạn vài dòng nôm na:

Sao vẫn trăng rằm Trung Thu

có vẻ trăng Tuyên Quang sáng hơn trăng nơi khác

phải chăng vì lễ hội tưng bừng góp thêm bao ánh mắt

nên trăng đất này chợt sáng hơn chăng?

bạn đã đem trí tuệ mình đến góp cùng người dân

khiến trăng Tuyên Quang tỏa rạng miền sơn cước

khiến trăng xuống tận đáy sông Lô ngời lên sóng nước

để lòng người mênh mang an nhiên

hình như trí tuệ bạn đã cùng mặt trời nơi cao xanh

cùng chiếu rọi vào tinh cầu trăng ấy

để trăng ánh xạ hào quang tới đất này chói lọi

soi lòng người ai cũng thấy mới hơn

trăng trăng trăng trăng Trung Thu Tuyên Quang.

Ý kiến bạn đọc