Sân khấu Lệ Ngọc dựng "Lôi vũ" để diễn tại Trung Quốc

VHO - Dựng kịch bản nổi tiếng nhất của nhà viết kịch Trung Quốc Tào ngu để sang diễn phục vụ khán giả Trung Quốc tại Tuần lễ Sân khấu Trung Quốc - ASEAN tại Trung Quốc vào tháng 11.2023, ý tưởng táo bạo này của Sân khấu Lệ Ngọc đã thành công, ngay đêm diễn ra mắt đầu tiên, vở bi kịch Lôi vũ đã tạo ấn tượng mạnh với đồng nghiệp và khán giả. Điều quan trọng hơn là ê kíp sáng tạo đã mạnh dạn dựng theo phong cách dàn dựng của sân khấu Việt để mang diễn tại Trung Quốc để khán giả có được cách nhìn đa chiều về cùng một kiệt tác sân khấu thế giới.

Sân khấu Lệ Ngọc dựng

Lôi vũ là một vở bi kịch về đề tài gia đình

Dựng kịch bản Lôi vũ, Sân khấu Lệ Ngọc có mục đích rõ ràng: Đó là đưa vở diễn sang tham dự Tuần lễ Sân khấu Trung Quốc - ASAN tại Trung Quốc vào tháng 11 tới theo lời mời của bạn nhân kỷ niệm 10 năm sự kiện này. Để hoàn thành tốt nhất mục đích này, NSND Lệ Ngọc và nghệ sĩ Văn Hải, Chủ tịch và Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc đã cùng bàn bạc với đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai với hai vai trò biên tập kịch bản và đạo diễn cùng đặt ra tiêu chí nghệ thuật đầy thách thức cho vở diễn: Việt hóa tốt nhất tác phẩm. Bởi lẽ, không thể thành công ở sự kiện giao lưu sân khấu thế giới trên nếu ta chỉ giới thiệu ở đó một Lôi vũ nguyên bản Trung Quốc.

Đêm ra mắt Lôi vũ của Sân khấu Lệ Ngọc tại rạp Đại Nam đã diễn ra trong sự ủng hộ nồng nhiệt của đồng nghiệp, khán giả. Có thể khẳng định, tiêu chí nghệ thuật đầy khó khăn nêu trên của vở diễn đã thành công ngoạn mục. 

Sân khấu Lệ Ngọc dựng

NSND Lệ Ngọc vai Phồn Y, Văn Hải vai Chu Phác Viên đã góp phần không nhỏ vào thành công của vở diễn

Trước hết, trong vai trò biên tập, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã khéo léo rút gọn nguyên tác từ 4 giờ biểu diễn sang thời gian hơn 2 giờ cho phù hợp với khán giả hiện nay mà vẫn giữ đầy đủ hệ thống nhân vật sự kiện, các sự biến chính và thông điệp nhân văn của  tác giả Tào Ngu. 

Thứ hai, theo nguyên tác, Lôi vũ của Tào Ngu là một bi kịch đã được đẩy lên đỉnh điểm trở thành thảm kịch như -Đê của nhà viết kịch cổ đại Hy Lạp Euripides hay Vua Lia của Shakespeare khi kết thúc bằng cái chết thê thảm của  3 nhân vật Lỗ Tứ Phượng, Chu Xung và Chu Bình, còn hai nhân vật Phồn Y và Thị Bình thì hóa điên. Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai và chỉ đạo nghệ thuật Văn Hải đã rất tỉnh táo, tinh tế khi cho rằng một cái kết đoản hậu như thế không mang được tinh thần nhân ái và cái kết có hậu của nghệ thuật phương Đông và Việt Nam. Bởi thế Lôi vũ chỉ dừng kịch ở cái chết vì bị điện giật của của ba anh em cùng cha khác mẹ, không có cảnh hai người mẹ hóa điên. Và sau khi dừng kịch, Hoàng Quỳnh Mai đã dàn dựng thêm một cảnh vĩ thanh không lời như một giấc mơ cho những người chết sống lại trong cuộc sống nhiều hoa và đầy ắp tiếng cười bên những người yêu thương trong một gia đình hạnh phúc.

Sân khấu Lệ Ngọc dựng

Bi kịch khi anh trai yêu phải em gái cùng mẹ khác cha

NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết chị làm thêm cảnh vĩ thanh này để đem lại cho vở kịch một cảm giác lạc quan, giải tỏa nỗi bi thương tột cùng do cái kết quá thảm khốc của vở diễn. Hoàng Quỳnh Mai quan niệm theo Aristotle thì chức năng bi kịch là để thanh lọc tâm hồn (catharsis), thức tỉnh lương tâm, hướng về các giá trị chân thiện mỹ, giúp con người sống người hơn, tốt hơn. Nhưng muốn thế thì đừng nên để khán giả tuyệt vọng, mất hết niềm tin và cảnh vĩ thanh trong Lôi vũ của Sân khấu Lệ Ngọc chính là để đem đến niềm tin hy vọng cho khán giả. Con người hay hôm nay nếu biết xử lý thì sẽ không bị rơi vào cảnh bi kịch như những con người trong Lôi vũ mà sẽ khéo léo vị tha để hướng tới cái thiện, cái nhân văn bằng một sự đoàn tụ.

