Công diễn vở opera Công nữ Anio kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản

VHO – Tối 22.9, buổi công diễn đầu tiên vở opera Công nữ Anio đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tham dự chương trình có Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Nhật.

Công diễn vở opera Công nữ Anio kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản - Anh 1

Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự buổi công diễn đầu tiên vở opera "Công nữ Anio" 

Vở opera Công nữ Anio được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cùng với Ban điều hành Công nữ Anio lên kế hoạch và sản xuất nhằm đánh dấu cột mốc năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Vở diễn do nhạc trưởng người Nhật - Honna Tetsuji (Giám đốc âm nhạc kiêm chỉ huy chính Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam) làm Tổng đạo diễn; nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng giữ vai trò tác giả âm nhạc; đạo diễn, ca sĩ Opera Daisuke là đạo diễn, tác giả kịch bản, tác giả soạn lời tiếng Nhật; nhạc sĩ Hà Quang Minh là tác giả soạn lời tiếng Việt.

Đây là tác phẩm hoàn toàn mới với nội dung được xây dựng dựa trên câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Ngọc Hoa từ Hội An, Việt Nam và chàng thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki, Nhật Bản cách đây khoảng 400 năm, vào đầu thời kỳ Edo của Nhật Bản.

Theo đó, vào đầu thế kỷ XVII, khi Nhật Bản mở cửa giao thương, cho phép các thương buôn người Nhật ra nước ngoài làm ăn, một người Nhật tên Araki Sotaro đã dần đầu thương gia Nhật đến Hội An buôn bán. Tương truyền, Araki Sotaro được chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Nguyễn thứ 2 của chính quyền Đàng trong lịch sử phong kiến Việt Nam) tin tưởng và đặt họ theo dòng tộc Nguyễn, có tên tiếng Việt là Nguyễn Thái Lang.

Công diễn vở opera Công nữ Anio kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản - Anh 2

Vở opera Công nữ Anio được xây dựng dựa trên câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Ngọc Hoa từ Hội An, Việt Nam và chàng thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki, Nhật Bản

Thời gian sinh sống và làm việc tại miền Trung Việt Nam, vị thương gia người Nhật đã gặp công nữ Ngọc Hoa (nhiều tài liệu ghi lại rằng cô là bà con bên ngoại của chúa Sãi, được chúa Sãi yêu quý nhận làm con gái nuôi). Cảm động trước chuyện tình cảm của hai người trẻ, chúa Sãi đã quyết định gả cô con gái xinh đẹp cho Araki Sotaro. Sau khi thành thân, vào năm 1620, Araki Sotaro đưa công nữ Ngọc Hoa trở về quê nhà Nagasaki.

Tại Nhật Bản, nàng dâu quý tộc người Việt Nam được đặt tên theo tiếng Nhật là Wukaku, tuy nhiên do bà hay gọi người chồng Nhật của mình là "Anh ơi" nên người Nhật vẫn thường gọi bà với cái tên thân mật "Anio-san" (từ "Anio" phát âm nghe giống với câu gọi này). Về sau, "Anio" thường được người Nhật dùng để nói về những cô gái xinh đẹp và dễ thương. Công nữ Ngọc Hoa được xem là nàng dâu thuộc dòng dõi quý tộc đầu tiên của Việt Nam lấy chồng Nhật và sống tại xứ sở hoa Anh đào. Ở Hội An có một con đường mang tên bà như cách nhắc nhớ về mối lương duyên đặc biệt giữa công nữ Ngọc Hoa và người chồng Nhật, cũng như tình hữu nghị bang giao giữa hai nước Việt - Nhật.

Bằng cách tái hiện lại câu chuyện có thật trong lịch sử qua vở opera, Ban Tổ chức mong muốn tác phẩm sẽ trở thành biểu tượng thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong tương lai 50 năm, 100 năm tới.

Đảm nhận vai trò Cố vấn danh dự cho Dự án là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu. Đồng thời, Dự án cũng được bảo trợ bởi Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ VHTTDL Việt Nam, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Tổng cục Văn hóa Nhật Bản, cũng như có được sự khuyến khích, đồng hành từ lãnh đạo các địa phương của hai nước, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ các đơn vị, đoàn thể ở các lĩnh vực công, tư, giáo dục của cả hai nước.

Công nữ Anio được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội tổng cộng 3 buổi, vào các tối 22, 23 và 24.9.2023. Tiếp đó, vào ngày 27.9.2023, tác phẩm sẽ đến với công chúng Hưng Yên tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Vào tháng 11.2023, buổi diễn ra mắt công chúng Nhật Bản sẽ được tổ chức tại Hội trường Hitomi Memorial Hall của Trường Đại học nữ sinh Showa, Tokyo.

Thể hiện các vai chính trong vở Opera là những giọng ca Opera trẻ tài năng của Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó, vai Anio trong 2 tối 22 và 24.9 là Đào Tố Loan – giọng Soprano từng giành giải Nhất cuộc thi Opera quốc tế; vai Sotaro là Kobori Yusuke – giọng Tenor từng đạt giải Nhì cuộc thi âm nhạc Tokyo lần thứ 16 và giải Nhất cuộc thi âm nhạc Nhật Bản lần thứ 88. Ở buổi diễn tối 23.9, hai nghệ sĩ đảm nhận vai chính này là Bùi Thị Trang và Yamamoto Kohei.

Công diễn vở opera Công nữ Anio kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản - Anh 3

Vở Opera được thể hiện qua những giọng ca Opera trẻ tài năng của Việt Nam và Nhật Bản

Điểm đặc biệt của vở diễn là toàn bộ diễn viên đều hát mộc, không dùng bất cứ thiết bị trợ âm nào. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ phải thực sự có nội lực, có kỹ thuật tốt và luyện thanh cực kỳ nghiêm túc, chỉn chu. Mặt khác, hiện cũng chỉ có Nhà hát Lớn Hà Nội đủ tiêu chuẩn để nghệ sĩ có thể hát mộc, không bị tiêu âm. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ Nhật Bản đã phải dày công tập luyện để có thể hát Opera bằng tiếng Việt. Nghệ sĩ Kobori Yusuke (vai Araki Sotaro) từng chia sẻ: "Tiếng Việt Nam cực kỳ khó. Vấn đề khó khăn nhất đối với tôi khi học tiếng Việt là sự phong phú của các nguyên âm tiếng Việt. Tiếng Việt có quá nhiều nguyên âm. Để khắc phục được điều này, tại Nhật Bản tôi có những buổi luyện tập phát âm tiếng Việt với giáo viên người Việt Nam, mỗi buổi tập kéo dài 1-2 giờ. Trong những lần đó vừa tập hát, tập phát âm, tập nghe, tập nói, tập luyện khẩu hình để sao cho phát âm chính xác”.

Chia sẻ sau buổi công diễn đầu tiên, ca sĩ Đào Tố Loan xúc động bộc bạch: "Thực sự vinh dự và tự hào khi được tham gia dự án lớn như thế này trong vai nữ chính. Tôi nghĩ không có nhiều cơ hội như thế này cho nghệ sĩ Việt được tham gia. Ngày hôm nay tôi đã cháy hết mình, làm hết mình, hết khả năng mình có thể. Áp lực đến mức mất ăn mất ngủ, nhưng bên cạnh đó mình cũng biết cân bằng. Áp lực cả đoàn chứ không chỉ riêng tôi”.

THẢO MY

Ý kiến bạn đọc