Điểm nổi bật nữa trong Lôi vũ của Sân Khấu Lệ Ngọc là hầu như tất cả các diễn viên đều rất “vào” vai các nhân vật hầu hết đều đa nhân cách, rất khó diễn. Đặc biệt nữ NSND Lệ Ngọc thể hiện rất thành công một Phồn Y, người đàn bà đẹp đắm say, mê muội trong tình yêu điên loạn của mẹ kế - con chồng. NSND Lệ Ngọc đã diễn rất đạt diễn biến tâm lý phức tạp của Phồn Y, lúc mưu mẹo mà hồn nhiên ngây ngô, dữ đấy mà hiền ngay đấy, chợt tỉnh chợt điên bất ngờ, độc ác không ai bằng mà yêu thương cũng không ai bằng.

Sân khấu Lệ Ngọc dựng

Cách xử lý của đạo diễn đã tạo nên nhiều cảnh diễn khá ấn tượng

Khán giả cũng rất ấn tượng với Chu Phác Viên của nghệ sĩ Văn Hải tàn nhẫn và độc đoán qua cái trừng mắt, gằn giọng đáng sợ. Đây cũng là một nhân vật phức tạp không kém, gia trưởng độc đoán, tưởng thành công viên mãn hóa thất bại ê chề, tưởng hiền lành bao dung hóa bạc ác nhẫn tâm, là nguồn gốc tạo nên số phận trớ trêu của các nhân vật khác và là nguồn gốc tạo nên thảm kịch loạn luân trong gia đình.

NSND Thu Quế cũng thể hiện được một Thị Bình chân chất, quê mùa, khắc khổ nhưng giàu lòng tự trọng, giàu đức hy sinh. Tứ Phượng của Kim Oanh xinh đẹp, biết nhẫn nhịn chịu đựng nhưng rạch ròi trong tình cảm. Hán Quang Tú vai Chu Bình, Lâm Cương vai Chu Xung, Công Phùng vai Lỗ Đại Hải, Huy Bách vai Lỗ Quý đều thể hiện khá sắc sảo vai diễn của mình góp phần tạo nên sự hấp dẫn chung của vở diễn.

Sân khấu Lệ Ngọc dựng

Sau cái kết đầy bi kịch, đạo diễn đã mang tới một giấc mơ hạnh phúc 

Là một đạo diễn chuyên dàn dựng cho sân khấu kịch hát nhưng khi sang dàn dựng kịch nói lại là bi kịch, NSND Hoàng Quỳnh Mai vẫn tiếp tục khẳng định tài năng của mình bởi phong cách dàn dựng rất chuyên nghiệp, chắc nghề, chị đã vượt qua mọi rào cản để mang tới một bản phiên bản Lôi vũ ấn tượng. Điều thú vị là sang dàn dựng sân khấu kịch nói, Hoàng Quỳnh Mai đã bỏ qua các thủ pháp dàn dựng ưu thế của mình như các màn múa hát, trình diễn võ công phụ hoạ...và nhất là chất melo của cải lương để giữ tốt tính hiện thực của kịch nói. Cùng với hai nghệ sĩ “gạo cội” của Sân khấu Lệ Ngọc là NSND Lệ Ngọc, nghệ sĩ Văn Hải trợ giúp, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã thành công với một vở kịch nói thuần phác nhất, chỉ có thoại và thoại mà thu hút người xem lạ lùng. Đạo diễn và nghệ sĩ đã trau chuốt tới từng hành động kịch, từng lời thoại.

Sân khấu Lệ Ngọc dựng

Rạp Đại Nam chật kín khán giả không còn một ghế trống, khán giả bị cuốn theo mọi hỉ nộ ái ố của nhân vật trên sân khấu

Được trực tiếp xem đêm công diễn đầu tiên của Lôi vũ tại rạp Đại Nam đầy chật khán giả như mọi buổi diễn của Sân khấu Lệ Ngọc, tôi đã được tận hưởng niềm vui chung của hơn 600 khán giả, trong những tràng vỗ tay kéo dài khi mở và kết cảnh, khi có một câu nói hay hay một hành động thú vị của các nhân vật và cuối cùng tất cả khán giả có mặt trong khán phòng Đại Nam đã đứng dậy vỗ tay dường như không dứt chúc mừng thành công của vở diễn với cảnh vĩ thanh. Tôi nghe văng vẳng bên tai có ai đó nói: “Hay quá, hay hơn cả Vua Lia bạn nhỉ”. Vâng, sau Kim TửVụ án người đốt đềnVua Lia…Sân khấu Lệ Ngọc lại có Lôi vũ, một thành công mới theo câu slogan gần như không tưởng của một sân khấu ngoài công lập “Đem thế giới về Việt Nam , đem Việt Nam ra thế giới”…

NGUYỄN THẾ KHOA; ảnh: L.N

Ý kiến bạn đọc